Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ ngọn lửa Tua Hai đến lửa lò nung Tafico
Thứ ba: 05:11 ngày 26/01/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiếc xe chở các vị cách mạng lão thành lên dự khánh thành Nhà máy xi măng Tây Ninh (Tafico) hôm 28.12.2009 bỗng có lúc rộ lên câu chuyện về chiến thắng Tua Hai những 50 năm trước. Ừ nhỉ! Những ngày cuối năm này cũng là sắp đầu năm mới, người Tây Ninh “kỳ cựu” nào mà không nhớ đến Tua Hai.

Chiếc xe chở các vị cách mạng lão thành lên dự khánh thành Nhà máy xi măng Tây Ninh (Tafico) hôm 28.12.2009 bỗng có lúc rộ lên câu chuyện về chiến thắng Tua Hai những 50 năm trước. Ừ nhỉ! Những ngày cuối năm này cũng là sắp đầu năm mới, người Tây Ninh “kỳ cựu” nào mà không nhớ đến Tua Hai. Trận đánh mở màn cho cuộc đồng khởi vũ trang trên toàn Nam bộ đêm 25 rạng 26.1.1960 đã khiến địa danh này vang lừng cả nước và lan ra thế giới. Trên xe có một người trực tiếp tham gia trận Tua Hai là ông Phạm Việt Ngữ (Tư Ngữ). Một người khác là ông Huỳnh Văn Khai - cán bộ lão thành Thị xã đến bây giờ còn tỏ ý tiếc là: “Năm ấy, tôi lại bị địch bắt trước khi ta tiến đánh Tua Hai, nếu không thì…”. Những người còn lại, cũng toàn là những người cùng thời với ông Tư, ông Hai Khai nên câu chuyện cứ râm ran. Đến độ khi chiếc xe bus máy lạnh hiện đại chuyên dùng đưa đón công nhân Tafico đi vào đoạn đường bê tông nhựa từ xã Suối Dây sang Suối Ngô đẹp như mơ; các ông mới sực nhớ để nhìn ngắm những rừng cao su vàng xanh bát ngát bên đường. Để rồi lại nhớ vùng đất mà các ông đang đi qua, chính là chiến khu Bắc Tây Ninh nổi tiếng một thời, nơi trụ bám của những đơn vị vũ trang đầu tiên của Phân liên khu miền Đông về đánh Tua Hai. Và sau đó đến đoạn cao trào đánh Mỹ lại là nơi ra đời những sư đoàn Quân Giải phóng.

Lịch sử đã có một khoảng lùi cần thiết để nhìn nhận lại những bài học từ lịch sử. Trong một cuộc hội thảo khoa học về “Phong trào Đồng Khởi” ngày 9.12.2009 tại Cần Thơ, có một bài tham luận quan trọng của đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Thì bài viết này cũng không tách bạch ra cuộc đồng khởi chính trị ngày 17.1.1960 tại Bến Tre hay cuộc đồng khởi võ trang tại Tua Hai, Tây Ninh nữa. Mà đồng chí gọi đấy là cuộc “Đồng Khởi vĩ đại”. Đoạn kết như sau: “Cuộc Đồng Khởi vĩ đại của nhân dân Nam bộ làm lay chuyển tận gốc chế độ Sài Gòn do Mỹ dựng lên, nó bắt nguồn từ ý chí bất khuất, khí phách anh hùng tuyệt vời của nhân dân Nam bộ nói chung, ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng được tích luỹ, trui rèn từ trong kháng chiến chống Pháp. Bài học của Đồng Khởi 1959 - 1960 là hành trang quý báu để nhân dân Nam bộ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chiến đấu quyết liệt và chiến thắng kẻ thù trong giai đoạn cách mạng mới” (Báo Nhân Dân, ra ngày 9.12.2009).

Lên Tân Hoà, nơi có nhà máy Tafico rồi lại được gặp thêm một “Người Tua Hai” nữa là ông Võ Đức Tú (Năm Tú). Cả hai ông, năm ấy đều là những cán bộ chủ chốt của Huyện uỷ Châu Thành trực tiếp vận động dân công đi vác vũ khí chiến lợi phẩm. Dân công huy động được tới 300 người, chủ yếu là từ hai huyện Châu Thành và Dương Minh Châu. Trong lúc bốn mũi đánh vào thì dân công đã chờ ngoài hàng rào gai để sẵn sàng vác súng. Mặc dù vũ khí tiến công chỉ là mấy ống bộc phá DK và những khẩu súng mút - cờ - tông, trường Đức cổ lỗ nòng dài, lên đạn từng viên một. Và quả thật quân ta đã thắng, xoá sổ một trung đoàn, thu trên ngàn cây súng cùng đạn dược. Bài ca chiến thắng đã vang lên khi ngày mới bắt đầu. Đây còn là bài ca lạc quan của chiến thắng Tua Hai, bài học lớn của cha ông xưa từng vang dội trong bản Bình Ngô Đại Cáo của vua tôi Lê Lợi: “Thế trận xuất kỳ, lấy yếu đánh mạnh. Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều. Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo.

Cường bạo thì đã rõ! Máy chém địch lê đi khắp miền Nam, chiến dịch Trương Tấn Bửu khủng bố trắng những người kháng chiến. Cả miền Nam chìm trong tang tóc đau thương. Thế còn Chí Nhân? Trên chuyến xe lên Tân Hoà, ông Tư Ngữ đã nhớ lại rành rọt:- “Ta bị hy sinh chỉ có 7 người, trong đó có các anh: Sáu Tươi, Năm Nhỏ, Tư Đen, Ba Bảy (Nguyễn Minh Trị)… Còn quân địch thương vong cũng không phải là… hết sạch, vì chủ trương của ta là đánh uy hiếp cho địch tan rã và thu vũ khí. Bắt sống địch trên 500 tên nhưng giáo dục, rồi thả ngay tại chỗ…”.

Cùng chú Tư đếm thử số người Tây Ninh trực tiếp đánh Tua Hai, đến nay có lẽ chỉ còn không quá 10 người. Mà chú Tư, chú Năm cũng đã xấp xỉ tuổi 80. Vừa qua, lên xem thử chương trình tổng duyệt lễ hội kỷ niệm 50 năm chiến thắng Tua Hai sắp tới, mới nhận ra cả một số người tham gia xây dựng khu Di tích này cũng đã “đi xa”. Như kiến trúc sư Tường Huyên, người thiết kế tổng thể; như hoạ sĩ Tam Bạch, người chủ trì làm bức phù điêu lớn mô tả toàn bộ trận đánh, đã không còn nữa. Trên đỉnh tháp cao có hình ngọn đuốc như vẫn bập bùng toả sáng. Bức phù điêu mới được sơn lại bằng kim nhũ càng óng ánh hơn nhờ phản chiếu nắng chiều. Và cả một lớp thế hệ trẻ trung sôi nổi hàng vài trăm người, cả bộ đội Tiểu đoàn 14 và học sinh Trường Hoàng Văn Thụ đang dăng tay nhau hát một bản đồng ca vĩ đại. Càng thấy ngọn lửa của Tua Hai sẽ còn sáng mãi đến các đời sau.

50 năm sau chiến thắng Tua Hai. Dường như lại có một cuộc đồng khởi khác trên miền quê Tây Ninh dấu yêu, trung dũng kiên cường. Đấy là cuộc đồng khởi mạnh mẽ tiến vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mới tháng 10, động thổ dự án đầu tiên trên khu Công nghiệp sinh thái Bourbon -An Hoà; thì tiếp tới, khu Công nghệ cao Chà Là khởi động. Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Phước Đông – Bời Lời đang đền bù, giải phóng mặt bằng. Điểm nhấn chói ngời của năm diễn ra vào 28.12 - khánh thành Tafico và Tây Ninh hân hoan đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm. Tự tay Chủ tịch ghép mảnh cuối cùng vào bức tranh toàn cảnh nhà máy xi măng trên chính vùng rừng Chủ tịch từng sống và chiến đấu. Cũng trên miền đất Sóc Con Trăng, Tân Hoà này, hôm nay mọi người còn biết thêm một chuyện mới. Rằng chính chú Tư Phạm Việt Ngữ cũng là người đầu tiên phát hiện ra đá vôi ở Sóc Con Trăng những năm đầu thập kỷ 80, lúc ông là Trưởng Ban Kinh tế mới. Khi Ban còn tồn tại, ông đã xây cả một lò nung vôi ở đấy. Truyền thống đã không chỉ được tiếp nối qua các thế hệ, mà ngay trong bản thân một con người từng tham gia Chiến thắng Tua Hai. Bỗng có liên hệ vẩn vơ rằng:- Hay là, chính ngọn lửa nung clinker hôm nay cũng đã được truyền nối từ ngọn lửa Tua Hai năm ấy.

NGUYỄN QUỐC VIỆT

Từ khóa:
Tin liên quan