Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Tủ sách biển Đông: Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông
2012-10-09 05:07:00

Để bảo vệ chủ quyền, nhất là đối với một quốc gia ven biển như Việt Nam, đòi hỏi mỗi người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức về lịch sử cũng như pháp lý.

Để bảo vệ chủ quyền, nhất là đối với một quốc gia ven biển như Việt Nam, đòi hỏi mỗi người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức về lịch sử cũng như pháp lý.

Công cuộc lâu dài không thể chiến đấu một cách hời hợt, và vì thế “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do TS. Trần Công Trục làm chủ biên ra đời, như một tài liệu chính thức trang bị cho bạn đọc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trước các quốc gia khác.

"Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" được họp báo ra mắt đúng dịp Quốc hội Việt Nam vừa mới thông qua Luật Biển. Cuốn sách gồm 400 trang (khổ 16 x 24cm) được in bìa cứng với 04 chương:
- Chương 1: Vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam trong Biển Đông.

- Chương 2: Việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

- Chương 3: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Chương 4: Tranh chấp Biển Đông: Thực trạng và giải pháp

TS. Trần Công Trục nguyên là Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ. Ông đã có hơn 30 năm làm việc trong cơ quan này và là thành viên của nhóm dịch giả dịch Văn bản Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 từ bản tiếng Pháp ra tiếng Việt Nam.

Tiến sĩ cũng đã có nhiều tác phẩm báo chí liên quan đến Biển, đảo, biên giới lãnh thổ quốc gia, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã được công chúng hưởng ứng, đánh giá cao.

Hiện nay, ông đang hoạt động trên lĩnh vực pháp lý, với tư cách là một Luật sư, công chứng viên, chuyên gia độc lập trên lĩnh vực Biển, đảo...

Chương mở đầu của cuốn sách giới thiệu hệ thống vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với nền kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Với vị trí địa lý và nguồn tài nguyên quan trọng như vậy, nó lý giải vì sao tồn tại các tranh chấp phức tạp đang hiện hữu tại đây:

Đó là tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các hải đảo, quần đảo; là tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia do việc xác định phạm vi lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa có sự chồng lấn giữa các quốc gia ven biển trong khu vực; là tranh chấp giữa quyền tự do hàng hải và việc mở rộng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa, vùng nước quần đảo...

Tác giả - ThS Nguyễn Thị Bình khi viết chương này cũng liệt kê rõ tên gọi và tọa độ địa lý của 37 đảo, đá, bãi cạn trên quần đảo Hoàng Sa; 147 đảo, đá, bãi cạn trên quần đảo Trường Sa. Việt Nam khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên những vùng biển này.
Xét từ góc độ pháp lý, TS. Trần Công Trục lưu ý: “Khi nói “vùng biển Việt Nam”, “hải phận Việt Nam” ta hiểu rằng điều này có thể bao hàm cả nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam”.

Trong chương 2 của cuốn sách này, TS. Trần Công Trục đã giới thiệu rõ những định nghĩa mang tính chuyên ngành về nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Theo đó, một quốc gia ven biển như Việt Nam không chỉ có chủ quyền trên đất liền mà còn giữ chủ quyền trên “lãnh hải” hay còn gọi là “vùng nước lãnh thổ”. Đây là một dải biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc nội thủy của quốc gia ven biển, có một chiều rộng nhất định (không quá 12 hải lý) được tính từ đường cơ sở của quốc gia và thuộc chủ quyền hoàn toàn của quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng và áp dụng đối với cả vùng trời trên lãnh hải, cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy của lãnh hải.

Các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ven biển được thể hiện ở vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thể hiện ở việc làm chủ các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực này, cho phép hoặc không cho phép đối với việc xây dựng và lắp đặt các công trình thiết bị, đảo nhân tạo, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh về tính chất đặc quyền của quyền chủ quyền trên thềm lục địa, có nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng với quốc gia ven biển.

Quy định của UNCLOS 1982 về chiều dài các vùng nước của một quốc gia ven biển.

Chiếu theo Luật Biển 1982 mà quốc tế đã thừa nhận, chủ quyền của một quốc gia trên đảo, đá phụ thuộc vào sự chiếm hữu thực sự, thụ đắc chủ quyền và tuyên bố của cơ quan ngang tầm Nhà Nnớc, một cách hòa bình.

Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo TS. Nguyễn Nhã – tác giả của chương 3 rõ ràng nhất là thời chúa Nguyễn, tức là trước năm 1884.
Với việc thành lập Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, chúa Nguyễn đã thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình trên quần đảo Hoàng Sa thời đó, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa bây giờ, bằng các hoạt động như thu lượm sản vật, tuân lệnh vua đi đo đạc thủy đồ phục vụ cho việc vẽ bản đồ và chính vua Minh Mạng đã phê “thuyền nào đi đến đâu, cắm mốc đến đó để lưu dấu”.
Sau năm 1884, Pháp với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre năm 1884, đã có những hành động cụ thể để củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Đặc biệt là vào tháng 6.1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa với dòng chữ “République Française – Royaume d’Annam – Archipel de Paracel 1816 – Ile de Pattle 1938” (Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa 1816 – Đảo Hoàng Sa 1938).

Năm 1949, Tổ chức Khí tượng thế giới (OMM) chính thức công nhận các trạm khí tượng do Pháp xây dựng và đăng ký vào danh sách các trạm khí tượng quốc tế, với các số hiệu: Trạm Phú Lâm số 48859, Trạm Hoàng Sa số 48860, Trạm Ba Bình (quần đảo Trường Sa) số 48419.

Cho tới tận bây giờ, khi đất nước trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhưng chưa bao giờ Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa thông qua một tuyên bố chính thức nào. Các thời kỳ lịch sử Việt Nam đã tiến hành thực thi, khẳng định chủ quyền của quốc gia mà TS. Nguyễn Nhã nêu ra cho phép chúng ta tin tưởng một cách chắc chắn một chủ quyền hợp pháp của chúng ta trên Biển Đông.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực trạng tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, được nêu ra trong chương 4, chúng ta cần chú ý đến 2 loại tranh chấp chủ yếu:

- Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
- Tranh chấp ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển đối diện hoặc liền kề.

Với chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán và thương lượng, Việt Nam luôn chuẩn bị tinh thần ra Tòa án quốc tế. Sử dụng các biện pháp ngoại giao để ký kết, đàm phán hiệp định phân chia vùng chồng lấn.

Quá trình này đòi hỏi sự bền bỉ và kiên trì, nhưng không được mất niềm tin, như lời Bác đã dạy “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Theo ĐVO 

Từ khóa:
Tin liên quan