Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Từ say nghề đến nghệ thuật đỉnh cao
Thứ tư: 02:00 ngày 28/10/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Không phải là một hoạ sĩ đã qua trường lớp bài bản, nên những tác phẩm khắc gỗ ban đầu của Bá Cường thường gần hơn với hàng mỹ nghệ; những món mà các đại gia thường mua về bài trí trong nhà. Anh còn tham gia miệt mài vẽ các tranh biếm hoạ khá thành công, được in ở nhiều báo và tạp chí.

Một gốc cây đang hình thành tượng Phật Di lặc.

Vào tháng 9.2015, tin vui đã đến với Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tây Ninh và hoạ sĩ Phạm Bá Cường. Hội Mỹ thuật Việt Nam thông báo tác phẩm điêu khắc gỗ của Phạm Bá Cường đã được chọn trưng bày trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc giai đoạn 2010 - 2015. Triển lãm này là thành quả sáng tạo về nghệ thuật tạo hình của các hoạ sĩ Việt Nam suốt 5 năm. Đấy cũng là 5 năm Phạm Bá Cường theo đuổi nghệ thuật tạo hình.

Bá Cường được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh năm 2012. Tác phẩm được chọn của anh lần này có tên là Truy cập- một điêu khắc gỗ loại tượng tròn. Tượng mô tả ba con người chồng xếp lên nhau theo một trục thẳng đứng. Người đàn ông ở dưới cùng đang mê mải trượt tay và đọc trên ipad. Người phụ nữ ở trên đang đứng, trên tay là chiếc điện thoại thông minh với động tác quẹt ngón tay quen thuộc.

Cậu bé trên cùng, ngồi trên vai mẹ cũng đang giương cả hai tay với chiếc máy ảnh nhỏ chụp hình. Tất cả họ, chắc chắn là trong cùng một gia đình đều đang “truy cập” bằng công nghệ cao thời kỹ thuật số. Mỗi người một hướng nhìn, ai nấy chỉ chăm chú vào công cụ điện tử cầm tay.

Ngắm tác phẩm này tại nhà của anh Cường vào một ngày cuối tháng 9, trước khi được đem về triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, tôi bỗng nhớ lại một bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ gần đây, cũng nói về những đôi vợ chồng trẻ chỉ suốt ngày cắm cúi trên điện thoại, có khi quên cả con cái.

Để thấy Phạm Bá Cường đã nhắm đúng vào một vấn đề mang tính thời đại. Nếu xã hội con người không kịp thời điều chỉnh lối sống của mình thì chẳng biết sẽ đi tới đâu vào một ngày mai.

Bức tượng mang tên Truy cập còn được thể hiện theo một lối khá lạ, vừa có siêu vừa có thực. Tượng cao 1,5 mét, tạc từ nguyên một khúc thân cây mít đường kính chừng 0,5 mét. Có vẻ hơi giống kiểu tượng mồ Tây Nguyên, nhưng tác giả chỉ chú ý đến khối hình mà không quan tâm nhiều đến chi tiết.

Chỉ có gương mặt cậu bé con là được đặc tả với đôi mắt như lồi ra. Có lẽ đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về tương lai lớp trẻ sau này. Thứ gỗ mít vàng ươm, các vân ngang được bàn tay người tác động tạo nên như gợn sóng. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp cả trong ý tưởng lẫn khối hình. Và dĩ nhiên, tác phẩm đã lọt vào “mắt xanh” của Hội đồng nghệ thuật- Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Phạm Bá Cường cho biết trong đợt triển lãm này, toàn phía Nam (từ Quảng Trị trở vào) có 99 tác phẩm được chọn, trong đó điêu khắc có 19 tác phẩm. Còn lại là tranh. Lại phải hỏi hoạ sĩ Đặng Văn Thức về những tác phẩm của Tây Ninh những mùa triển lãm trước.

Anh Thức bảo: Năm 1990 có tác phẩm của Hoàng Ánh. Năm 1995 có tới 5 hoạ sĩ được chọn là Hữu Thoại, Ngọc Thư, Kim Oanh, Đặng Văn Thức và Bé Nguyễn. Năm 2000 không có tác phẩm nào. Đến 2005, tranh của Đặng Văn Thức thêm một lần “trình làng” toàn quốc.

Năm 2010 chỉ có một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Bình. Trong số kể trên, chỉ có duy nhất một lần tác phẩm của Hoàng Ánh được trao Huy chương vàng tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Nhưng tất cả đều được in trong vựng tập.

Chợt nhớ ra, Hoàng Ánh là con dân đất Dương Minh Châu, còn nay Phạm Bá Cường cũng ở thị trấn huyện lỵ này. Các hoạ sĩ quê Dương Minh Châu giỏi lên là phải! Bởi trên đất Tây Ninh có nơi nào cảnh vật đẹp như ở huyện Dương Minh Châu. Núi Bà lúc nào cũng sừng sững một bên, xanh óng. Sóng nước lòng hồ như biển rộng lao xao. Rừng dầu bát ngát. Và cả những mì, mía, cao su xanh rợp mát tới chân trời.

Về hoạ sĩ Phạm Bá Cường, còn nhớ những ngày giáp tết Ất Mùi 2015 vừa rồi, tôi đang phóng xe theo đường Cách Mạng Tháng Tám thì gặp anh cùng một nhóm bạn đang cắm cúi trên vỉa hè giữa những hàng dưa hấu. Trời ạ! Trái dưa qua tay các anh đã trở thành những tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo.

Trái thì long, lân, trái thì quy, phụng… và cả những đề tài hiện đại hơn theo ý muốn khách hàng. Hỏi giá xem, công xá chỉ hai chục ngàn mỗi trái dưa điêu khắc, xứng đáng bày trên mọi bàn thờ, từ Thành hoàng cho tới ông Táo, ông Công.

Nhóm hoạ sĩ này đã đưa nghệ thuật vào cuộc sống, có vẻ khá thành công. Rồi ba năm qua, và cả trước khi chưa phải là Hội viên Mỹ thuật thì năm nào cũng có tác phẩm của Bá Cường tham gia triển lãm tỉnh hay khu vực miền Đông Nam bộ. Anh xông pha vào mọi thể loại, đề tài. Năm 2014, một bức tranh sơn dầu của anh đã được Bộ Quốc phòng lựa chọn treo trong triển lãm đề tài lực lượng vũ trang…

Không phải là một hoạ sĩ đã qua trường lớp bài bản, nên những tác phẩm khắc gỗ ban đầu của Bá Cường thường gần hơn với hàng mỹ nghệ; những món mà các đại gia thường mua về bài trí trong nhà. Anh còn tham gia miệt mài vẽ các tranh biếm hoạ khá thành công, được in ở nhiều báo và tạp chí.

Bức tham gia triển lãm khu vực miền Đông năm 2015 lại cũng là một cách thể hiện hoàn toàn mới lạ. Đấy là bức tranh “tàn mà không phế” được ráp dựng từ vô số phế liệu của người sửa xe. Nào dây sên, ốc vít, bù lon, con tán… cho đến cả một cái cờ lê. Vậy mà ráp lại, thành một hình người tàn tật đang nỗ lực làm nghề sửa xe, bơm vá. Tranh tuy không được giải, nhưng chắc chắn đã gieo vào người xem một niềm xúc động khó quên.

Nhưng, có lẽ ít ai ngờ rằng tác phẩm điêu khắc của Phạm Bá Cường là duy nhất của giới hội hoạ tỉnh nhà được chọn đi triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm (2010 - 2015). Và, càng đáng ngạc nhiên hơn khi thấy tại xưởng kiêm nhà ở của anh lại còn có những tác phẩm điêu khắc thật sống động và đáng ngợi khen đến vậy.

Trong số ấy, phải kể đến bức điêu khắc gỗ tạc từ rễ cây này đây, mà anh còn chưa biết đặt tên gì. Gốc cây xù xì, vòng vèo rễ cuốn vào nhau ấy đã được anh “hô biến” thành một hình tượng thật lạ lùng nhưng đẹp đẽ.

Gương mặt con người đang nở cười rạng rỡ. Những cánh tay giang lên, vòng tới, cầm đục, cầm chàng. Những bắp chân căng ra xoè rộng với những bàn chân như đang chòi đạp trên đường đời gian khó. Bức tượng này hoàn toàn có thể so sánh với những điêu khắc cổ tuyệt vời ở các ngôi đình cổ miền Bắc, đã từng trải suốt mấy trăm năm còn tới ngày nay.

TRẦN VŨ

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục