Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ góc sân nhà họ Dương làng Ninh Thạnh (Tiếp theo) 

Cập nhật ngày: 02/09/2020 - 08:48

BTN - Tấm phù điêu trên ban thờ nhà tưởng niệm họ Dương còn ghi nhiều tên tuổi thuộc thế hệ thứ ba, trong đó có một cái tên đặc biệt, đấy là bà Việt Nữ.

Sách Truyền thống ngành Tuyên giáo (1945-2000) do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh in năm 2000 có đoạn: “Được sự hướng dẫn của đồng chí Dương Minh Châu, Ban Tuyên truyền tổ chức ra tờ báo đầu tiên, lấy tên “Dân quyền” (1946). Các đồng chí Lê Đình Nhơn, Dương Minh Châu, Lê Sơn Đảnh, Phạm Văn Uyển và một số anh em khác phân công nhau viết bài…

Tháng 2.1947 hai đồng chí Nguyễn Văn Choàng và Hoàng Hiệp được đưa đi học in chữ chì tại nhà in Công đoàn Nam bộ. Sau đó đưa anh Nguyễn Văn Thệ học in giấy sáp. Còn giấy mực in… được chị Việt Nữ, cung cấp cho Ban Tuyên truyền. Ban Tuyên truyền và Mặt trận Việt Minh tỉnh là hai cơ quan liên hệ chặt với chị ngay sau khi cách mạng tháng 8 thành công. Cho nên, chị Việt Nữ có công giúp cách mạng từ đầu cho tới sau này” (trang 11).

Bàn thờ trong nhà tưởng niệm họ Dương.

Đến nhà thờ họ Dương mới rõ, bà Việt Nữ là con gái cụ Quốc Biểu, là cháu gọi Dương Minh Châu là chú. Dù cô cháu gái này chỉ thua chú mình 3 tuổi. Bà có tên thật là Nguyễn Thị Hiệp, còn gọi là Ngọc Bích, tự Việt Nữ. Bà sinh năm 1915 và mất ngày 17.5 âm lịch năm 1992 (Dương Minh Châu sinh năm 1912).

Nhưng, trước khi tìm biết thêm về hoạt động cách mạng của người phụ nữ có vai trò đặc biệt này, xin đọc và suy nghĩ về sự nghiệp của cụ Quốc Biểu- người cha của bà Việt Nữ, được Huỳnh Minh ghi chép lại trong sách Tây Ninh xưa, phần thứ 3- Nhân vật lịch sử (trang 123), trong bài cụ Quốc Biểu, một nho sĩ có tinh thần ái quốc. Theo đó: “Nguyễn Cư Hiến, tự Quốc Biểu, sanh năm 1895 tại Sóc Trăng. Lúc mới sơ sanh, ông theo dưỡng phụ là cụ Dương Minh Đặng, một nhà mô phạm trứ danh thuyên bổ về Tây Ninh…”.

Đoạn văn trên cho ta biết ông Quốc Biểu là con nuôi của thầy giáo Dương Minh Đặng. Điều này giải thích việc dù là con nhà họ Dương, nhưng ông vẫn mang họ Nguyễn. Cụ Dương Minh Đặng được “thuyên bổ” về Tây Ninh. Do đó cụ là nhà giáo trong hệ thống giáo dục nhà nước thời Pháp thuộc. Tìm hiểu thêm, được biết mẹ ông Quốc Biểu là bà Trần Thị Búp đã tái giá với thầy Dương Minh Đặng khi thầy còn dạy tại Sóc Trăng. Khi được “thuyên bổ” về lại quê nhà, ông Quốc Biểu theo cha (dượng) về Tây Ninh khi còn rất nhỏ (mới sơ sanh). “Đến 7 tuổi, ông vào học trường tỉnh Tây Ninh, vốn có thiên tài, ông học rất giỏi tỏ ra một đứa trẻ thông minh mẫn đạt/ Vì nhà nghèo, khi thi đậu bằng cấp sơ học thì ông xin thi ngạch thư ký bưu điện và tùng sự tại Sài Gòn…”.

Trong thời gian ở Sài Gòn, ông Quốc Biểu đã “lập gia thất” và vừa làm việc, vừa “tự học thêm Hán văn để thông hiểu Hán tự”. Trong số bạn bè ông, thấy có một vài tên tuổi lớn như Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu…

Ông tham gia văn đàn, làm thơ hoạ vận, khơi gợi tinh thần đoàn kết, sự chung tay góp sức của mọi người đánh đổ giặc xâm lăng, thu non sông đất nước về tay. Sau nữa, ông “tham gia vào các tổ chức cách mạng” do Nguyễn An Ninh khởi xướng. Tiếc rằng, do bệnh nặng nên ông đã phải trở về quê Tây Ninh vào năm 1922. Ẩn thân và dưỡng bệnh, nhưng Quốc Biểu không nguôi chí lớn.

Ông vẫn tìm những nơi quạnh vắng cất lều tranh, làm nương rẫy như ở suối Độn (núi Bà Đen), ở Gò Chẹt, nhưng đấy cũng là nơi hội họp với anh em đồng chí hướng, trong đó có: “Cụ Nguyễn An Ninh thường tới lui giữa đêm khuya giá rét”.

Ông cũng thường lên đảnh Bạc, núi Bà nơi có am ông Nhất Thiện để mượn tiếng tu hành mà mưu việc lớn. Đến năm 1923, ông cùng các văn nhân trong và ngoài tỉnh lập nên văn đàn Quốc biểu, lấy Gò Chẹt ở giữa rạch Tây Ninh, cách cầu Quan chỉ hai cây số làm nơi xướng hoạ, làm thơ, trong đó có cả em trai ông là nhà giáo Dương Văn Kim, bút hiệu Nhà Quê, người con thứ sáu của cụ Dương Minh Đặng.

Vào ngày “Phan Chu Trinh mất, ông Quốc Biểu chính là người đứng ra vận động làm lễ điếu tang cụ tại Tây Ninh và quyên tiền, cử người đem về Sài Gòn phúng viếng…”. Ông và văn đàn Quốc Biểu còn để lại nhiều bài thơ, tiếc rằng đến nay đã bị thất lạc nhiều hoặc rơi vào quên lãng. Chỉ còn có ba bài được tác giả Tây Ninh xưa chép lại.

Đặc biệt là vẫn còn một bản văn (xuôi) được nhiều ngôi đền miếu gìn giữ tới ngày nay. Đấy là bản văn “Tiểu sử đức Quan lớn Trà Vong Tây Ninh” do ông Quốc Biểu cùng ông Phan Thành Lợi (cháu của cụ Cử Trị - Phan Văn Trị- sĩ phu chống Pháp ở miền Tây Nam bộ) soạn thảo và trình bày trong một đêm Trung thu năm 1927 tại am ông Nhất Thiện trên núi Bà Đen. Ông mất ngày 28.10.1923 tại quê nhà Ninh Thạnh. Mộ ông được cải táng đem về góc sân có ngôi thờ gia tộc họ Dương.

Quốc Biểu và vợ là bà Lê Thị Tại sinh được 4 người con gái. Ngoài “chị hai” Ngọc Bích, tức Việt Nữ lần lượt là các em Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Thu Thuỷ và Nguyễn Thị Mỹ Lệ. Bà Việt Nữ có chồng cũng là một nhà thơ trong văn đàn Quốc Biểu là ông Lê Văn Thành, tự Cổ Lệ.

Bà Việt Nữ tham gia cách mạng từ rất sớm. Sách “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh xuất bản 1991) có đoạn: “ở vùng thị xã Tây Ninh: Ta có tổ chức lãnh đạo, có người phụ trách từ đầu (sau tháng 8.1945) là chị Việt Nữ.

Sau mấy tháng hoạt động, khi giặc chiếm thị xã, Ban Chấp hành lâm thời Hội Phụ nữ tỉnh rút và phân tán. Chị Việt Nữ cùng các chị Tư Chia, chị Sáu, chị Liên ở lại hoạt động bí mật. Các chị lo tổ chức vận động bà con ở thị xã làm lương khô cho bộ đội…

Bà con tập trung ở nhà chị (Việt Nữ) lúc ấy còn ở Trảng Lớn bánh tổ đến 20 cần xé phải chở lần lượt gần 3 xe ngựa đưa ra xóm Vịnh, chuyển theo bộ đội…”. Sau đó, ngoài nhiệm vụ hậu cần, phụ nữ Thị xã còn: “Nắm địch tình phục vụ cho Công an xung phong, vận động thanh niên đưa ra kháng chiến…”.

Những đợt mua hàng nhiều, thì: “Mấy đợt lớn mà bản thân chị Việt Nữ đứng ra lo mới xuể". Và khi: “Thông tin cần chữ in, đích thân chị phải xuống Sài Gòn mua chữ in, đem về trộn trong gạo chở xe bò ra, sàng lấy chữ và đãi gạo sạch để dùng luôn gạo…”. Do vậy trong năm 1946, chị đã 2 lần bị địch bắt giam, sau đó được thả nhờ gia đình có thân thế ở Sài Gòn bảo lãnh hoặc do báo chí công khai đòi thả.

Trong cuốn sách Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại mới xuất bản quý 2.2020, ông Nguyễn Văn Choàng, một cán bộ lão thành cách mạng ở Tây Ninh cũng kể lại: Tờ báo in đầu tiên của Tỉnh uỷ Tây Ninh mang tên Dân Quyền, in tay bằng đất sét.

Về sau ông và một đồng chí khác được cử đi học nghề in chữ chì tại nhà in của Liên hiệp Công đoàn Nam bộ. Học xong về xây dựng nhà in. “Ngày 25.4.1947, nhà in được khai trương… Để không ngừng nâng số lượng phát hành, chị Việt Nữ đã vận động đồng bào Thị xã mua thêm gần 500kg chữ chì, sau tăng thêm cả tấn…”.

Năm 1947, liên tục bà Việt Nữ chịu hai cái tang: tang chồng và tang chú Út- Dương Minh Châu, cộng thêm những biến cố của cá nhân và tổ chức, nhưng người phụ nữ kiên nghị có biệt danh Việt Nữ (Phụ nữ Việt Nam) ấy đã không núng chí nao lòng. Dù không còn giữ vai trò phụ trách phong trào phụ nữ đô thị như những ngày đầu cách mạng, bà vẫn tiếp tục cùng gia đình là cơ sở cho cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ.

TRẦN VŨ

(Còn tiếp)

Tin liên quan