Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Như thường thấy, bên cạnh những ý kiến tỉnh táo, vẫn còn nhiều người hùa theo, a dua một cách vô lối khi cho rằng, Việt Nam không có tự do thông tin.
Tổ chức nhân quyền Freedom House vừa công bố báo cáo xếp loại thường niên về tự do trên toàn cầu năm 2023, trong đó có tự do internet. Tổ chức có trụ sở tại thủ đô Hoa Kỳ viết: “chính quyền (Việt Nam) ngày càng kìm hãm việc người dân sử dụng mạng xã hội và internet để lên tiếng và chia sẻ thông tin”. Họ đánh giá, tự do internet ở Việt Nam không cải thiện (22 trên tổng số 100 điểm), không thay đổi thứ hạng so với cách nay một năm. Thông tin do Tổ chức nhân quyền Freedom House công bố hoàn toàn sai lệch, nếu không muốn nặng lời rằng, đây là sự bịa đặt trắng trợn.
Thông tin nêu trên do một đài phát thanh bằng tiếng Việt có trụ sở ở nước ngoài công bố. Bình luận về việc xếp hạng tự do internet của Tổ chức nhân quyền Freedom House, một bạn đọc viết, nguyên văn như sau: “Thiếu tự do internet à? Vậy người Việt Nam dùng sóng não để xâm nhập internet à? Ai cho họ cái quyền xếp hạng ấy? Việt Nam không mượn, không cần họ làm cái việc đó.
Người dân Việt Nam bây giờ hầu như ai cũng có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh lướt xem Google, lướt Facebook... cả ngày”. Như thường thấy, bên cạnh những ý kiến tỉnh táo, vẫn còn nhiều người hùa theo, a dua một cách vô lối khi cho rằng, Việt Nam không có tự do thông tin. Thật mỉa mai, nếu đúng thế, làm sao những người này lại có thể “bình luận” một cách thô thiển, thậm chí thiếu văn hoá như thế?
Hơn 100 năm trước, năm 1917, Quốc hội Mỹ ban hành Luật Tình báo (The Espionage Act 1917), trong đó khẳng định tự do ngôn luận không có nghĩa là người dân có quyền vận động cho việc kêu gọi hay thành lập tổ chức lật đổ nhà nước Mỹ vì đó là tội phản quốc. Vậy rõ ràng, tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ an ninh quốc gia. Luật cũng xác định tự do ngôn luận không có nghĩa là ở trong rạp hát đứng lên hô hoán “cháy nhà” mà trên thực tế không có, như vậy là quấy rối trật tự chung.
Và luật này giúp cho các cơ quan an ninh, tình báo, Bộ Quốc phòng Mỹ đối phó với những tổ chức và cá nhân xâm phạm đến an ninh quốc gia hoặc âm mưu lật đổ nhà nước Mỹ”. Năm 1964, Tối cao Pháp viện Mỹ định nghĩa tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền bịa chuyện để vu khống phỉ báng cá nhân. Năm 1972, Quốc hội Mỹ thành lập Uỷ ban Truyền thông Liên bang, cơ quan này có thẩm quyền trên các cơ quan truyền thông, giúp tự do ngôn luận đi vào nề nếp, không gây xáo trộn trật tự xã hội. Sau đó, nước Mỹ cho ra đời tiếp Bộ luật Truyền thông, trong đó cấm công dân đưa tin giả.
Không chỉ tại Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những quy định nghiêm ngặt để ngăn ngừa hậu quả của thông tin độc, bịa đặt. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc (năm 2020) trên thế giới hiện có 138 quốc gia ban hành Luật An ninh mạng, trong đó có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản luật và dưới luật về an ninh mạng. Tại châu Âu, Cộng hoà liên bang Đức- một nước được coi là đầu tàu của nền kinh tế của cả EU cũng ban hành nhiều quy định xử phạt nghiêm khắc đối với những người lợi dụng mạng xã hội vì lợi ích cá nhân, vi phạm an ninh quốc gia.
Năm 2017, nước Đức ban hành “Luật cải thiện thực thi pháp luật trên các mạng xã hội”, người dân Đức gọi luật này bằng cái tên ngắn gọn, “Luật kiểm soát facebook”. Theo tinh thần của luật, nhà cung cấp mạng xã hội có nghĩa vụ xoá các nội dung bất hợp pháp, trái quy định được ghi trong luật. Sau 24 giờ kể từ khi người dùng mạng xã hội khiếu nại vì bị xúc phạm, vu khống, nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Twitter, YouTube… phải xoá hoặc chặn nội dung bất hợp pháp.
Tại Cộng hoà Pháp, tháng 7.2019, Quốc hội nước này phê chuẩn một đạo luật để “chống lại hận thù trên internet”, cá nhân, tổ chức nào vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị phạt tiền từ 250 nghìn đến hơn một triệu Euro, nặng hơn còn bị bỏ tù.
Không chỉ xử phạt đối với người viết bài như nước Pháp, Cộng hoà Áo còn quy định trừng phạt những bình luận gây hận thù trên mạng xã hội. Nước Áo cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải cung cấp danh tính của người có bình luận gây hận thù… Cần nói thêm, ở Mỹ, giới hạn của tự do ngôn luận được thể hiện chủ yếu qua án lệ của các toà án, Toà án Tối cao Hoa Kỳ cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn mà không bị xem là vi hiến.
Năm 2017, Singapore ban hành Luật An ninh mạng, trong đó cho phép cơ quan an ninh mạng nước này theo dõi và quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia. Cơ quan an ninh mạng được phép thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng và nhanh chóng ứng phó với các mối đe doạ.
Chính phủ Singapore đã liệt kê 11 lĩnh vực được xem là hạ tầng thông tin quan trọng, trong đó có nước, y tế, hàng hải, truyền thông, thông tin, năng lượng và hàng không. Singapore cũng ký một tuyên bố chung với Đức để tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa hai nước.
Số liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố cho thấy, tính đến tháng 9.2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hằng ngày.
Bằng con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Việt Nam đã trở thành một nước mạnh về viễn thông - internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập internet cao.
Internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống người dân, trở thành hạ tầng của nền kinh thế, thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.
Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, đạt tỷ lệ 74,3% dân số. Có hơn 564 nghìn tên miền “.vn” đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mức độ sử dụng IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng IPv6, top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6.
Cần nói thêm, các nhà cung cấp dịch vụ internet, nền tảng công nghệ thông (của nước ngoài) đã làm giàu trên chính đất Việt Nam khi thu về nguồn tài chính khổng lồ từ dịch vụ quảng cáo.
Những con số nêu trên đã đủ chứng minh “Việt Nam không có tự do internet” chưa?
Theo quy định tại Điều 19, Công ước ICCPR (Công ước về quyền dân sự và chính trị) của Liên Hợp Quốc năm 1966: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự, an toàn xã hội, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật quốc tế, quyền tự do ngôn luận không phải tuyệt đối và không thể tuyệt đối. Điều này được chứng minh, khi trước đó, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 ghi: “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy. Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thoả mãn”.
Rõ ràng, không phải chờ đến kỷ nguyên internet, bất kỳ sự tự do nào cũng phải chấp nhận sự giới hạn của pháp luật của từng quốc gia.
Đừng quên, Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Tội phạm mạng như khủng bố, rửa tiền, lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma tuý… phát triển nhanh. Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan.
Con người, trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, thường bị bạo lực dưới một trong hai hình thức hoặc có khi cả hai: bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần. Sự cố một số người mẫu, ca sĩ, cầu thủ bóng đá bị lộ thông tin riêng tư chính là hình thức bạo lực tinh thần.
Thực tế đã có nhiều người, đủ mọi thành phần phải tìm đến cái chết vì bị khủng bố tinh thần. Công cụ để đối tượng xấu thực hiện hành vi bạo lực chính là mạng xã hội. Những ngày gần đây, nhiều người, kể cả những trường hợp có hiểu biết, có kiến thức pháp luật bị xử lý hình sự vì “ảo tưởng, ngáo mạng”, họ đi quá giới hạn của sự tự do theo quy định của pháp luật.
Theo Báo cáo Digital Marketing 2023 của We Are Social, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng internet, tương đương 79,1% so với tổng dân số, tăng thêm 5,3 triệu người (+7,3%) so với đầu năm 2022.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ Ookla, tốc độ kết nối internet trung bình qua mạng di động là 39,59 Mb/giây vào năm 2023, cao hơn mức 35,14 Mb/giây của năm 2022. Tương tự, tốc độ qua mạng cáp cố định là 80,27 Mb/giây, cao hơn tốc độ kết nối của năm 2022 (~68,5 Mb/giây).
Tốc độ internet được nâng lên từ 10% - 20% cho thấy cơ sở hạ tầng viễn thông internet của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều trong năm qua.
Về thời gian sử dụng internet mỗi ngày, báo cáo của We Are Social cho thấy người dùng tại Việt Nam dành khoảng 6 giờ 23 phút để lướt internet, trong đó 55,4% thời gian sử dụng internet thông qua các thiết bị di động.
Có 64,4 triệu người trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội, chiếm tỷ lệ 89% so với tổng dân số từ 18 tuổi tại thời điểm được thống kê.
Thêm vào đó, có 89,8% người dùng internet tại Việt Nam (không phân biệt độ tuổi) đã có sử dụng ít nhất một MXH tính đến tháng 1.2023, và trong số những người sử dụng mạng xã hội, có 50,6% là nữ so với mức 49,4% nam giới.
5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam gồm có: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), TikTok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%).
34,4% người dùng mạng xã hội nói rằng Facebook là nền tảng yêu thích nhất của mình, trong khi đó, tỷ lệ này là 21,3% đối với Zalo và 20,3% với Tiktok.
Đ.H
Việt Đông