BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tu bổ, tôn tạo di tích- học từ dân 

Cập nhật ngày: 31/08/2022 - 00:42

BTN - Như chúng tôi đã kể trong bài “Việc tu bổ tôn tạo di tích thành Bảo- Long Giang”, di tích này chỉ mới xây thêm được vài công trình mới. Còn mục tiêu chính, thể hiện ngay ở tên gọi dự án là tu bổ, tôn tạo lại hầu như chưa thực hiện được gì. Thậm chí, do xây dựng công trình mới nên đã làm tổn hại thêm những di tích cần tu bổ và tôn tạo.

Miếu Bà Chúa xứ ấp Xóm Khách, Long Giang.

Cụ thể là một số bụi cây duối cổ đã mất. Những bụi còn lại có nguy cơ sẽ chết nếu không có biện pháp chăm sóc, bảo vệ kịp thời. Góc có bờ thành còn lại cao nhất ở phía Tây Bắc chưa được giải toả, đền bù nên vẫn là đất phía sau của một hộ dân ở mặt tiền đường 786. Nhà này đã từng xây dựng cả chuồng bò trên bờ thành bảo…

Được biết, đây là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, theo phân cấp quản lý sẽ do Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Bến Cầu làm chủ đầu tư. Dù vậy, về mặt bảo đảm mọi công trình liên quan đến di tích lịch sử - văn hoá phải tuân theo Luật Di sản văn hoá, cũng có phần trách nhiệm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Trong Văn bản số 126/SVHTTDL-QLVH về việc khảo sát hiện trạng, tu bổ, tôn tạo di tích thành Bảo- Long Giang gửi UBND huyện Bến Cầu, Sở VH,TT&DL nêu rõ: “Về tu bổ, tôn tạo di tích Thành Bảo Long Giang/- Chỉ đạo chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên yếu tố gốc của di tích Thành Bảo, sử dụng chất liệu truyền thống khi gia cố (hạn chế việc sử dụng bê tông cốt thép), không chặt cây đắp đất lên các gốc cây cổ thụ và đào đất trên khu vực Thành Bảo). Không phá bỏ miếu thờ Lãnh binh Két đã có từ lâu, nên gia cố lại những phần đã hư hỏng xuống cấp. Không san lấp nền quá cao sẽ làm giảm đi giá trị gốc của di tích Thành Bảo Long Giang; chỉ cải tạo, san lấp, trồng cỏ mặt nền ngang bằng với hệ thống thoát nước phía sau khu thành bảo, cần bảo tồn nghiêm ngặt các cây hiện hữu trong khu di tích…”.

Chúng tôi trích lại nguyên văn một đoạn dài, là vì tính chất đúng đắn và đầy đủ của nội dung bảo tồn, tu bổ và tôn tạo một di tích lịch sử - văn hoá. Chỉ tiếc rằng, có thể nó đã hơi muộn, vì công trình đã thi công từ tháng 4.2021. Đến ngày 14.1.2022 mới có cuộc khảo sát mang tính “hậu kiểm” này. Nhưng cũng nhờ nó mà cụm cây duối quan trọng (vì nhiều cây và cổ nhất) đã được cứu thoát, khi nó đang được đào bứng dở dang lên khỏi bờ thành đất. Đến nay, bụi cây vẫn cần được “cứu” bằng cách trả lại nguyên trạng cho nền đất gốc nơi cây mọc.

Cũng phải nói lại cho công bằng là những yêu cầu trong văn bản kể trên là rất khó cho nhà đầu tư và đơn vị thi công. “Không chặt cây” thì quá đúng rồi! Nhưng không cả “đắp đất lên các gốc cây cổ thụ và đào đất trên khu vực thành bảo” thì làm sao có thể thi công bờ thành lên cao trình thiết kế? Dĩ nhiên là sẽ có cách, nhưng phải là một đơn vị thi công chuyên nghiệp về trùng tu, tôn tạo di tích.

Cho đến ngày 2.3.2022 thì có sự thay đổi, đối với ngôi miếu cũ. Nguyên do là UBND huyện Bến Cầu đề nghị được tháo dỡ miếu thờ phục vụ cho công tác thi công tu bổ, tôn tạo. Xét thấy ngôi miếu này “Không nằm trong danh mục thống kê các công trình có yếu tố gốc cần được bảo vệ…” nên Sở VH,TT&DL đã “thống nhất với đề xuất của UBND huyện Bến Cầu trong việc tháo dỡ miếu thờ cũ để thay thế đền thờ mới khang trang và tôn nghiêm hơn…” (Văn bản số 351/SVHTT&DL- QLVH ngày 2.3.2022).

Quả thật là ngôi miếu này mới chỉ xuất hiện lần đầu ở thành Bảo vào năm 1957, xây lại vào năm 1969. Nhưng cũng có thể nhờ có miếu, mà ngôi thành cũ ngoài giá trị lịch sử còn có thêm yếu tố tâm linh tín ngưỡng. Và nhờ thế mà thành được bảo vệ, ít bị xâm phạm để còn đến ngày nay. Dù mới chỉ tồn tại 65 năm qua, nhưng ngôi miếu nhỏ cũng đã trở thành hình ảnh thiêng liêng, gần gũi trong tâm thức người dân Long Giang- nhất là với người cao tuổi.

Nói tóm tắt, việc bảo tồn, tu bổ tôn tạo di tích thành Bảo- Long Giang là một việc khó. Khó để vừa tuân thủ luật pháp vừa thoả mãn nguyện vọng của mọi người dân trong ấp, xã. Nhưng, cũng đã có những bài học tốt về công việc này trên địa bàn huyện Bến Cầu.

Cách không xa, chỉ trên dưới một cây số tính từ thành Bảo, trên địa bàn ấp Xóm Khách có miếu Bà Chúa xứ. Ngôi này trước kia chưa có đường vào từ lộ 786 nên có thể còn ít người biết tới. Nay đã có một con đường đất đỏ dẫn vào. Khác với bên di tích thành Bảo đang xây dựng dở dang với sự mất mát đi nhiều hình ảnh thân thương; thì ngay từ đường đi vào, đã thấy mướt xanh một rừng duối già cổ thụ. Những dáng cây như khắc khoải vươn lên, kết một vòm xanh ôm trùm lên ngôi miếu cổ. Lại gần hơn, thấy da cây duối vẫn ngời xanh, dù thân hình có khúc khuỷu, vươn cao hơn 10 mét.

Công trình cũng mới vừa được tôn tạo lại đấy chứ! Nhưng hầu như không mất một cái cây nào. Vài ngôi nhà thép nhẹ, lợp tôn đã được dựng lên, khéo léo để không chạm vào những cây duối cổ. Cũng có võ ca, cột gạch xây nâng đỡ dàn kèo thép nhẹ, quét vôi vàng. Ngôi nhà thép tôn dựng cao, vừa che nắng che mưa cho ngôi miếu cũ, vừa che thêm không gian trước miếu cho bà con dễ dàng vào dâng lễ và cúng bái. Dù đến vào lúc vắng không một bóng người, nhưng sân nền chỗ nào cũng sạch bong. Dường như mỗi ngày đều có người đến dọn dẹp, thắp nhang bày biện bông trái cho ngôi miếu Bà Chúa xứ. Dù đây chưa phải là di tích được công nhận như bên thành Bảo- Long Giang.

Qua Long Giang là đến xã Long Chữ. Tại đây, thuộc ấp Long Hoà cũng có một ngôi miếu “Bà Chúa xứ Nguyên Nhung” được trùng tu tôn tạo khang trang từ vài năm trước. Tôn tạo nhưng không những không mất (hay chết) cây, mà còn trồng mới cả một rừng cây. Nhờ vậy mà rừng dầu trồng từ hơn 10 năm trước nay đã lừng lững cao xanh toả bóng ôm trùm khắp khu đất hơn 1.000m2 của ngôi miếu cổ. Vườn miếu đã lấy lại cái tên xưa là Rừng Miễu có từ ngày chưa bị chiến tranh tàn phá. Cũng giống như bên miếu Bà ấp Xóm Khách, xã Long Giang, là ngôi miếu đã được xây trùm lên một nhà tôn, sắt nhẹ lớn và kiên cố, mở rộng đáng kể không gian cả về phía trước lẫn hai bên. Nhưng ngôi miếu cổ, gốc của di tích vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành hạt nhân cho toàn bộ không gian kiến trúc. Công trình vừa đạt được mục tiêu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng ngày càng tăng của bà con, lại vừa bảo tồn được những gì đã trở nên gắn bó thân thương với nhiều thế hệ nhân dân.

Ở xa hơn nhưng cũng thuộc huyện Bến Cầu còn có khu Bàu Ông thuộc ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận. Đây cũng là một ví dụ hay về sự sáng tạo của nhân dân trong bảo vệ, giữ gìn những di sản quý của quê hương. Chỉ là một khu bàu ở giữa rừng cây, nhưng có một khối đá lớn được thờ trên một gò đất giữa rừng cây cổ thụ. Khối đá ấy có hình một đài sen lớn, được bà con gọi là Ông Đá.

Trước kia, Ông Đá “ngự” trơ trọi trên gò. Thì nay dân đã lợp cho ông một mái nhà nằm xen giữa các gốc cây cổ thụ. Cây vẫn được giữ nguyên, mà “Ông” từ đấy không còn “dãi nắng dầm mưa”. Người từ xa biết chuyện, kẻ góp cho “Ông” một đôi ghế đá, người tình nguyện làm thêm gạch lát dưới mái nhà. Thế là đã có một ngôi miếu thờ, như một dạng kiến trúc mở giữa rừng cây bát ngát. Trong tất cả các trường hợp kể trên, chỉ có thêm mà không có mất.

Đây quả là những bài học sáng tạo của người dân. Điều này thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta từ rất lâu rồi! Tại lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc. Người dạy: “Ba tháng nay các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, phải học mãi/ Học ở đâu, học với ai?/ Học trong xã hội, học nơi công tác, học ở quần chúng…”. Lời dạy của Bác không chỉ đúng với nghề báo, mà còn đúng cho mọi nghề nghiệp hay hoạt động khác.

Sự nghiệp tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá cũng vậy. Qua thực tế công trình tu bổ tôn tạo ở thành Bảo- Long Giang, thì những người có trách nhiệm rất cần học lại, từ nhân dân.

TRẦN VŨ