BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từng bước thí điểm điều trần tại các Uỷ ban của Quốc hội

Cập nhật ngày: 15/12/2009 - 07:53

Phiên họp thứ 25 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 15.12

Chất vấn và điều trần là những hoạt động quan trọng nhằm tăng cường khả năng giám sát của Quốc hội, từ đó, nâng cao hiệu quả công việc của các cơ quan nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII diễn ra từ 20.10-27.11, hoạt động chất vấn được đánh giá khá cao với chất lượng ngày càng được nâng lên.

Tạo được điểm nhấn ấn tượng với cử tri

Tại buổi khai mạc Phiên họp thứ 25 sáng ngày 15.12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận, đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII.

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Kỳ họp vừa qua đã tạo được điểm nhấn, để lại ấn tượng tốt đẹp, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước. Đặc biệt, Quốc hội có những cải tiến mạnh mẽ trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng khoa học hơn, tập trung hơn, thực chất hơn, phát huy được trí tuệ dân chủ của tập thể.

Kết thúc phiên chất vấn ngày 19.11 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá, qua chất vấn, một số vấn đề lớn đã được làm rõ thêm, giúp chúng ta hiểu sâu hơn bản chất vấn đề và trách nhiệm của người chất vấn và trả lời chất vấn, từ đó, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn, khắc phục thiếu sót.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, những nội dung chất vấn vừa qua đã thực sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhân dân, đề cập đến những vấn đề bức xúc, nóng hổi của cuộc sống, phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri, đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới của đất nước.

“Hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và hoạt động chất vấn đã có tác động ngay sau khi kết thúc Kỳ họp, thể hiện qua những chuyển biến gần đây trong việc quản lý ngoại tệ, thị trường vàng, vấn đề xây dựng và quy hoạch sân golf…”, báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Hoạt động chất vấn có nhiều đổi mới, thực sự hiệu quả, các phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội đã được các thành viên Chính phủ trả lời thỏa đáng. Những chất vấn sâu của đại biểu với các thành viên Chính phủ là “điểm nhấn” quan trọng, nhân dân cảm nhận được không khí cởi mở, dân chủ tại Kỳ họp, điều này đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của cử tri”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá, một trong những yếu tố góp phần vào thành công của kỳ họp là sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, giữa Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ, nhất là về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận khi trình ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Từng bước thí điểm điều trần tại Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Về những vấn đề cần thực hiện tốt trong thời gian tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tiếp tục có những cải tiến trong hoạt động chất vấn, chủ động theo dõi, tổng hợp việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.

Văn phòng Quốc hội đã có Tờ trình chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XII. Theo đó, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 13 dự án luật và nghị quyết; trình Quốc hội cho ý kiến 12 dự án Luật; thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và xem xét các vấn đề quan trọng khác. 

Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và từng bước thí điểm điều trần tại Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.

Điều trần  là một trong các hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các Uỷ ban của Quốc hội nhằm thu thập thông tin và ý kiến về một số dự án luật hoặc phục vụ cho hoạt động giám sát đánh giá việc thực thi chính sách pháp luật của các thành viên Chính phủ, các cơ quan tư pháp.

Điều trần cũng được định nghĩa là “trình bày chính thức trước cơ quan chức năng để giải thích, biện bạch v.v... về vấn đề nào đó mà mình chịu trách nhiệm”. Có thể thấy, việc điều trần là một trong những giải pháp tốt để đi đến cùng một vấn đề, qua đó làm rõ trách nhiệm cá nhân, từ đó, nâng cao hiệu quả công việc, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng Kỳ họp tới, các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần cố gắng đến mức tối đa việc đảm bảo thời gian gửi tài liệu đối với các nội dung trình Quốc hội theo quy định, qua đó để các Đoàn ĐBQH tổ chức lấy ý kiến ở địa phương cũng như có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ các nội dung cần phát biểu. Chú trọng việc tranh luận, phản biện, tập trung vào những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, quyết định các vấn đề quan trọng, giảm thời gian đọc văn bản tại Hội trường.

Tại buổi khai mạc sáng nay, Văn phòng Quốc hội cũng thông báo một số nội dung chính của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII, dự kiến khai mạc vào ngày 20.5.2010 và bế mạc vào ngày 26.6.2010.

(Theo chinhphu.vn)