Khi tạ thế, hồn chu du qua làng Phước Toàn (Quảng Nam), bà Chợ Được thấy phải dựng chợ để dân khỏi phải qua sông lụy đò. Thế là, một ngôi chợ mọc lên, biến vùng này trở nên sầm uất, đô hội... Nhớ ơn bà, người dân đã xây dựng cụm di tích Lăng Bà Chợ Được trên khu đất chợ. Dân gian truyền nhau câu ca: “Chợ Được lắm cá nhiều tôm/Lỡ buổi chiều hôm, đi về chợ Mới”.
|
Lễ hội Cộ Bà Chợ Được. Ảnh: cinet.vn. |
Bà Chợ Được tên thật là Nguyễn Thị Thiếp, húy là Của; người làng Phường Chào, châu Phiếm Ái, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Cha bà từng làm quan dưới thời nhà Lê.
Hiển linh chu du... dựng chợ
Tương truyền, lúc thân mẫu bà trở dạ, ngoài trời một cơn gió quay cuồng, cát bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh che phủ một vùng... Bà là tiên giáng thế nên toàn thân không có xương, làn da trắng như tuyết, thơm như hoa; đi đứng khác thường (chỉ dùng hai ngón chân cái); tiếng nói trong trẻo.
Bà thích mặc vải lụa điều, ưa vỗ về, nô đùa, ca múa với trẻ em. Bà cũng thích hát bội và đua ghe. Lớn lên, bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ở trần gian được 17 năm Gia Long thứ 16 (1817), bà qua đời, hiển linh tại đất Phường Chào. Người ta kể rằng, sau khi an táng, một con trâu húc vào mộ bà liền ngã lăn ra chết. Thấy vậy, ông chủ bái của làng bảo: “Trâu chết là việc tình cờ, chứ cô gái ấy có gì mà linh thiêng”. Vừa nói xong, đầu ông bỗng đau như búa bổ, vài ngày sau đột tử. Dân làng và thân quyến từ đó rất kiêng sợ oai linh của bà, tổ chức lễ vía sinh vào ngày 25 tháng Chạp hằng năm và giỗ ngày 19.11.
Một giai thoại cũng cho thấy, sau khi tạ thế, hồn bà Chợ Được chu du khắp nơi. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), nhân một chuyến vân du, bà qua làng Phước Toàn, tổng An Thành Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay thuộc thôn 3 - Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Nơi đây vốn là rừng cây sum suê, nhà cửa thưa thớt nhưng cảnh trí hữu tình, trên có rừng, dưới có sông, núi Ngọc Châu hoàn tả hữu.
Thấy phong cảnh đẹp, bà có ý muốn dựng chợ để dân khỏi phải qua sông lụy đò, sang chợ Trà Đỏa (Bình Đào) mua bán. Thế rồi, bắt đầu từ quán nước nhỏ của mình, bà khiến người qua kẻ lại ngày một đông, chẳng mấy chốc, thôn vắng trở thành chợ búa tấp nập, nhà quán xây dựng như nơi đô hội. Sông Trường Giang ghe thuyền tới lui tấp nập, có cả đoàn ghe bầu hàng chục chiếc, tải trọng vài chục tấn, buôn hàng tận Gia Định, Đồng Nai... Lâu dần, dân chúng gọi đó là Chợ Được (hàm ý: cầu chi cũng được!) hay Chợ Bà.
E ngại truyền thuyết bị phai mờ...
Là chốn linh thiêng, mang đậm màu sắc tâm linh dân gian song vì có mái đình, bến nước, đặc biệt là ngôi chợ Được đã góp phần làm cho Lăng Bà Chợ Được lúc nào cũng độc đáo, sống động. Tuy nhiên, năm 1999, UBND xã Bình Triều đã gửi tờ trình xin thay đổi vị trí xây dựng chợ Được nhằm quy hoạch khu bảo tồn di tích văn hoá tại khu vực này. Một năm sau (năm 2000), UBND huyện Thăng Bình đã tiến hành quy hoạch và xây dựng lại chợ Được mới cách vị trí chợ Được cũ khoảng 50m về hướng Nam. Chợ Được cũ, từ ngày đó, trở nên xơ xác, tiêu điều không còn như sôi động như trước. Không gian di tích Lăng Bà Chợ Được vì thế cũng không được như xưa. Người ta e ngại truyền thuyết bà Được "hiển linh" xây chợ cũng vì thế mà phai mờ theo năm tháng...
Hiện, cụm di tích Lăng Bà Chợ Được thuộc thôn 3 - Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008. Cụm di tích bao gồm: lăng Bà Được, đình làng Phước Ấm và không gian chợ cùng bến sông. Theo các cụ cao niên làng Phước Âm, riêng lăng Bà Được dựng vào năm Tự Đức thứ ba (1850) trên một dải đất rộng. Ban đầu, lăng chỉ có quy mô một gian, làm bằng tranh tre nhưng đến năm 1875, lăng được nâng cấp lên thành 3 gian, xây gạch, mái ngói. Năm 1968, dân làng chung góp trùng tu tôn tạo lại như hiện nay.
Theo Đất Việt