BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ kết quả thắng lợi Đại hội IX Đảng bộ tỉnh: Nhìn lại một chặng đường, khẳng định một niềm tin

Cập nhật ngày: 17/09/2010 - 10:20

- Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ (BTTU), trong tuần qua nhân dân trong tỉnh đã tập trung theo dõi và cảm nhận được kết quả thành công của Đại hội IX Đảng bộ tỉnh; nắm được thành tựu của tỉnh trong nhiệm kỳ qua, từ đó có cơ sở để đặt niềm tin, hy vọng vào hướng đi sắp tới. Đồng chí BTTU có thể phân tích rõ những việc đã làm được cũng như những điều còn hạn chế trong công tác lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2005-2010 để bạn đọc Báo Tây Ninh có thể hiểu rõ hơn về sự phát triển, đi lên của tỉnh nhà trong 5 năm qua?

- Chúng ta đã biết, trong 5 năm qua toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã ra sức thi đua, đóng góp, tiếp tục thực hiện những công việc của các khoá trước chuyển giao để tỉnh ta có được sự chuyển biến đáng kể trên các mặt phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, tạo tiền đề cho bước phát triển 5 năm tới mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn. Về phía lãnh đạo, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đứng trước nhiều vấn đề phức tạp phát sinh, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo là “Nắm chắc tình hình, giữ vững nguyên tắc, bình tĩnh, linh hoạt, phát huy trí tuệ tập thể, nêu cao tinh thần đoàn kết, tập trung dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị  giải quyết xử lý tốt những vấn đề phức tạp phát sinh, ổn định tình hình, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, dân tộc, làm cơ sở tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường”. Với quan điểm chỉ đạo này, Tỉnh uỷ đã đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, chung sức, chung lòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra biện pháp giải quyết, xử lý có hiệu quả, ổn định tình hình phát sinh để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

- Đồng chí BTTU có thể nói cụ thể từng vấn đề đáng chú ý, đã nảy sinh 5 năm trước đây và kết quả giải quyết, xử lý của tỉnh như thế nào?

- Tình hình đó đều có thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông, tôi không muốn nhắc lại, nhưng Báo cần thì có thể nêu tóm tắt mấy ý là: Xuất phát từ đặc điểm tình hình của một địa bàn như Tây Ninh sau các cuộc chiến tranh, nhiều chính sách về đất đai chưa ổn và không thể ổn định, trình độ và kinh nghiệm quản lý hạn chế, công tác quy hoạch, phân bổ, sử dụng đất đai qua các thời kỳ còn bất cập; việc giải quyết, xử lý những mâu thuẫn nhỏ chưa đến nơi đến chốn, cộng với một số tác động khác làm một số hộ dân bức xúc, phát sinh khiếu kiện đông người, có lúc cao điểm trên 1.600 hộ, tập trung ở hai huyện Tân Biên, Tân Châu và một số nơi khác… Hầu hết là khiếu nại không đảm bảo pháp luật nên rất khó giải quyết, nhưng không thể không xem xét, trả lời, quan trọng hơn là không thể để dân đói khổ, nghèo khó… Đó là trách nhiệm mà Đảng bộ và chính quyền đã làm suốt thời gian qua bằng nhiều biện pháp tổng hợp được nội bộ thống nhất, cấp trên đồng tình, nhân dân đồng thuận nên đạt được nhiều kết quả, góp phần ổn định như số liệu báo cáo.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Nên (giữa) trong phiên họp đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khoá IX. Ảnh: Đ.H.T

Cùng với việc giải quyết khiếu nại tố cáo, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về đất đai và xử lý các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền khiếu nại tố cáo để kích động, lôi kéo, xúi giục người khiếu kiện gây mất an ninh, trật tự ở địa phương, vi phạm pháp luật. Nổi bật nhất là Tỉnh uỷ mạnh dạn quyết định chủ trương và tổ chức thực hiện có hiệu quả một số chính sách hỗ trợ như hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn ưu đãi sản xuất… nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào nghèo trong vùng dự án, cũng như ở khu vực biên giới. Đặc biệt để ổn định vững chắc trên vùng đất này tỉnh chủ trương vay vốn Nhà nước thực hiện 3 dự án dân cư biên giới để bố trí mỗi dự án 400 – 500 hộ dân có đất ở, đất sản xuất và những kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài, song song đó Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất rừng và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích. Công tác này hết sức khó khăn, vì tình hình lấn chiếm xảy ra trước đây chưa giải quyết hiệu quả. Nhưng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh và được nhân dân đồng tình ủng hộ, chúng ta đã làm được, đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích hiện nay và thực hiện kế hoạch trồng lại rừng vượt chỉ tiêu đề ra.

- Thực tế việc tập trung giải quyết, xử lý trong từng vấn đề nảy sinh, người dân trong tỉnh, nhất là bạn đọc Báo Tây Ninh thấy rõ chủ trương của Tỉnh uỷ luôn công khai minh bạch; và chính điều đó đã đem lại hiệu ứng tích cực là sự đồng thuận cao của quần chúng đối với chủ trương, chính sách giải quyết của Đảng bộ tỉnh. Còn trên lĩnh vực phát triển kinh tế, mấy năm qua người dân cũng cảm nhận được là tỉnh ta đã vượt qua được khó khăn, tác động bởi ảnh hưởng khủng hoảng, suy thoái kinh tế… Điều này có ý nghĩa như thế nào thưa đồng chí BTTU?

Thực tiễn đã được đúc kết và đã báo cáo trước Đại hội Đảng bộ tỉnh, tôi xin nói gọn mấy nét chính về kinh tế: 5 năm qua có 2 năm nền kinh tế bị ảnh hưởng khủng hoảng chung khá nặng, cùng cả nước chúng ta đã nỗ lực vượt qua. Với những kết quả được khẳng định bằng những con số mà bên trong nó chứa đựng biết bao là sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và quân dân ta. Có thể nói đó là kết quả của sự nhận định, đánh giá sát tình hình, chọn hướng đi và khâu đột phá đúng. Đơn cử là ngay từ đầu nhiệm kỳ Nghị quyết về cải cách hành chính ra đời trước nhất và được xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, mà khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính, gắn liền với nó là thực hiện quy chế dân chủ, phòng chống tiêu cực, tham nhũng… Mặc dù còn nhiều việc phải làm tiếp, nhưng kết quả mấy năm qua lĩnh vực này đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến chung như mọi người đã biết.

Thứ hai là: quyết tâm phát triển công nghiệp đã có từ lâu, nhưng điều kiện cần và đủ cho nó thì chưa có, trước hết là quỹ đất sạch; muốn có đất sạch phải có nguồn lực, đây là bài toán khó, là thử thách lớn đối với tỉnh. Chính điều đó đã biến thành quyết tâm, hành động và đó cũng là lý do mà quy hoạch các khu, cụm công nghiệp được nhanh chóng ra đời. Cùng với nó là các chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư được tăng cường, đồng thời với việc quảng bá hình ảnh Tây Ninh được đẩy mạnh cả trong và ngoài nước. Sự có mặt của các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư tầm cỡ của quốc gia và nhiều nhà đầu tư khác là kết quả của quyết tâm chung đó. Có thể nói việc ra đời một cơ quan ngang Sở, ngoài danh mục quy định của Chính phủ để chủ yếu đảm trách nhiệm vụ trọng tâm đó là Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch đã nói lên tâm huyết trong một giai đoạn cần thiết, liền theo nó là việc củng cố, nâng chất Hội Doanh nghiệp trẻ và quyết định thành lập Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo mọi điều kiện nhằm tăng cường và phát huy hết mức nội lực của tỉnh.

Thứ ba là: Mặt trận nông nghiệp - nông dân - nông thôn luôn được quan tâm một cách đồng bộ và toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đơn cử như việc củng cố, tăng cường sức chứa hồ nước Dầu Tiếng - Phước Hoà, hiện đại hoá kênh mương với quy mô đầu tư rất lớn; quy hoạch lại các vùng nguyên liệu, quan tâm đầu tư hỗ trợ giống, khuyến nông, phòng trừ dịch bệnh, tăng cường phát triển chăn nuôi…

Từ kết quả 5 năm qua, Bộ Chính trị đánh giá chung là “Tây Ninh đã có tốc độ tăng trưởng nhanh, kết quả khá, tương đối toàn diện”.

- Vâng, có thể nói là trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ vừa qua tỉnh ta đã đặt được nền móng cho thời kỳ tăng tốc phát triển sắp tới. Xin đồng chí BTTU điểm qua những tín hiệu lạc quan, hứa hẹn tương lai sáng sủa trên đường công nghiệp hoá của tỉnh?

- Nếu trước đây ta có khoảng 400 ha đất cho công nghiệp, thì hiện nay ta đã có hơn 10 lần diện tích để sẵn sàng chờ đón nhà đầu tư đến, với những chính sách hợp lý, có ưu đãi. Nếu trước đây ta luôn canh cánh nỗi lo thiếu vốn cho đầu tư phát triển, thì nay việc đó đã “có người lo”, các nhà đầu tư mạnh và các tổ chức ngân hàng tín dụng luôn hỗ trợ và sẵn sàng cho những dự án khả thi của tỉnh. Nếu trước đây chúng ta tập trung phần lớn cho giải quyết khó khăn, bức xúc thì nay nó đã trở thành bài học kinh nghiệm quý cho bước đi tới…

Những quyết tâm cho tăng tốc đã được cụ thể hoá thành chỉ tiêu hành động. Nhưng chưa đủ đâu! Muốn đạt nó phải bằng những giải pháp đồng bộ mà trọng tâm là:

-Nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; -Hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là giao thông, đô thị…; là tiếp tục cải cách hành chính quyết liệt và hiệu quả hơn.

- Qua kiểm điểm công tác lãnh đạo nhiệm kỳ qua, xin đồng chí BTTU cho biết những bài học kinh nghiệm được rút ra để tổ chức thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ tới đạt kết quả tốt hơn nữa?

- Trải qua thực tiễn, lãnh đạo tỉnh rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cơ bản, đó là: -Phải có sự đoàn kết, thống nhất cao, thực hiện tốt các nguyên tắc quan trọng nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy trí tuệ, tính năng động, sáng tạo của tập thể cấp uỷ, của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.  -Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải biết kế thừa và phát huy những thành tựu, giá trị của lịch sử, đồng thời mạnh dạn dũng cảm nhìn nhận những vấn đề không còn phù hợp, kể cả thiếu sót để uốn nắn, sửa chữa với quyết tâm, tâm huyết, trách nhiệm vì sự nghiệp chung; biết huy động mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, tìm khâu “đột phá” để tập trung dồn sức chỉ đạo thực hiện đạt kết quả. -Thực hiện tốt công tác cán bộ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng là yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. -Coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai, quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Trung ương gắn với việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tìm nhân tố mới, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để nghị quyết đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực. -Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận và đoàn thể, quyền làm chủ của nhân dân; coi trọng và đẩy mạnh công tác thi đua -khen thưởng, xem đây là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

- Qua kết quả thắng lợi của Đại hội IX Đảng bộ tỉnh với những bài học kinh nghiệm quý báu mà đồng chí BTTU vừa cho biết, bạn đọc Báo Tây Ninh, nói rộng ra là nhân dân Tây Ninh tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ mới Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá IX sẽ lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà tăng tốc phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ.

NGUYỄN TẤN HÙNG

(Thực hiện)