Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Kỷ niệm 68 năm truyền thống Báo Tây Ninh 1946 - 2014:
Từ “cục đất sét” truyền thống đến công nghệ thông tin hiện đại
Thứ hai: 09:37 ngày 06/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Ngày nay, sau 68 hoạt động, Báo Tây Ninh chẳng những duy trì và phát triển tờ báo in, mà còn có ấn bản báo điện tử, áp dụng công nghệ di động để cho bất kỳ ở đâu trên thế giới bạn đọc cũng đọc được Báo Tây Ninh trên laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh hiện đại. Và, tự hào thay, tất cả sự nghiệp đó đã bắt đầu từ “cục đất sét” suối Cây Chò.

 

Trang bìa số báo Xuân đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoà bình, thống nhất.

Theo ý kiến của các bậc tiền bối phát biểu tại các cuộc hội thảo lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Tây Ninh trước năm 2000, lúc cố Tổng biên tập Nguyễn Đức Tâm còn tại chức, thì tờ báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh, đã xuất bản số đầu tiên được in bằng “công nghệ in… đất sét”.

Thật ra, làm gì có cái “công nghệ” in thô sơ đến như vậy, chẳng qua là “nghe nói in bằng đất sét cũng được”, nên những người làm báo Dân Quyền mới lội xuống suối Cây Chò (ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành ngày nay) tìm đất sét đem về nhồi nắn và viết đôi dòng đem in thử; thế mà mấy lần thử đều thành công, ai ai cũng vui mừng, sung sướng. Tuy mỗi lần chỉ in được 35 bản, nhưng mọi người đứng xem đều reo lên “đã có lối thoát rồi”.

Chuyện khai sinh tờ báo bằng cách “in đất sét” là như thế. Tờ báo Dân Quyền lúc đầu chỉ in mỗi kỳ 100 bản, cùng với số truyền đơn, bản hiệu triệu in được đều giao cho hai đoàn Tuyên truyền lưu động đem đến hai huyện Trảng Bàng và Châu Thành (thuở ấy tỉnh Tây Ninh chỉ có hai huyện) để vận động nhân dân ủng hộ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Tuy nhiên “công nghệ in lối thoát” này chỉ phải duy trì một thời gian ngắn; cuối năm 1946, bước sang năm 1947 có 2 cán bộ Ban Tuyên truyền được cử đi học nghề in typo, công nghệ in chữ chì ở nhà in của Liên hiệp Nghiệp đoàn Nam bộ, đóng ở An Phú Đông, tỉnh Gia Định. Sau khi “lấy” được nghề in typo, hai vị này còn mang về tỉnh được mấy chục ký chữ chì “làm vốn” để mở nhà in của tỉnh. Nhà in ban đầu lấy theo tên tờ báo là nhà in Dân Quyền, sau đó khi ông Dương Minh Châu hy sinh, để ghi nhớ công lao của một trong những người sáng lập tờ báo và nhà in, Tỉnh uỷ đổi tên nhà in Dân Quyền là nhà in Dương Minh Châu.

Khuôn in báo bằng... công nghệ đất sét do nhà in Hoàng Lê Kha phục chế năm 1996.

Kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, thực hiện Hiệp định Genève năm 1954, lực lượng vũ trang cách mạng tập kết ra miền Bắc, tờ báo Dân Quyền đình bản, nhà in cũng không còn, thiết bị in được chôn giấu trong lòng đất chiến khu. 6 năm sau, bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, Tỉnh uỷ Tây Ninh tái bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh với tên Báo Giải Phóng với sự ra mắt số báo đầu tiên thật trang trọng để chào mừng sự kiện lịch sử thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20.12.1960, báo in typo, bìa giấy trắng dày có tranh cổ động kháng chiến in 4 màu rực rỡ. Theo hồi ức của cố Tổng biên tập Nguyễn Đức Tâm (thường gọi là ông Sáu Tâm), sự xuất hiện của số báo Giải Phóng đầu tiên sau chiến thắng Tua Hai và sự kiện Mặt trận ra đời đã làm cho nhà cầm quyền của chế độ Sài Gòn hết sức hoang mang lo sợ. Bọn chúng không thể nào ngờ được ở một địa phương sát nách “đô thành Sài Gòn” lực lượng cách mạng lại có thể xuất bản một tờ báo “bề thế, đẹp đẽ” và có sức hiệu triệu toàn dân mạnh mẽ đến thế. Thật ra việc xuất bản số báo đặc biệt, mở đầu một giai đoạn mới của tờ báo Đảng của tỉnh hoàn toàn không dễ dàng. Sau khi lực lượng cách mạng miền Nam tiến hành đấu tranh vũ trang chống chế độ Mỹ Diệm, Tỉnh uỷ Tây Ninh tái lập Ban Tuyên huấn, tái bản tờ báo Giải Phóng trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Thiết bị nhà in chôn giấu dưới đất khi moi lên thì chữ chì đã mục rã, không còn sử dụng được. Hai ông Phan Văn (tức chú Tư Văn- “chủ nhiệm kiêm chủ bút” kính mến của Báo) và Nguyễn Tấn (tức chú Năm Choàng- “kỹ thuật viên in đất sét”) đã phải hai lần dũng cảm cải trang đột nhập vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn để mua thiết bị in. Và số “tài sản quý giá” ấy đã được công khai vận chuyển đến căn cứ Tỉnh uỷ bằng xe hàng của gia đình Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ bây giờ. Khi nhà in được tái lập, nó được mang tên Hoàng Lê Kha, tên người anh hùng bị Ngô Đình Diệm tử hình bằng máy chém. Cũng theo ông Sáu Tâm, ông đã chọn nghề báo và theo nó từ khi “xếp bút nghiên” cho đến hết cuộc đời cũng vì cái ấn tượng cực mạnh từ số báo Giải Phóng đầu tiên ấy. Rồi suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ vẫn là ông Tư Văn và ông Sáu Tâm chủ trì việc làm báo, còn ông Năm Choàng thì chủ trì việc in báo những năm đầu kháng chiến, sau đó chuyển sang công tác khác.

Qua thời chiến đến thời bình, tờ báo Đảng của tỉnh rời chiến khu về Thị xã, chính thức xuất bản công khai với tư cách cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh, mang tên Báo Tây Ninh cho đến ngày nay. Nhà in Hoàng Lê Kha cũng “ra thành”, được bổ sung thêm máy móc, thiết bị, công nhân kỹ thuật, nhưng vẫn còn in chữ chì bằng công nghệ typo. Như vậy suốt 40 năm cuối thế kỷ 20, từ năm 1960 đến khoảng cuối những năm 1990, Báo Tây Ninh vẫn gắn bó với nhà in Hoàng Lê Kha và công nghệ in chữ chì. Cho đến khi công nghệ thông tin bắt đầu phát triển và Việt Nam chính thức mở cổng internet, kết nối mạng máy tính toàn cầu, thì Báo Tây Ninh cũng bắt đầu tin học hoá, ứng dụng tin học vào công nghệ làm báo.

Bước chuyển quan trọng này bắt đầu từ năm 1995 khi Báo cử một biên tập viên đi học lớp Thư ký toà soạn do Hội Nhà báo Việt Nam liên kết với Trường đại học Lille của Pháp tổ chức. Qua lớp học này, anh biên tập viên ấy tiếp cận với công nghệ làm báo hiện đại và về lập đề án tin học hoá Báo Tây Ninh. Ông Sáu Tâm, người cả đời không động tay vào bàn phím máy vi tính, nhưng lại rất “nhạy cảm” với cái mới đã duyệt ngay đề án và tích cực đề nghị cơ quan chủ quản của Báo cấp kinh phí lập phòng máy vi tính nối mạng nội bộ, và hai năm sau thì kết nối internet vào năm 1997. Có lẽ ở tỉnh nhà, Báo Tây Ninh là cơ quan đầu tiên có phòng máy vi tính nối mạng (không kể lúc ấy Trường THPT Trần Hưng Đạo và Trường cao đẳng Sư phạm cũng đã có phòng máy nhưng chỉ để thí điểm giảng dạy môn tin học, chứ không ứng dụng đổi mới công nghệ nào khác). Lúc bấy giờ nhà in Hoàng Lê Kha đã chuyển sang công nghệ in offset và cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin, bắt đầu “sắp chữ điện tử” trên máy vi tính thay cho việc “sắp chữ chì” bằng thủ công. Thế là nhà in buộc phải giải thể các phân xưởng sắp chữ, đổ chì bản, nghĩa là cho hàng mấy chục công nhân nghỉ việc, vì lẽ hai công việc sắp chữ và chế bản trên máy vi tính chỉ cần ba, bốn công nhân là đủ. Riêng đối với nhà báo thì không giảm mà phải bổ sung thêm đội ngũ kỹ thuật viên tin học, đồng thời buộc đội ngũ phóng viên phải học vi tính, trang bị máy vi tính, máy ảnh kỹ thuật số cá nhân để tác nghiệp bằng công nghệ mới. Tất nhiên “nhà cải cách” Sáu Tâm thấu hiểu điều đó, nên dang rộng vòng tay đón nhận các kỹ thuật viên có tay nghề (dù có thể không có bằng cấp) và các sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật tin học vào làm báo, đồng thời mở lớp đào tạo tin học tại cơ quan cho đội ngũ phóng viên. Và quan trọng hơn cả là ông Sáu Tâm mạnh dạn tạo nguồn tài chính cho phóng viên mượn trả góp không tính lãi để sắm máy vi tính. Mà một bộ máy vi tính để bàn lúc bấy giờ đâu có rẻ, bằng cả mấy năm lương phóng viên. Việc đổi công nghệ làm báo của Báo Tây Ninh khiến Toà soạn Báo trở thành điểm thu hút các báo địa phương tỉnh khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Về phía Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cũng tổ chức một hội nghị báo cáo viên chuyên đề tại Toà soạn Báo để trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Dàn trang báo tại Phòng Thư ký toà soạn Báo Tây Ninh.

Khởi đi từ những năm cuối thế kỷ 20, Báo Tây Ninh bắt đầu thực hiện các công đoạn làm báo như “sắp chữ”, dàn trang, xử lý ảnh, chế bản điện tử tại Toà soạn và truyền file đi nhà in dưới dạng gói dữ liệu qua mạng internet. Nhưng không phải là truyền đến nhà in Hoàng Lê Kha, mà xuống tận thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ nhà in Hoàng Lê Kha đã cổ phần hoá, rồi hoàn toàn trở thành doanh nghiệp tư nhân, nhưng lại không theo kịp đà đổi mới của cả công nghệ lẫn thị trường, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, không đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, cho nên… Thế là “mối lương duyên” nửa thế kỷ giữa nhà in và nhà báo của tỉnh đành phải “giữa đường đứt gánh”.

Ngày nay, sau 68 hoạt động, Báo Tây Ninh chẳng những duy trì và phát triển tờ báo in, mà còn có ấn bản báo điện tử, áp dụng công nghệ di động để cho bất kỳ ở đâu trên thế giới bạn đọc cũng đọc được Báo Tây Ninh trên laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh hiện đại. Và, tự hào thay, tất cả sự nghiệp đó đã bắt đầu từ “cục đất sét” suối Cây Chò.

NGUYỄN TẤN HÙNG

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục