Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong quá trình tìm hiểu về truyền thống Hội, chúng tôi có dịp gặp gỡ những cán bộ Hội đã từng đóng góp tuổi trẻ, tâm huyết của mình để gầy dựng phong trào phụ nữ tỉnh nhà. Các cô nay đã về hưu nhưng vẫn luôn quan tâm, dõi theo những bước phát triển của công tác phụ nữ.
Phải giữ gìn tâm trong sạch như gương
Cô Trần Thị Thiên Hương (ngụ khu phố 1, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) thường được gọi là cô Bảy Hương. Năm nay, cô Bảy Hương đã gần 80 tuổi. Những vết hằn năm tháng đã in nơi khoé mắt, nhưng sự hoạt bát, mạnh mẽ, nhiệt huyết của một người cán bộ Hội một thời vẫn còn hiện hữu. Ðến giờ, cô vẫn còn ghi nhớ rõ những kỷ niệm về một thời làm công tác phụ nữ trong thời kỳ đấu tranh gian khổ.
Thời trẻ, cô Bảy đã tham gia cách mạng, làm công tác Binh vận của huyện Châu Thành, rồi sau đó được điều làm công tác phụ nữ tại xã Hảo Ðước (Châu Thành). Lúc đầu, cô cũng có những bỡ ngỡ và lo lắng về nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, từ sự động viên của cấp trên và lòng nhiệt tình của một người cách mạng, cô đã không ngừng học hỏi để hoàn thành tốt công tác được giao.
Cô Bảy Hương kể lại, ban đầu, cô làm cán bộ tổng hợp chuyên báo cáo hoạt động công tác Hội cho cấp trên. Từ năm 1962, cô chuyển lên làm công tác cho Tỉnh hội. Thời ấy, tất cả cán bộ Hội đều phải đi địa bàn, sống cùng dân để làm công tác, có lúc đi hàng tháng trời. Cô nhớ: “Ðể làm công tác vận động hiệu quả, cán bộ mình khi đó phải cùng ăn, cùng sống, cùng làm việc với người dân để tạo cảm tình”. Với cô Bảy, để có thể làm tốt công việc là nhờ tình cảm tốt đẹp của người dân ở mỗi địa bàn công tác.
Cô Bảy Hương.
Dẫu đã qua mấy mươi năm, nhưng trong tâm trí của cô Bảy vẫn còn in đậm hình ảnh những buổi tổ chức văn nghệ, tuyên truyền về các dịp lễ, ngày kỷ niệm để tập hợp phụ nữ, người dân; hay cảm giác đau rát vì bàn chân bị gai cào xướt do phải lội bộ những đoạn đường dài đi triệu tập người dân đến tham dự. Kỷ niệm sâu sắc nhất đối với cô là những buổi tổ chức tuyên truyền trong sự cảnh giác cao độ với bom đạn khi máy bay của kẻ thù quần đảo trên đầu.
Cô nói: “Lúc ấy dân mình rất nhiệt tình, không hề sợ hãi. Và những người làm cán bộ như chúng tôi càng phải bình tĩnh, quyết tâm làm tròn trách nhiệm hơn thế”. Ði qua những năm tháng gian nan với công tác Hội, cô Bảy Hương đúc kết: “Người cán bộ Hội phải biết tạo giữ uy tín cho mình. Phải luôn giữ gìn tâm trong sạch như gương để công tác vận động tuyên truyền hiệu quả. Người cán bộ Hội Phụ nữ còn cần có tấm lòng rộng mở, đức hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ”.
Một lòng nghĩ đến nhiệm vụ
Trong những ngày khắp nơi tưng bừng mừng ngày truyền thống Hội, chúng tôi may mắn gặp bà Út Phong (bà Võ Thị Phong), nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Kỷ niệm một thời hoạt động gian khổ mà hào hùng vẫn còn in đậm trong ký ức của bà.
Bà Út Phong
Ðó chính là không khí thắm tình quân dân với những hình ảnh đẹp rực rỡ của cờ hoa, của tình thương yêu, của những cái ôm đậm tình quân- dân trong ngày đón bộ đội tình nguyện trở về sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Bà Út Phong vẫn nhớ, ngày ấy, bà cùng nhiều cán bộ Phụ nữ tham gia vận động các chị, các mẹ tiễn con em họ lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Có một số cán bộ Hội còn theo đoàn sang Siem Reap (Campuchia) thăm các chiến sĩ. Hay sau đó là ký ức về những ngày hàng ngàn người chung sức, góp công xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, trong đó không thể vắng bóng những người phụ nữ, dù chân yếu tay mềm nhưng luôn đồng lòng cống hiến sức lực, tận tâm chăm lo cho những nhân công tham gia đào đắp, xây hồ Dầu Tiếng- một công trình lịch sử của tỉnh nhà.
Bà Út Phong chia sẻ: “Thời đó, cán bộ Hội chúng tôi thường phải di chuyển xa xuống địa bàn làm công tác hàng tháng trời, khi trở về lại tiếp tục đi sang địa bàn khác. Lúc ấy, ai ai cũng chỉ nghĩ đến nhiệm vụ chung có lúc quên luôn cả nghĩa vụ riêng. Ngày đó, chị em chúng tôi không ai nề hà gian khổ, ai cũng quyết tâm để hoàn thành công tác với niềm phấn khởi nhằm mang lại những thay đổi cho đời sống người dân, chị em phụ nữ”.
Trong những phong trào thi đua góp phần phát triển đất nước, phát triển tỉnh nhà luôn có sự góp sức của cán bộ Hội Phụ nữ. Phụ nữ đã được giải phóng, tự tin tham gia vào những việc lớn, đời sống vật chất, tinh thần cũng đã cải thiện nhiều. Có thể nói, một thời công tác Hội bằng cả nhiệt tâm, nhiệt tình của bà Bảy Hương hay bà Út Phong là nguồn động viên tích cực cho những cán bộ Hội hôm nay.
VI XUÂN