Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác – Nguồn cảm hứng bất tận cho nhà nghiên cứu người Canada gốc Việt
Thứ năm: 14:15 ngày 19/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi đọc cuốn “Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới” do Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang sưu tầm, giới thiệu, tôi đặc biệt xúc động trước lời tựa “Xin gửi các thế hệ tương lai. Hãy tìm hiểu sự thật và tự hào về lịch sử dân tộc mình”.

Ts.Nguyễn Đài Trang giới thiệu với bạn bè Canada các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: PV TTXVN tại Canada

Nhìn lại những sự kiện đánh dấu những bước ngoặt lịch sử trong vận mệnh của dân tộc, chúng ta đều thấy vai trò quan trọng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam được khởi nguồn bằng hành trình đi tìm “hình của nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng chính Người đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa….

Trong một buổi sáng tháng Năm ở “xứ sở lá phong”, nơi cách làng Sen quê Bác vạn dặm xa, tôi, phóng viên TTXVN tại Ottawa, có dịp trò chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang, một phụ nữ gốc Huế giản dị, điềm đạm, say mê nghiên cứu lịch sử Việt Nam và yêu những bài ca cách mạng.

Chia sẻ về lý do chị lại chọn sưu tầm, biên dịch các tác phẩm của Bác, chị xúc động nói: “Cảm phục những hy sinh, gian khổ mà Bác Hồ đã vượt qua khi bôn ba bốn bể tìm đường đi cho dân tộc, tôi đã dành hơn 1/4 thế kỷ để sưu tầm, khảo cứu và viết sách về Người, góp phần bắc những nhịp cầu đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gần hơn với bạn bè quốc tế”.

Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang đã viết cuốn sách đầu tiên về Bác năm 2010 với tựa đề “Hồ Chí Minh: Tâm và tài của một nhà yêu nước” – tiếng Anh và Việt – trong thời gian giảng dạy khoa học chính trị và nhân văn tại trường Đại học Toronto. Đến năm 2013, chị viết cuốn thứ hai “Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển” – tiếng Anh và Việt, tập trung vào sự nghiệp của Bác trong vấn đề giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Năm 2018, Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang giới thiệu 100 bài viết, phát biểu của Bác trong cuốn sách “Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới” – xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp và Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang (nhà nghiên cứu người Canada gốc Việt) với niềm đam mê sưu tầm, biên dịch, viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Sau ba cuốn sách trên, Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang tiếp tục phổ biến thông tin về Bác nhiều hơn nữa đến bạn bè thế giới. Tác phẩm “Chủng tộc da đen” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1925 bằng tiếng Pháp, mặc dù được nhiều người nhắc đến, nhưng chưa có cơ hội đọc. Những trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những bất công, áp bức trong xã hội, mặc dù được Người đề cập đến từ cách đây gần 100 năm, nhưng luôn mang tính thời sự bức thiết, đặc biệt sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd tại Mỹ, khiến các cuộc biểu tình với khẩu hiệu "Black Lives Matter" diễn ra trên khắp thế giới. Năm 2021, Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang giới thiệu cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” - gồm 13 bài trong tác phẩm “Chủng tộc da đen” và 7 bài viết của Bác trong thời gian 1922-1924 và 1963-1966 về vấn đề phân biệt chủng tộc -  giúp bạn đọc hiểu được tầm ảnh hưởng sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi cũng như phong trào chống chiến tranh và đòi quyền bình đẳng cho người gốc Phi tại Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang hào hứng chia sẻ: “Tôi muốn phổ biến các bài hát về Bác, cũng như thông tin về các tượng đài Bác trên thế giới. Tôi muốn bạn bè quốc tế cảm nhận được vì sao Bác đi vào lòng người không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, qua đó thấy được sức ảnh hưởng nhân văn của Bác, nhất là ở những nước Bác đã từng đi qua. Âm nhạc là con đường đi vào lòng người rất sâu, và vì vậy tôi chọn 25 bài hát về Bác để giới thiệu trong cuốn sách 'Bài ca Hồ Chí Minh: Không có gì quý hơn độc lập, tự do', trong đó có 5 bài do người nước ngoài sáng tác”. Ấn phẩm song ngữ Việt – Anh này đã ra mắt trực tuyến tại Canada vào tháng 5/2020 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chị tâm sự: “Mỗi cuốn sách ra đời đều ẩn chứa những điều tâm đắc riêng, theo chặng đường nghiên cứu của tôi và theo sự quan tâm của bạn đọc. Thời gian gần đây, cuốn “Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc” được bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt quan tâm. Trong thời gian tới, tôi có ý định giới thiệu các tác phẩm của Bác bằng tiếng Anh trong các đề tài cũng mang tính thời sự cao như cuốn sách trên. Điều quan trọng là việc chuyển ngữ từ tiếng Việt/Pháp sang tiếng Anh vẫn phải giữ được chất thơ, ý tứ sâu xa và ngòi bút sắc sảo của Bác. Trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Canada vào năm 2023, theo tôi, đề tài bình đẳng giới có lẽ sẽ thu hút sự quan tâm của độc giả hai nước”.

Bà Elizabeth McIninch, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, người đã tham gia hiệu đính bản tiếng Anh một số tác phẩm của Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với khối lượng công việc khổng lồ cũng như tâm huyết của tác giả đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bà Elizabeth McIninch nói: “Qua một loạt ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh (do Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang sưu tầm, biên soạn), tôi đã lĩnh hội được rất nhiều về tư tưởng tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi phải nói rằng các tác phẩm này cũng thu hút, tác động đến nhiều người trẻ tuổi ở Canada. Tôi chưa từng gặp một cây bút nào làm việc miệt mài như Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang”.

Riêng tôi luôn có một niềm tin vững chắc rằng những công trình nghiên cứu về Bác của Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang sẽ tiếp tục được nhân lên theo năm tháng, giúp thế hệ trẻ ở Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế hiểu hơn về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục