Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tự do ngôn luận và sự khác biệt về văn hoá 

Cập nhật ngày: 13/07/2020 - 00:32

BTN - Do nhiều yếu tố khác nhau, tự do ngôn luận ở mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Một trong những nguyên nhân của sự khác biệt nêu trên là yếu tố văn hoá.

Lực lượng công an làm việc với một trường hợp đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: Phương Thảo - Ngọc Diêu

Tự do ngôn luận và bàn về tự do ngôn luận không hề mới mẻ gì. Không mới nhưng câu chuyện này sẽ không bao giờ cũ, bởi vì hàng chục, thậm chí cả trăm năm trước vấn đề tự do ngôn luận đã được bàn đến và cho đến nay, trong thời đại mạng thông tin toàn cầu, vấn đề này vẫn luôn là câu chuyện thời sự.

Chỉ có điều, do nhiều yếu tố khác nhau, tự do ngôn luận ở mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Một trong những nguyên nhân của sự khác biệt nêu trên là yếu tố văn hoá.

Chuyện ở “thế giới tự do”

Mỹ là một trong những quốc gia thường xuyên kêu gọi tự do ngôn luận và áp đặt tiêu chuẩn tự do ngôn luận của mình cho nhiều quốc gia khác. Một số người cho rằng, sở dĩ Mỹ luôn làm điều này là do xứ cờ hoa không có luật báo chí.

Đúng, nhưng thông tin vừa nêu chỉ mới phản ánh một nửa sự thật. Nước Mỹ không có luật báo chí nhưng không có nghĩa là mọi công dân Mỹ muốn làm gì thì làm, muốn viết thì viết, muốn nói gì thì nói.

Tháng 2.2020, báo Nhân Dân có đăng bài viết của một luật sư người Việt hiện sống ở Mỹ, người này viết: “Năm 1917, Quốc hội Mỹ ban hành Luật Tình báo (The Espionage Act 1917), trong đó khẳng định tự do ngôn luận không có nghĩa là người dân có quyền vận động cho việc kêu gọi hay thành lập tổ chức lật đổ nhà nước Mỹ vì đó là tội phản quốc.

Vậy rõ ràng, tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ an ninh quốc gia. Luật cũng xác định tự do ngôn luận không có nghĩa là ở trong rạp hát đứng lên hô hoán “cháy nhà” mà trên thực tế không có, như vậy là quấy rối trật tự chung. Và luật này giúp cho các cơ quan an ninh, tình báo, Bộ Quốc phòng Mỹ đối phó với những tổ chức và cá nhân xâm phạm đến an ninh quốc gia hoặc âm mưu lật đổ nhà nước Mỹ”.

Vẫn theo tác giả bài viết, năm 1964, Tối cao Pháp viện Mỹ định nghĩa tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền bịa chuyện để vu khống phỉ báng cá nhân. Năm 1972, Quốc hội Mỹ thành lập Uỷ ban Truyền thông Liên bang, cơ quan này có thẩm quyền trên các cơ quan truyền thông, giúp tự do ngôn luận đi vào nề nếp, không gây xáo trộn trật tự xã hội. Sau đó, nước Mỹ cho ra đời tiếp Bộ Luật truyền thông, trong đó cấm công dân đưa tin giả.

Không chỉ tại Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những quy định nghiêm ngặt để ngăn ngừa hậu quả của thông tin độc, bịa đặt. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, trên thế giới hiện có 138 quốc gia ban hành Luật An ninh mạng, trong đó có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản luật và dưới luật về an ninh mạng.

Tại châu Âu, Cộng hoà liên bang Đức - một nước được coi là đầu tàu của nền kinh tế của cả EU cũng ban hành nhiều quy định xử phạt nghiêm khắc đối với những người lợi dụng mạng xã hội vì lợi ích cá nhân, vi phạm an ninh quốc gia.

Năm 2017, nước Đức ban hành “Luật cải thiện thực thi pháp luật trên các mạng xã hội”, người dân Đức gọi luật này bằng cái tên ngắn gọn, “Luật kiểm soát facebook”.

Theo tinh thần của luật, nhà cung cấp mạng xã hội có nghĩa vụ xoá các nội dung bất hợp pháp, trái quy định được ghi trong luật. Sau 24 giờ kể từ khi người dùng mạng xã hội khiếu nại vì bị xúc phạm, vu khống, nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Twitter, YouTube.. phải xoá hoặc chặn nội dung bất hợp pháp.

Trong hai năm 2018-2019, tại Đức, có tổng cộng  215.000 bài, video gây tranh cãi trên YouTube, trong đó có 58.000 bài đã bị xoá sau khi nhận được khiếu nại. Tại Cộng hoà Pháp, tháng 7.2019, Quốc hội nước này phê chuẩn một đạo luật để “chống lại hận thù trên internet”, cá nhân, tổ chức nào vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị phạt  tiền từ 250 nghìn đến hơn một triệu Euro, nặng hơn còn bị bỏ tù.

Không chỉ xử phạt đối với người viết bài như nước Pháp, Cộng hoà Áo còn quy định trừng phạt những bình luận gây hận thù trên mạng xã hội. Nước Áo cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải cung cấp danh tính của người có bình luận gây hận thù…

Chuyện của Việt Nam

Hẳn dư luận chưa quên, trước khi Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) “cộng đồng mạng” sôi sục với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Trong đó, có rất nhiều người được coi là “nhân sĩ, trí thức cấp tiến” đã không ngừng kêu gọi cơ quan lập pháp không thông qua luật này. Có người còn viết cả “tâm thư” gửi Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội để “cực lực phản đối” nội dung của luật.

Có hai lý do chính, theo luồng ý kiến này, Luật An ninh mạng hạn chế quyền tự do ngôn luận, xâm phạm quyền riêng tư và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực tế gần hai năm qua cho thấy, Luật An ninh mạng, dù đã có hiệu lực nhưng không dấu hiệu nào cho thấy bộ luật này “cản trở quyền biểu đạt” hoặc gây khó dễ cho doanh nghiệp. Trái lại, bộ luật này chỉ làm cho mạng xã hội và những người sử dụng mạng xã hội có ý thức hơn mà thôi.

Cần thiết phải nhắc lại rằng, tại thời điểm trước khi Quốc hội ban hành và có hiệu lực vào đầu năm 2019, tháng 10.2018, phóng viên Báo Tây Ninh thực hiện cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (đoàn ĐBHQ đơn vị tỉnh Tây Ninh) xung quan nội dung cũng như ý kiến của dư luận về bộ luật này. Vị đại biểu Quốc hội khẳng định, Luật An ninh mạng đảm bảo phát triển kinh tế và không xâm phạm quyền tự do cá nhân.

Để chứng minh, vị ĐBQH dẫn ra trường hợp của Singapore - quốc gia được coi là văn minh hàng đầu không chỉ của châu Á mà còn cả thế giới. Theo đó, năm 2017, Singapore ban hành Luật An ninh mạng, trong đó cho phép cơ quan an ninh mạng nước này theo dõi và quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia.

Cơ quan an ninh mạng được phép thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng và nhanh chóng ứng phó với các mối đe doạ. Chính phủ Singapore đã liệt kê 11 lĩnh vực được xem là hạ tầng thông tin quan trọng, trong đó có nước, y tế, hàng hải, truyền thông, thông tin, năng lượng và hàng không. Singapore cũng ký một tuyên bố chung với Đức để tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa hai nước.

Tại thời điểm đó, bằng thông tin của mình, vị ĐBQH cho biết, Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Tội phạm mạng như khủng bố, rửa tiền, lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma tuý… phát triển nhanh.

Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan. Trong số gần 140 quốc gia ban hành luật an ninh mạng (tên gọi của luật ở mỗi nước có thể khác nhau) thì có 95 nước đang phát triển.

Những thông tin nêu trên cho thấy, nếu không có những quy định về an ninh mạng nói chung, sử dụng mạng xã hội nói riêng, xã hội sẽ rối loạn bởi những kẻ có tâm địa xấu. Như đã đề cập, trước khi Luật An ninh mạng của Việt Nam được thông qua, nhiều “người của công chúng” liên tục phản đối.

Thật trớ trêu, cách nay chưa lâu, một số người từng lớn tiếng phản đối Luật An ninh mạng lại phải cầu cứu cơ quan chức năng vì những tin nhắn, hình ảnh đời sống riêng tư trong tài khoản cá nhân bị kẻ gian đột nhập, lấy ra và tung lên mạng. Một nữ ca sĩ, sau khi “bị lộ” đã than với báo chí rằng “em chỉ muốn độn thổ vì quá xấu hổ”.

Quyền tự do ngôn luận là một quyền phổ quát của loài người nhưng nó cũng có sự “khu biệt” về văn hoá. Có nghĩa, quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt không thể có một mẫu số chung giữa các quốc gia với nhau, nhất là những nước có sự khác biệt về văn hoá mà có người gọi “xung đột giữa các nền văn minh”.

Một ý kiến, một thái độ, một bài viết hoặc một cử chỉ nào đó có thể hoàn toàn phù hợp với nền văn hoá này nhưng không thể xem là bình thường với nền văn hoá khác. Ngược dòng lịch sử, khi nước ta còn bị chia cắt, một nhân vật từng là người đứng đầu chính quyền được nước Mỹ hậu thuẫn ở miền Nam nói rằng, người Việt Nam không chấp nhận thứ tự do xô bồ của phương Tây, bởi sự khác biệt về lịch sử, văn hoá.

Chúng ta biết, con người, trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, thường bị bạo lực dưới một trong hai hình thức hoặc có khi cả hai: bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần. Sự cố mà một số người mẫu, ca sĩ, cầu thủ bóng đá bị lộ thông tin riêng tư chính là hình thức bạo lực tinh thần. Thực tế đã có nhiều người, đủ mọi thành phần phải tìm đến cái chết vì bị khủng bố tinh thần. Công cụ để đối tượng xấu thực hiện hành vi bạo lực chính là mạng xã hội.

Ở tầm vĩ mô hơn, chịu khó theo dõi, không khó khăn gì để thấy, nhiều người thiếu thiện chí đã triệt để sử dụng mạng xã hội để chống phá đất nước, phỉ báng, xúc phạm những người mà họ không thích, đặc biệt là các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Khi bài viết này đang hình thành, trên mạng xã hội xuất hiện một người Việt Nam (từng là luật sư) hiện sống tại Cộng hoà liên bang Đức đã phát sóng một đoạn video kêu gọi lật đổ chế độ hiện nay ở nước ta.

Trong clip, người này liệt kê 6 bước cần thiết và vạch ra lộ trình để lật đổ chính quyền nhân dân. Trong số đó, “giải pháp” đầu tiên ông ta đưa ra là kêu gọi người dân trong nước sử dụng facebook để tấn công chính quyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong những hình thức cụ thể là, thông qua mạng xã hội này để thực hiện “cuộc cách mạng đường phố”…

Có người tự hỏi, đang sinh sống tại nước Đức, sao ông ta không sử dụng mạng xã hội facebook để công khai kêu gọi lật đổ chính quyền nước Cộng hoà liên bang Đức? Sự thực, nếu cả gan làm điều tương tự như đang làm đối với Việt Nam, trong thời gian  “vài nốt nhạc” cảnh sát Đức sẽ không bỏ qua.

Ngay ở trong nước, chỉ mới đây, một số kẻ nhân danh quyền tự do ngôn luận, đã bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật vì sử dụng mạng xã hội để phỉ báng, xúc phạm, người khác.

Không riêng Việt Nam, trên thế giới này, không một quốc gia nào cho phép họ làm điều đó. Nhà báo Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân, trong một phiên họp của Quốc hội đã phải thốt lên, “mạng xã hội chửi không từ  một ai”.

Có thứ tự do nào như vậy?

Việt Đông