BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ tháng 4-2020, triển khai hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 

Cập nhật ngày: 10/04/2020 - 20:02

Sáng 10-4, báo cáo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo một số vấn đề trong việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.


Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Theo đó, gói hỗ trợ trị giá hơn 62 nghìn tỷ đồng được hướng tới 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng, trong đó 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách, 1 nhóm đối tượng được doanh nghiệp vay lãi suất ưu đãi 0% để hỗ trợ. Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh là cấp bách và chưa có tiền lệ. Quan điểm của Đảng, Nhà nước là phải hỗ trợ đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất và bảo đảm công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với số kinh phí lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, quá trình triển khai sẽ khó tránh sai sót, nhưng quyết không để số tiền này đi lạc đường. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về quy trình, quy chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai đối với từng đối tượng, thành phần được hỗ trợ. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn.

Về cách thức triển khai, đối với các đối tượng người có công, người được bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 3 tháng, chi trả 1 lần trong tháng 4 hoặc tháng 5-2020. Việc hỗ trợ người có công, người được bảo trợ xã hội sẽ do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai; người nghèo, cận nghèo sẽ do chính quyền cấp phường, xã thực hiện.

Đối với các đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ sẽ thực hiện tối đa trong 3 tháng với tinh thần tháng nào bị giảm sâu thu nhập, tháng nào đủ điều kiện thì chi trả tháng đó. Đối với việc cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, đối tượng lao động tự do cần được quan tâm nhưng đây là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy. Do đó, Bộ đề xuất, việc hỗ trợ người lao động tự do sẽ chủ yếu do chính quyền nơi thường trú thực hiện hoặc có thể nhận ở nơi cư trú.

Bộ sẽ phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định một số nhóm và đối tượng cụ thể gồm: Người bán hàng rong, quà vặt; thu gom rác; bốc vác, xe đẩy, xe ôm, xe xích lô; bán xổ số; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, chăm sóc sức khỏe...

“Căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương có thể xem xét bổ sung và sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn hỗ trợ khác để hỗ trợ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Về việc chi trả cho các nhóm đối tượng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngành bưu điện và các địa phương thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến.

Về danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng phải thực hiện trên cơ sở bảo đảm minh bạch, niêm yết công khai, quy định rõ người đứng đầu chính quyền cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện trong thực hiện; đồng thời, sẽ thành lập ban giám sát từ trung ương đến địa phương, do lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp làm trưởng ban.

Nguồn hanoimoi