Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ Hồng Hà tới bến Tầm Long
Thứ tư: 08:32 ngày 18/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ða số các họ tộc ở Tây Ninh hiện nay chỉ mới xác định gốc gác của mình từ các tỉnh miền Trung trở vào. Chẳng hạn, họ Ðinh ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng xác định rằng: “Ðức Thuỷ tổ Ðinh Muộn, người gốc tỉnh Quảng Nam, sinh vào khoảng năm 1780...

Vàm rạch Giồng Nần trên sông Vàm Cỏ Đông.

Từng được xem một số cuốn gia phả hoặc lịch sử dòng họ của người Tây Ninh, tôi thấy đa số các họ tộc chỉ mới tìm ra gốc gác của mình từ một tỉnh nào đó thuộc miền Trung. Còn trước nữa, những họ tộc ấy đến miền Trung bằng cách nào, tự bao giờ thì vẫn là: “Một câu hỏi lớn…” (thơ Huy Cận).

Vậy mà, vẫn có một dòng họ giữ nguyên được trong ký ức các thế hệ câu chuyện mô tả một cuộc ra đi từ Bắc vào Nam trong một thời đoạn chiến tranh đầy mất mát thương đau suốt chiều dài gần 400 năm. Những câu chuyện kể đời này truyền cho đời khác, để rồi đến một lúc nào đó gặp người gặp cảnh, lịch sử dòng họ sẽ hiện lên nguyên vẹn trên giấy trắng mực đen. Ðấy là dòng họ Nguyễn từng sinh sống tại miền đất Hảo Ðước, Trí Bình, huyện Châu Thành đã ghi chép lại.

Từ câu chuyện kể truyền đời

Ða số các họ tộc ở Tây Ninh hiện nay chỉ mới xác định gốc gác của mình từ các tỉnh miền Trung trở vào. Chẳng hạn, họ Ðinh ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng xác định rằng: “Ðức Thuỷ tổ Ðinh Muộn, người gốc tỉnh Quảng Nam, sinh vào khoảng năm 1780... Chiến tranh giữa Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn nổ ra, dân cư xiêu tán. Theo làn sóng tìm nơi yên ổn làm ăn, Ðức Thuỷ tổ vào Nam vào khoảng năm 1800...”.

Hay họ Trương có ngôi nhà thờ họ ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Ðiền cũng chỉ biết được: “Tiên tổ của chúng ta, ban đầu từ Trung phần (miền Trung) theo dòng thác tị địa của nhân dân vào Nam khoảng năm 1800, và đình trú tại Mô-Xoài (một địa danh nay thuộc về Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có tên là xã Phước Liễu)”...

Ngay cả một nghiên cứu rất công phu của tác giả Dương Công Ðức, cuốn “Gia Bình xưa, lược sử tộc họ Dương và sự hình thành làng Gia Bình” (Nxb Văn hoá- Văn nghệ TP.HCM, 2010) cũng chỉ xác định được: “Ngài Dương Tấn Phong (cụ Tổ của họ Dương xã Gia Bình)... vào Nam lập nghiệp từ vùng đất Quảng Nam, là một nhánh của tộc họ Dương Tấn hiện đang sinh sống tại xã Ðiện Phương, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay...”.

Một nhân vật Tây Ninh nổi tiếng khác, là cụ Ðặng Văn Trước, người được triều vua Nguyễn cuối cùng sắc phong là thành hoàng đình Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, do những công lao mở đất lập làng “Phước Lộc thôn”, nay là xã Gia Lộc... thì các sách viết về ông đều chỉ xác định: “Là người Bình Ðịnh… theo cuộc Nam tiến vào ở Bến Ðồn (Bùng Binh) tổng Dương Hoà, huyện Bình Dương...” (sách Tây Ninh xưa, tác giả Huỳnh Minh, Nxb Thanh Niên tái bản năm 2001). Vùng Bến Ðồn (Bùng Binh) ấy nay cũng đã thuộc về xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng.

Vậy mà vẫn có một dòng họ giữ nguyên được trong ký ức các thế hệ nhờ một phương thức rất thủ công. Ðấy là bằng những câu chuyện kể đời này truyền cho đời khác. Ðể rồi đến một lúc nào đó gặp người gặp cảnh, lịch sử dòng họ sẽ hiện lên nguyên vẹn trên giấy trắng mực đen.

Sau đây là một câu chuyện như thế, do dòng họ Nguyễn từng sinh sống tại miền đất Hảo Ðước, Trí Bình, huyện Châu Thành ghi chép lại. Câu chuyện mô tả một cuộc ra đi từ Bắc vào Nam trong một thời đoạn chiến tranh đầy mất mát thương đau suốt chiều dài gần tới 400 năm.

Buổi đầu tiên là ở miền châu thổ sông Hồng, hiện đã không thể biết đấy là Hà Nội hay các tỉnh có sông Hồng chảy qua như Phú Thọ, Hà Nam, Hưng Yên hay Thái Bình, Nam Ðịnh. Chỉ biết có người họ Phan, tên Hồng, được làng xã giao cho việc gác đê. Việc này cũng rất hệ trọng, bởi đê vỡ sẽ gây ra bao tai hoạ chết người, lụt lội, đói ăn... nhất là khi thời ấy dân đen còn chịu cảnh “một cổ hai tròng”.

Ông Phan Hồng có người con trai tên gọi Phan Hà. Lớn lên, ông Hà cũng bị nhà Chúa Trịnh bắt lính, sung vào đội quân đi đánh Chúa Nguyễn. Sử sách gọi đây là cuộc chiến Trịnh- Nguyễn phân tranh. Cuộc chiến này kéo dài tới 45 năm, từ 1627 đến 1672, nên chỉ có thể đoán định ông Phan Hà đã tới miền đất Thuận Quảng (Thuận Hoá- Quảng Nam) trong thời gian ấy.

Sau chiến cuộc, ông Hà không về nữa: “Không hiểu là ông bị bắt hay là đầu Chúa Nguyễn. Không rõ có làm quan làm lính cho Chúa Nguyễn hay không?”. Chỉ biết, ông đã đổi từ họ Phan sang họ Nguyễn. Một sử liệu cho biết: “Ngoại trừ các vụ giao tranh, thì tình hình xứ Ðàng trong khá thanh bình giàu mạnh” (Chín đời Chúa- 13 đời vua Nguyễn của Nguyễn Ðắc Xuân, Nxb Thuận Hoá 1996).

Ðến đời Chúa Thượng- Nguyễn Phúc Lan đã đủ binh lực, dời đô vào kinh thành Huế ngày nay. Nhưng trong ký ức của hậu duệ họ tộc Phan - Nguyễn này, các gia đình ông Hà cùng hai người con trai lớn là Thuận, Hoà cũng hết sức cơ hàn, đau khổ. Ðấy là vì: “Cả kiến họ của hai ông này, cả gia đình vợ con đều làm tôi mọi cho các phủ của Chúa Nguyễn.

Tất cả binh lính và tôi mọi đều bị bắt đi khai hoang, tức là vỡ đất hoang làm ruộng cho Chúa. Nghe nói thời đó khổ lắm, được lúa bao nhiêu Chúa cho thu hết về kho để cho lính ăn đi đánh giặc, còn người ở nhà làm ruộng chỉ được ăn khoai bắp mà thôi!”. Vâng, đấy là thời sinh ra câu hát đau thương còn truyền tới bây giờ, là: “Ăn cơm Chúa múa tối ngày/ Ăn bữa nay, lo bữa mai/ Lo đói lo rét lo ngày lo đêm...”.

Vậy là đã có 2 đời của dòng họ Phan - Nguyễn sinh sống trên miền Thuận - Quảng. Ðời thứ ba là con ông Thuận, tên là Hương đã đưa vợ con vào Phú Yên sinh sống. Ðấy là vào khoảng sau năm 1648, bởi năm này có sự kiện Chúa Trịnh ngoài Bắc lại sai quân thuỷ bộ vào đánh. Và “Phước Lan cùng con là Phước Tần đem quân ra kháng địch và thắng to, bắt được 3 vạn tù binh. Sau đó Chúa Nguyễn cho số tù binh này được vào khai khẩn đất hoang sinh sống từ Quảng Nam đến Phú Yên” (Sách đã dẫn).

Trong chặng di cư khá dài này, từ vùng đất Thuận Hoá đến Phú Yên, hẳn có một chặng dừng khá lâu ở vùng đất nay là Quảng Nam. Ðể ông Hương kịp có hai người con trai đặt tên theo dòng sông nổi tiếng của miền đất ấy: sông Thu Bồn.

Có lẽ đây là truyền thống của dòng họ Phan khi còn ở trên đất Bắc. Khởi đầu là hai cha con có tên là Hồng với Hà; khi các vị còn ở trên vùng châu thổ sông Hồng... Vì thế khi có hai con trai trên vùng lưu vực sông Thu Bồn, ông Hương lại đặt tên hai người con là Thu và Bồn.

Như một cách giữ gìn truyền thống cha ông, vừa để kỷ niệm và biết ơn vùng đất đã nuôi gia đình mình trên quá trình Nam tiến. Ký ức của dòng họ đã không đủ chi tiết để biết các vị đã ở đâu lâu hơn: Phú Yên hay ở Quảng Nam. Mà chỉ biết cuộc hành trình này chưa dừng lại.

Tác giả của bản lưu bút về dòng họ này chỉ cho ta biết, rằng hai người con sinh ra ở miền Thuận - Quảng ấy sẽ lại tiếp tục: “Mộ vào đoàn quân Nam tiến của Chúa Nguyễn nữa để vào Nam khai hoang... Ban đầu ở theo sông Ðồng Nai, sau lại lần lần xuống sông Sài Côn (sông Sài Gòn bây giờ)”.

Sự kiện này có lẽ ở vào khoảng sau năm 1698, bởi đây là: “Năm thứ 7 đời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1698)... Chúa bắt đầu đặt phủ Gia Ðịnh. Sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Ðông Phố, lấy xứ Ðồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn... Mở rộng đất ấy được nghìn dặm, được hơn bốn vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở vào Nam đến ở cho đông. Thiết lập xã, thôn, phường, ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương” (Sách Ðại Nam thực lục tiền biên).

Thế là các ông Thu và Bồn đã đến vùng hạ lưu sông Sài Gòn. Miền đất Quang Hoá, Quang Phong trên phía thượng nguồn sông, nay là đất Tây Ninh đã không còn xa nữa. Vậy mà cũng phải mất gần 1 thế kỷ nữa, tác giả cuốn lưu bút này mới kể lại cho con cháu nghe để tường tận lý do. Nhưng trước hết cũng nên biết tới ông. Ðấy là ông Nguyễn Hồng Phan (1913- 1994), một cán bộ lão thành cách mạng huyện Châu Thành, tham gia cách mạng suốt hai thời kháng chiến.

Trần Vũ

(Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục