BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm

Cập nhật ngày: 26/08/2016 - 01:04

Bến Trường Đổi xưa - nơi nghĩa quân Trương Quyền tiêu diệt tên Đại uý đồn trưởng Savin de Larclauze ngày 7.6.1866 (ảnh sưu tầm).

Tây Ninh là một tỉnh miền Đông Nam bộ, phía Đông giáp các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Tây và phía Bắc giáp vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240km.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng Trong, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Đến năm 1832, vua Minh Mạng đổi 5 trấn thời Gia Long: Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên thành 5 tỉnh: Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên và lập thêm tỉnh An Giang, hình thành 6 tỉnh gọi là “lục tỉnh Nam kỳ”. Đến năm 1836, tỉnh Phiên An đổi tên thành tỉnh Gia Định và cho lập thêm phủ mới với tên gọi Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định, gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá.

Nếu tính từ năm 1698 đến nay, vùng đất Tây Ninh đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm. Kể từ khi Tây Ninh chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp phủ vào năm 1836, đến nay tròn 180 năm.

Quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Tây Ninh gắn liền với quá trình đấu tranh gay go, ác liệt chống giặc ngoại xâm.

Những ngày đầu giữ gìn biên cương của Tổ quốc, các ông Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ liên tục chống giặc quấy nhiễu biên giới. Nhân dân Tây Ninh đã biết phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của tổ tiên ta, với hậu cần tại chỗ, tự tạo vũ khí đánh giặc. Ngay như việc biết sử dụng dầu nấu sôi rồi dùng ống thụt bắn dầu sôi chống giặc rất hiệu quả. Giặc cướp rất sợ loại vũ khí này. Rừng Tây Ninh cũng là căn cứ từ xưa của nghĩa quân “xuất quỷ nhập thần” chống giặc.

Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Định. Năm 1861, Lãnh binh Tòng (con trai của ông Cả Đặng Văn Trước - người có công xây dựng nên làng Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) từng đưa quân đến chi viện cho đồn Chí Hoà. Sau khi quân Pháp phá được đại đồn, biết thế nào chúng cũng lên đánh chiếm Tây Ninh, Lãnh binh Tòng lo củng cố lại lực lượng, xây dựng tuyến phòng thủ từ xa ở Trảng Bàng, quyết tâm chống giặc đến cùng để bảo vệ quê hương. Binh lực ít lại không được triều đình chi viện, tuyến phòng thủ bị quân Pháp phá vỡ, nghĩa quân của ông đành rút vào Tha La (An Hoà, Trảng Bàng) ẩn tránh với ý định tiếp tục kháng Pháp. Tuy nhiên, có kẻ phản bội chỉ điểm, ông bị Pháp bắt, đày biệt xứ tận đảo Guyane rồi mất tại đấy. 

Khi Tây Ninh bị quân Pháp tiến chiếm, ông Khâm Tấn Tường giữ chức Tham tán Quân vụ ở phủ Tây Ninh, đã không tuân lệnh bãi binh của triều đình, ông rút về An Cơ, chiêu mộ nghĩa quân, mua sắm vũ khí, lương thực, bám lấy địa hình thuận lợi của rừng, tổ chức chống Pháp. Quân Pháp từ Tây Ninh tấn công lên An Cơ, bị nghĩa quân đánh bị thương và chết khá nhiều, buộc phải rút lui bỏ lại xác đồng bọn. Trận sau, thực dân Pháp tăng cường thêm lực lượng tinh nhuệ, tấn công nhiều mặt vào thành An Cơ, ông Khâm Tấn Tường không để cho giặc bắt. Nhân dân kính phục, thương xót, đưa thi hài ông về chôn cất tại Bến Thứ và lập miếu thờ ông tại đây.

Trong quân ngũ của ông Khâm Tấn Tường còn có nhiều lãnh binh chống Pháp vô cùng oanh liệt. Nhân dân ở Trảng Bàng và Bến Cầu truyền tụng nhiều về chuyện Lãnh binh Két nhiều lần tập kích vào các đồn Pháp đóng lẻ tẻ ở Gò Dầu, Trảng Bàng… gây cho chúng không ít tổn thất về vật chất và sinh mạng. Sau khi Lãnh binh Két mất, nghĩa quân của ông cũng không thấy hoạt động nữa.

Trong 5 năm 1861-1866, trên đất Gia Định, Biên Hoà và Định Tường có nhiều cuộc nổi dậy đánh Pháp. Nổi bật nhất là cuộc nổi dậy của Trương Định.

Sau khi Trương Định hy sinh ở rừng lá Gò Công, cháu của ông là Trương Quyền tiếp tục đứng lên chống Pháp. Ông đưa nghĩa quân về rừng Tây Ninh, lập căn cứ ở Băng Dung (Phước Vinh) và liên kết với nghĩa quân Pô-Kum-Pô để chống Pháp.

Trương Quyền chiếm tỉnh lỵ Tây Ninh làm bàn đạp tiến về Sài Gòn. Trận đánh diễn ra vào ngày 7.6.1866, lính Pháp ở đồn Cầu Quan thấy đám đông hàng ngàn người tiến về tỉnh lỵ, viên Đại uý đồn trưởng Savin de Larclauze chủ quan lệnh cho Đại uý Pinault đem quân đến đàn áp. Cậy có vũ khí tối tân, Savin de Larclauze hung hăng cùng Thiếu uý Lesage dẫn 20 lính trong đồn xông ra định giải tán đám đông quần chúng ở bến Trường Đổi (cách cầu Quan trên 1km). Không ngờ hắn bị quần chúng bao vây, chặn đường rút lui về đồn. Hoảng sợ, hắn liền rút súng bắn vào đám đông làm vài người bị thiệt mạng. Hắn tưởng quần chúng sẽ hốt hoảng bỏ chạy, không dám chống lại, nhưng lập tức hắn bị giết ngay. Tên Thiếu uý Lesage thúc quân xông tới, bắn loạn xạ không tiếc đạn vào quần chúng. Nhưng chỉ mấy phút sau, khối quần chúng ùa tới giết chết hắn cùng 9 tên lính Pháp, số còn lại sợ hãi vội vàng tháo chạy về đồn.

Quan binh Pháp ở Tây Ninh hoảng sợ, tên Đại uý Pinault cấp báo về Gia Định xin viện binh. Thống đốc Nam kỳ là đô đốc De la Grandiène phái hai đạo thuỷ quân và lục quân do Thiếu tá Marchaise chỉ huy từ Sài Gòn lên cứu nguy cho đồng bọn ở Tây Ninh.

Đến Tây Ninh, Marchaise thấy bốn bề yên tĩnh, không biết nghĩa quân của Trương Quyền ở đâu. Hắn tổ chức hành quân truy kích, lùng sục khắp vùng 6 ngày cũng không tìm thấy, đến 3 giờ chiều ngày 14.6.1866, chúng mới đụng độ nghĩa quân tại Rạch Vịnh. Trận chiến này đã được báo tiếng Pháp “Tin tức Sài Gòn” đăng tải khá tỉ mỉ:

“Kích thích bởi lòng căm thù đối với những kẻ thù (nghĩa quân) cho đến lúc bấy giờ không thấy mặt, những người lính của chúng ta (quân Pháp) đã mở ra tuyến tán binh và vượt suối để lao tới. Họ gặp một cánh đồng lầy và ở đó họ chịu đựng một trận đánh không cân sức với một lực lượng có số quân đông áp đảo.

Thế là, chiến trận đẫm máu đã diễn ra, trong đó người ta phải đánh giáp lá cà, Thiếu tá Marchaise bị giết tại Rạch Vịnh. Đến 5 giờ chiều quân Pháp không còn nghĩ đến việc ở lại giữa cái đầm lầy này để bao vây đối phương nên đã rút về, và mãi đến 3 giờ sáng hôm sau mới đến được nơi đồn trú”.

Một lần nữa quân Pháp thất trận và phải mở đường máu chạy về đồn Tây Ninh với tinh thần hoang mang lo sợ, bất thần đêm 23.6.1866, Trương Quyền đưa quân tấn công vào Sài Gòn theo hai cánh:

Cánh quân thứ nhất do Trương Quyền trực tiếp chỉ huy đột nhập vào vùng Chợ Lớn, thọc sâu vào đồn Thuận Kiều, đánh giáp lá cà với bọn kỵ binh, diệt nhiều quân Pháp. Đến rạng sáng hôm sau (24.6.1866), nghĩa quân tiêu diệt hết quân Pháp trong đồn. Quân Pháp tiếp viện ngày càng đông. Cuộc chiến đấu quanh đồn Thuận Kiều diễn ra thêm ác liệt giữa ban ngày nên không thuận lợi cho nghĩa quân, Trương Quyền đã mưu trí cho quân rút khỏi đồn Thuận Kiều.

Cánh quân thứ hai thọc sâu vào Hóc Môn – Bà Điểm, tấn công vào quân Pháp đồn trú tại đây, quân Pháp từ Gia Định, Gò Vấp lên tiếp viện, nghĩa quân đánh nhau với giặc cho tới sáng rồi mới rút về Củ Chi.

Cuộc tập kích của nghĩa quân Trương Quyền làm chấn động cả Gia Định, nhất là chiến thắng ở đồn Thuận Kiều đã làm cho quân Pháp tổn thất lớn.

Sau chiến thắng đồn Thuận Kiều, Trương Quyền cho nghĩa quân rút về Tây Ninh, phối hợp với nghĩa quân Pô-Kum-Pô tiếp tục chống Pháp.

Ngày 2.7.1866, quân Pháp điều quân đánh vào căn cứ của nghĩa quân. Nghĩa quân đã bám sát giặc và tấn công vào lúc 12 giờ trưa hôm ấy tại cánh rừng nhỏ ở Trà Vong. Bị tổn thất nặng, quân Pháp hốt hoảng bỏ chạy. Trưa hôm sau, chúng lại rơi vào trận phục kích khác trên đường về. Đêm ấy, nghĩa quân Việt-Khmer đánh vào Tây Ninh, đốt phá công sở của bọn lính Pháp và nhà cửa của những tên tay sai.

Thành Xăng-đá, nơi binh lính Pháp đồn trú tại tỉnh lỵ Tây Ninh vào những năm đầu 1900 (ảnh sưu tầm).

Bị thua đau, quân Pháp từ Sài Gòn tăng viện cho Tây Ninh thêm 200 lính Pháp, 100 lính tập, 50 lính thuỷ. Chúng tăng cường truy tìm căn cứ của liên quân Việt-Khmer để hoạch định một trận đánh lớn. Không phát hiện nơi đóng quân của Trương Quyền, chúng quay sang tấn công vào Rạch Vịnh, nơi chúng đoán là căn cứ của Pô-Kum-Pô. 

Giữa tháng 7.1866, quân Pháp tấn công vào Rạch Vịnh. Trước tiên chúng cho pháo bắn dọn đường, đoàn kỵ binh tiến trước, quân lính tiến theo. Hai bên giao chiến tại Rạch Vịnh hơn nửa ngày, quân Pháp có ưu thế về lực lượng, có pháo binh yểm trợ, binh lính nhiều đạn dược, căn cứ Pô-Kum-Pô bị trúng pháo, các ổ súng đồng cũng bị hư hại, nghĩa binh bị thương và hy sinh khá nhiều. Trong tình thế bất lợi, Pô-Kum-Pô quyết định phân tán nhỏ lực lượng để tránh mũi nhọn tấn công của giặc Pháp. Sau đó, Pô-Kum-Pô rút về Campuchia và nghe đồn năm sau (1867) thì mất.

Trong khi đó, Trương Quyền và nghĩa quân của ông khôn khéo khi ẩn, khi hiện ở nhiều nơi, khi đánh ở phía Nam tỉnh, khi đánh ở phía Bắc tỉnh. Về sau Trương Quyền yếu hẳn, nghĩa quân tan rã vì thiếu vũ khí, lương thực, thuốc men, đạn dược không có, ông về rừng Bến Kéo lập trại dưỡng bệnh và tạ thế ngày 20 tháng 8 âm lịch năm 1871 ở Bến Kéo, thọ 55 tuổi.

Cuộc chiến đấu oanh liệt của Trương Quyền và nghĩa quân của ông đã làm cho quân Pháp trả giá khá đắt về sinh lực mới tạm dẹp yên được cuộc nổi dậy trên đất Tây Ninh.

Tiếp theo nghĩa quân Trương Quyền còn có các tổ chức yêu nước khác như Thiên Địa Hội do ông Hồ Văn Chư đứng đầu ở An Tịnh, Trảng Bàng; ông Nguyễn Văn Phát ở An Hoà và nhiều vị khác ở Gia Bình, Vàm Trảng... nổi lên hoạt động, nhưng không thu được kết quả gì đáng kể. Đất Tây Ninh dẫu mất vào tay bọn xâm lược Pháp, nhưng truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân được tôi luyện, phát huy mạnh mẽ khi có Đảng Cộng  sản Việt Nam dẫn dắt.

Đ.H.T

(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh)