BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ts. Nguyễn Xuân Thủy: 'Siêu dự án” trên sông Hồng là ý tưởng tốt nhưng…

Cập nhật ngày: 10/05/2016 - 09:43

-  Thưa ông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua đề xuất đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với thủy điện của công ty thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành (Ninh Bình). Siêu dự án có vốn đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng. Quan điểm của ông về siêu dự án này như thế nào?

Ts. Nguyễn Xuân Thủy: Theo quan điểm của tôi, khai thác sông Hồng là một ý tưởng tốt. Vì sông Đà chúng ta khai thác rồi nhưng sông Hồng lâu nay, thậm chí ở Hà Nội cạn khô đáy, tàu đi lại rất khó khăn, không khai thác được. Thêm vào đó có những lúc mực nước xuống rất thấp, người dân không thể đưa nước vào ruộng làm nông nghiệp được.

Theo tôi, đối với vấn đề ô nhiễm mỗi trường, chính ra việc không làm mới gây ô nhiễm môi trường. Một số người bảo làm như thế ảnh hưởng đến môi trường, tôi thấy không biết ảnh hưởng đến cái gì?

Làm như vậy ta ngăn cách các đập, tất nhiên số đập 6-7 cái tôi không đồng ý. Số đập phải ít đi. Tuy nhiên, việc ngăn các đập như thế cho nước dâng lên làm cho môi trường sẽ tốt hơn và sản xuất điện, tạo ra môi trường cho tàu bè đi lại.

Theo tôi, dòng sông Hồng nhiều năm qua do cạn khô nên đã “đóng băng” cho nên bây giờ phải có giải pháp khoa học công nghệ để tận dụng, khai thác tiềm năng của sông Hồng. Vì vậy, tôi cho đây là ý tưởng tốt.

Tuy nhiên, cách làm như thế nào mới là quan trọng. Cách làm như thế nào đó thì giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Chủ đầu tư phải bàn với nhau để làm thế nào cho phù hợp nhất. Tuy là tư nhân đầu tư nhưng là công trình của nhà nước.

Khi tư nhân làm thì nhà nước phải có hợp đồng ràng buộc, nếu anh đang làm mà bỏ dở thì phải chịu gì, anh phải thông thải dòng chảy như thế nào? Phải có ràng buộc và phải do Chính phủ chứng giám chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Đối với vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, chuyện này tôi cho rằng cũng không ảnh hưởng. Một dòng chảy như vậy từ Vân Nam về Hà Nội đi qua các đập, phải có các âu tàu (các tàu có thể lên và xuống được). Âu tàu này giống như barie ở biên giới, cho tàu qua là tàu qua, không cho qua là không qua được… cho nên cũng không ngại.

Còn vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, như tôi đã nói, không ảnh hưởng đến môi trường vì hiện nay sông Hồng nhiều đoạn trơ đáy, trở thành bãi rác cho nên cho mực nước dâng lên nhờ những cái đập ở các vị trí hợp lý thì sẽ thông thoáng và biến dòng sông khô cạn thành có nước và môi trường sẽ được điều hòa tốt hơn trước.

Chuyện gây ra lụt lội cũng không xảy ra vì chúng ta đã xây 3-4 bậc thủy điện thì làm gì có chuyện lụt lội được. Khi mùa hè chúng ta xả nước để dân lấy nước lên ruộng, còn mùa nhiều nước thì xả ra biển. Đây cũng là một biện pháp điều tiết nước khoa học.

Nếu chúng ta không làm, tôi nhắc lại làm thế nào cho hợp lý, 2-3 đập hay 4-5 -6 đập thì phải bàn, chứ không phải muốn làm mấy đập là làm đâu. Vì vậy, nếu chúng ta không làm các đập, mỗi tháng mỗi năm hàng chục tỷ nước ngọt đổ ra biển.

Nước ngọt bây giờ rất quý. Nếu chúng ta khai thác được dòng nước đó, chặn lại để giao thông phát triển, lấy được năng lượng điện để cho thủy lợi phát triển, môi trường điều hòa thì tôi thấy rằng đó là việc làm cần thiết.


Ts. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải.

-  Vậy theo ông, việc “băm nhỏ sông Hồng” sẽ có ảnh hưởng đến đời sống người dân?

Như tôi đã nói, số đập phải do nhà nước và nhà đầu tư cùng bàn chứ không thể băm nhỏ được. Tôi có đồng ý là 7 đoạn, 5 đoạn đâu. Tôi chỉ nói ý tưởng đó là tốt còn số đập ở đâu, khu vực nào, bao nhiêu do nhà nước và nhà đầu tư bàn với nhau làm.

Vấn đề này chúng ta đang bàn, nếu chúng ta thấy 5 đập là nhiều quá thì chúng ta giảm xuống còn 3 -4 đập. Cái đó là hợp lý hay không các nhà khoa học và kinh tế bàn với nhau.

-  Theo ông dự án này không gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng trong đánh giá tác động dự án gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

(Cười)… Kể cả Bộ Kế hoạch Đầu tư và một số chuyên gia nói dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng tôi không biết sẽ gây ô nhiễm cái gì? Hiện tại chúng ta đang bị khô nước ở Hà Nội, tức là chúng ta đang bị ảnh hưởng môi trường do không có nước.

Khi chúng ta làm đê lên nước sẽ lên và không ảnh hưởng đến môi trường gì cả, sẽ điều hòa môi trường, tạo ra chung quanh Hà Nội hồ nước như vậy dòng nước sẽ được ngăn lại một cách hợp lý theo từng đoạn một; trong khi đó có các âu tàu cho thuyền lên xuống. Do vậy, môi trường phải tốt chứ?

Người ta nghĩ rằng có thể ảnh hưởng tới bão lụt, tuy nhiên, bão lụt thì các cửa xả đáy, cửa đê đã làm rồi. Khi lụt phải xả nước từ trước, khi khô thì ngăn lại để hút nước. Nhất là với Thủ đô Hà Nội khi khô nước chúng ta ngăn lại, nước sẽ dâng lên làm cho sông Hồng như ngày xưa, có dòng sông chảy qua Thủ đô điều hòa môi trường, không biến sông Hồng thành bãi rác thải nữa.

- Sông Hồng hiện nay đang được điều tiết tự nhiên, khi tiến hành xây dựng tới 6 đập thủy điện, như vậy, lúc thiếu nước, lúc thừa nước sẽ phải điều tiết thế nào?

Bản chất của công trình này là điều hòa nước chứ không phải hút nước. Tôi có đọc một tài liệu nói về các hệ thống âu tàu xây dựng cho Thủ đô, kết hợp với đề tài này tôi thấy dự án này là hợp lý.

Bây giờ những mùa khô do chúng ta đã xây dựng 3 nhà máy thủy điện ở sông Đà (thông ra sông Hồng) cho nên Hà Nội rất cạn nước, có thời điểm rất thiếu nước, thậm chí là không hút nước được để lọc nước cho các nhà máy nước. Vì vậy, khi chúng ta làm công trình này, chúng ta ngăn đê tức là giữ nước lại, không cho nước chảy ra biển. Vấn đề 6 đoạn hay 5 đoạn tôi không đồng ý phương án ấy, không nên 6 đoạn mà chỉ nên 3 đoạn chẳng hạn, cái này cần phải bàn. Một đê nhưng có nhiều tổ máy còn hơn làm nhiều đê.

Làm nhiều đê thì cũng có cái lợi của nó về việc tận dụng các bậc thang thủy điện nhưng cái đó phải bàn chứ không thể “chặt khúc” ra như thế là nó cũng có ảnh hưởng đến hoạt động chung của dòng sông và cũng giảm hiệu quả.

Tuy nhiên, tôi nói ý tưởng chung tận dụng và khai thác dòng sông Hồng là đúng nhưng phương án làm thế nào phải bàn kỹ, chứ không nên khẳng định 6 đoạn nữa.

Tôi không ủng hộ 6 đoạn đâu, tôi chỉ ủng hộ ý tưởng thôi. Ý tưởng đó là ý tưởng khoa học, đúng và hợp thời. Vì bây giờ các yếu tố đều có tác động của con người cả. Vì sao chúng ta thiếu điện, thiếu nước, thiếu dòng sông đi lại, thiếu nước để điều hòa môi trường…?

Theo tôi, nếu chúng ta làm được điều đó với một dự án hợp lý thì chúng ta sẽ có một tuyến thông thương bằng đường sông từ biên giới qua Hà Nội, qua các tỉnh ra biển. Nhờ đó, chúng ta tận dụng tuyến giao thông này, ngoài yếu tố về môi trường về điện, về nông nghiệp chúng ta sẽ giảm được chi phí vận tải, giảm bớt được xây dựng các đường cao tốc quá đắt tiền. Hơn nữa, vận tải đường sông dù có tăng phí cũng chỉ bằng 1/2- 1/3 chi phí vận tải ô tô cho nên hiệu quả mang lại rất tốt.

-  Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn infonet