Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20-10-2024
0-10-2024
Từ thôn Khang Ninh đến thành phố Tây Ninh
Thứ bảy: 10:08 ngày 01/02/2014

(BTNO) - (BTN) - Sách “Đại Nam nhất thống chí” có đoạn viết về Gia Định như sau: “Thành phủ Tây Ninh: chu vi 188 trượng 8 thước 4 tấc, cao 7 thước, hào rộng 4 trượng, sâu 5 thước, mở 3 cửa, ở địa phận thôn Khang Ninh huyện Tân Ninh do phủ kiêm lý; năm Minh Mệnh thứ 17 mới đặt phủ hạt; năm thứ 19 xây đắp thành phủ”.

Cầu Quan mới hoàn thành năm 2013

Như vậy là năm Minh Mệnh 17, tức năm 1836, phủ Tây Ninh mới được thành lập và hai năm sau thì thành phủ được xây- đấy chính là khuôn viên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay. Các cán bộ quản lý hậu cần của Bộ Chỉ huy có thể tự kiểm chứng xem mặt bằng này đã thay đổi tới đâu! Bởi sau 176 năm, Pháp đi rồi Mỹ tới, chế độ cũ hay mới sau 1975 thì nơi ấy vẫn là nơi trú đóng của lực lượng quân sự cấp tỉnh. Năm 1838, thành phủ đắp bằng đất, trồng tre gai và có hào sâu bốn phía hẳn hoi. Kích thước đã nêu, quy ra mét thì có chu vi 920 mét. Nếu thành phủ vẫn vuông như các thành trì nhà Nguyễn lúc ấy, thì mỗi cạnh hình vuông này dài 230 mét. Chiều cao bờ thành là 3m40. Nay không còn dấu tích hào và thành nữa là do thực dân Pháp sau khi chiếm cứ Tây Ninh theo hiệp ước Nhâm Tuất 1862, đã phá thành lấp hào để xây dựng đồn binh mà người dân Tây Ninh thời đó gọi là thành Săng-đá.

Khu đô thị phường 2, thành phố Tây Ninh.

Thôn Khang Ninh (sau này lần lượt đổi tên thành Hiệp Ninh, Thái Hiệp Thạnh, thị xã Tây Ninh, bây giờ là thành phố Tây Ninh) vào năm 1836 có lẽ chưa có một chút hình bóng nào về sự tập trung đô thị. Rất may là chỉ vài dòng ghi chép ngắn ngủi trong sách “Đại Nam thực lục” ghi lại lời của chính các quan Kinh lược sứ đi khảo sát đất đai đã cho người hôm nay hình dung lại ít nhiều. Đó là “Từ cầu Tây Hoa (Chí Hoà) đi đường sứ thẳng tới phủ Kha Lâm (địa danh bên Campuchia) khoảng giữa có đồn Xỉ Khê, đất đai rộng rãi, bằng phẳng màu mỡ, người Kinh người Phiên ở xen nhau, làm ăn cày cấy. Bên tả có sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Đông). Bên hữu có đường bộ ăn thông đến sông Đục (sông Sài Gòn) hình thế khá đẹp…”.

Cầu bằng tre trên rạch Tây Ninh trước 1924, phía sau là thành Săng-đá.

Như vậy là khi đoàn kinh lý trên con đường sứ đi tới phủ Kha Lâm (có thể là Kampong Cham) thì ở khoảng giữa chính là thành phố Tây Ninh ngày nay. Rạch Tây Ninh là rạch Xỉ Khê, nên cái đồn bên bờ rạch được mang tên này. Qua đoạn văn miêu tả trên, có thể hình dung làng Khang Ninh lúc ấy đã tương đối đông vui (người Kinh người Phiên ở xen nhau…) nhưng công trình công cộng chắc chắn chưa có gì, ngoài nơi đồn trú của số ít quân lính thành Quang Hoá. Dù đã có phủ, huyện và theo đó là các xã, thôn được thiết lập mới nhưng tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng có lẽ vẫn chưa được chú ý, do triều đình mải lo việc trị an cho nơi này, xứng với tên gọi Tây Ninh- vùng an ninh phía Tây đất nước. Diện mạo phủ thành vì thế cũng không đổi thay nhiều. Bằng chứng là sau khi Pháp chiếm Tây Ninh trong 3 tỉnh miền Đông năm 1862 thì bên kia rạch Tây Ninh nơi có các khu phố chợ trù phú sau này, vẫn còn là rừng. Sách Pháp viết hồi ấy có đoạn kể về việc quân Pháp ở đồn binh tìm cách sang cầu (Quan) lấy xác quan lính bị diệt bởi Trương Quyền - Pô-kum-pô tháng 7.1866 có đoạn: “qua khỏi cầu thấy dạng nghĩa quân Khmer núp sau cây thì chúng khiếp sợ xô nhau mà chạy về đồn…”. Dù cuộc khởi nghĩa này bị dập tắt hai năm sau đó nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều phong trào phản kháng. Vì vậy, phải tới đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân mới được tạm yên để thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ cho công cuộc cai trị. Công trình ưu tiên số một chắc chắn là thành Săng-đá, nơi đồn trú quân lính Pháp. Nay vẫn còn lại nguyên vẹn 2 toà nhà xây kiên cố, bền vững tới bây giờ. Trong đó một toà hai tầng với lối kết cấu sàn bằng những thanh dầm thép đặt cách nhau 50cm, rồi xây các vòm gạch bắc qua. Tiếp theo là cái khám đường và toà án để giam giữ và xét xử những người chống đối. Toà án trước kia ở trong khu Công viên 30.4 bây giờ và đã bị phá đi (do đã quá tàn tạ, sàn gạch thủng nhiều chỗ) nhưng khám đường còn sót lại được hai dãy nhà với một chòi canh, đã được trùng tu tôn tạo xong cuối năm 2013. Ngoài ra không còn dấu tích gì cả! Ta chỉ có thể hình dung khi nghe các cụ già kể lại mà thôi! Rằng đầu thế kỷ 20 cầu Quan cũ chỉ được làm bằng tre, gỗ. Thời Pháp mới chiếm Tây Ninh thì còn có cả cánh cổng cầu để đóng lại lúc ban đêm. Mãi đến năm 1924 làng Thái Bình xuất công nho ra xây dựng. Năm 2011, theo khuyến cáo của Công ty xây dựng cầu bên Pháp, cây cầu được phá đi xây mới. Đến tết này đã là tết thứ hai người dân được thoải mái qua lại trên cầu Quan mới, rộng gấp đôi và vẫn giữ dáng hình xưa! Nhưng vẫn thương cây cầu cũ quá đi thôi! Tám mươi tám tuổi trời, bề ngoài già nua lụ khụ mà khi máy cuốc bổ xuống thì vẫn bật ra toé lửa. Vì chất bê tông vẫn còn tươi mới, rắn đanh sáng ngời màu sỏi với xi măng.

Còn gì nữa đây? Tận năm 1972, ông Huỳnh Minh vẫn còn mô tả: “Châu Thành Tây Ninh với một vài sắc thái nghèo nàn tại khu phố chợ… Dọc nẻo đường Toà hành chánh chỉ có năm bảy nhà phố lầu cất lên từ năm 1956, còn hầu hết là phố cũ của thời xưa…”. Vâng, chỉ có thể kể thêm vào đầu thế kỷ XX dung mạo trung tâm Thành phố như sau: Rạch Tây Ninh rất cạn, toàn bùn, trẻ em có thể lội qua. Rạch la liệt những bè gỗ tre từ rừng kéo về trong mùa nước lớn. Trước thành Săng-đá còn là bãi đất trống toang, tiện cho việc phòng ngừa bị tiến đánh (nơi này hiện là cơ quan Thanh tra tỉnh). Bên phía UBND tỉnh, hồi ấy có ngôi toà Bố xây xong năm 1905 dành cho quan chủ tỉnh và bộ máy cai trị làm việc. Cũng chỉ là một trệt, một lầu, lợp ngói quay mặt tiền ra rạch Tây Ninh. Bên cạnh về phía Nam là Ty Cảnh sát. Góc phía Đông Nam có khám đường. Bên kia quốc lộ từ Sài Gòn lên ở về phía Đông là khu nhà thương hoàn thành năm 1915. Cạnh đấy là ngôi Toà án. Theo đường này xuôi phía Nam chỉ độ 500 mét là đồn Tua Một ở gần Trường THCS Trần Hưng Đạo ngày nay. Ngay sau trường học là trạm bơm nước cung cấp cho quan lính Pháp. Nước bơm về đẩy lên đài cao ở vị trí đang xây dựng siêu thị Bourbon.

Bến xe ngựa Tây Ninh năm 1900

Công trình “hàng tỉnh” thời Pháp thuộc hồi đầu thế kỷ có lẽ chỉ có vậy. Nhưng rất may là tình hình dân cư đầu thế kỷ có lẽ đang ở hồi thịnh vượng. Do vậy mà những công trình phục vụ cộng đồng được mọc lên mạnh ở chính giai đoạn ấy. Thoạt đầu là nhà thờ Tây Ninh mà kiểu đầu tiên xây theo lối Bồ Đào Nha năm 1882, năm 1932 mới phá đi xây lại như bây giờ. Rồi các ngôi đình Thái Bình, Hiệp Ninh nay được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Các ngôi miếu của người Hoa cũng có từ những năm 80 cuối thế kỷ 19. Rồi miếu, đền, dinh thờ theo tín ngưỡng dân gian cũng được tu chỉnh lại khang trang to tát. Chùa Phật thì có Thiền Lâm cổ, Vĩnh Xuân (1871). Chợ búa, nhà hát cũng theo thời mà có những hình mẫu đầu tiên. Các phố dân cư được quy tụ có hình hài ngày thêm rõ nét. Đầu tiên phải kể là khu phố cũ trong phạm vi giữa các con đường Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Lê Lợi và Trần Quốc Toản mà buổi đầu chắc chắn là nơi ở của các viên chức phục vụ bộ máy cai trị thời Pháp thuộc. Dấu tích phố xưa nay chỉ còn có 5 cây sao ngất ngưởng trên đường Hàm Nghi. Rồi sau đó mới đến các phố bên kia rạch Tây Ninh như Phan Châu Trinh và Yết Kiêu, khu phố chợ… Một ngôi nhà xây năm 1897 hầu như vẫn còn nguyên bên đường Phan Châu Trinh là nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên. Nay thì đô thị Tây Ninh đã có diện tích gấp trăm lần quy mô của 100 năm trước. Lại đang rầm rộ cuộc đô thị hoá tiến về phía núi. Lên nóc mái bảy tầng cao của những Viettin Bank, Đông Á Bank là thấy ngay một cơ thể thành phố mới hồng hào vươn ra bốn phương tám hướng đất trời. Hỏi thế sao không tự hào và cũng ngậm ngùi nhớ lại phố Tây Ninh ta xưa- những sắc thái nghèo nàn hẩm hút.

T.V

Từ khóa:
Tin liên quan