Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ghi chép tản mạn
Tụng ca hạt gạo
Thứ sáu: 16:00 ngày 24/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày cuối tháng 4 này, giữa lúc nhiều người nhớ về chiến dịch Hồ Chí Minh 45 năm trước thì tôi lại nhớ về hạt gạo, mà nay được vinh danh là “hạt ngọc trời”. Đó quả thật là những hạt gạo đã nuôi quân dân ta kiên trì đánh giặc trong những cuộc trường kỳ kháng chiến.

Trần Đăng Khoa đã chẳng viết về hạt gạo đấy ư! Là: “Hạt gạo làng ta/ Những năm bom Mỹ/ Trút trên mái nhà/ Những năm cây súng/ Theo người đi xa/ Những năm băng đạn/ Vàng như lúa đồng/ Bát cơm mùa gặt/ Thơm hào giao thông…” Còn Nguyễn Duy, anh lại tôn vinh cả những thứ đã bỏ đi của cây lúa đã sinh ra hạt gạo.

Đấy là những “cọng rơm xơ xác gầy gò”. Và câu thơ: “Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no/ Riêng cái ấm nồng nàn như lửa/ Cái mộc mạc lên hương của lúa/ Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”. Không dễ chia, vì cái ổ rơm là “đặc sản” của nhà nghèo ở làng quê miền Bắc. Những người khá giả, quen với chăn êm nệm ấm thì làm sao biết được cái hương vị mộc mạc, nồng nàn trong hơi ấm ổ rơm.

Bây giờ xin trở về với những cánh đồng hai bên thềm các dòng sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông. Nếu Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa: “Có vị phù sa của sông Kinh Thầy” thì hạt gạo Tây Ninh cũng đậm đà chất phù sa sông Sài Gòn, Vàm Cỏ, nhất là vụ lúa Đông Xuân thắng lợi vừa qua, người ta lại càng thấm thía hơn ý nghĩa này.

Là bởi những cánh đồng được mùa nhất, chính là những cánh đồng ven sông, nơi suốt mấy tháng cuối năm nước tràn bờ lai láng khắp trong đồng, chỉ để cho cá tôm đến vẫy vùng và hoa súng nở. Nước rút đi vừa độ, người ta mới cày bừa xáo xới đất với phù sa, gieo sạ cho cây lúa mọc lên. Chẳng cần thêm diêm tro nhiều nhặng gì! Chỉ phù sa thấm đẫm đã đủ cho lúa tốt bời bời, làm nên vụ lúa Đông Xuân sản lượng cao nhất trong năm.

Năm nay, cánh đồng Sẩm Nổi ở Châu Thành đạt 8 tấn/ha. Nghe nói ở Gò Dầu, nhiều cánh đồng còn đạt xấp xỉ trên 10 tấn lúa/ha. Phỏng vấn một bác nông dân vừa thu hoạch lúa ngày 28.3, bác bảo: - Dòng họ nhà bác đã kế tiếp nhau ba, bốn đời người trên cánh đồng Sẩm Nổi. Vẫn một phương thức này thôi! Là gieo sạ ngay sau mùa nước nổi tràn bờ.

Biết bao đời người đã gắn bó với các cánh đồng ven sông, từ thời tổ tiên đi khai cơ mở đất. Dù có thể đã từng huy hoàng, hay sớm vụt tắt niềm hy vọng, kể cả những người đã bỏ xứ đi xa nhưng không ai là không thương nhớ những cánh đồng quê khi thì thắm xanh, lúc vàng rực mênh mông.

Tôi từng được ăn xôi “nếp cẩm” ở các đình, miếu xã Cẩm Giang, thứ xôi được nấu từ hạt gạo nếp có màu tim tím. Lại cũng từng được uống rượu “nếp than” trồng trên đất Tây Ninh. Ai muốn, đến tết đi tìm thế nào cũng thấy có người đem bán. Xuống Trảng Bàng, qua An Tịnh lại được nghe câu ca dao xưa: “Đất này một thóc hai cau”. Một thóc nhưng lại là thóc đặc sản hiếm hoi nên thường chỉ được dùng trong nghi lễ cúng Thành hoàng đình An Tịnh. Là các loại lúa: Già Đông, nếp Mướp, nếp Mây…

Ấy là sách xưa chép lại, chứ không biết ngày nay có còn không nữa! Nhưng tôi lại nhớ đời miếng xôi ăn ở đình Phước Chỉ. Chỉ là xôi trắng, nếp thuần từ hạt gạo mà ngon quá đi thôi! Cứ như là nếp cái hoa vàng của miền phù sa châu thổ sông Hồng.

Về hạt gạo tẻ, từng cho “hết thảy chúng ta no”, thì ngày nay ai cũng có thể ăn loại gạo “Hạt Ngọc trời” do Công ty miền Tây cung cấp. Nhưng sao mà già làng Cao Văn Un ở xóm Khmer Khedol vẫn bảo: - Ăn cơm ấy thì nhạt thếch, người Khmer không quen. Vậy là tôi đi tìm mua thứ gạo lúa mùa người Khedol vẫn thường ăn.

Quả nhiên cơm nấu lên thật đậm đà, toả hương mộc mạc. Chỉ hơi tiếc khi vo gạo vẫn bị mất đi một chút nước màu hồng phấn, như là vương vấn sắc phù sa. Và tôi cũng chưa thể quên được cái vị cơm nấu từ hạt gạo Thanh Điền từ hơn 10 năm trước, vào cái thời mà đây đó vẫn còn loại máy xay xát gạo thủ công, nay thì công nghiệp hoá rồi không còn nữa.

Và cũng chẳng còn hạt gạo xay xát sau những mùa lúa chín vàng. Có lẽ, người Tây Ninh đã quen với kinh tế thị trường. Hạt thóc bán về miền Tây và cũng mua lại từ miền Tây hạt gạo xay giã công nghiệp đem lên với giá gấp từ ba đến năm lần giá thóc. Muốn ăn gạo thứ thiệt Tây Ninh chỉ còn có cách lên xóm nhỏ Khedol, thuộc ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh.

Báo Tây Ninh từng có bài về việc định danh thương hiệu Hạt gạo Tây Ninh thì trước hết cần thay đổi thói quen này đi đã. Phải có hạt gạo Tây Ninh từ lúa. Và phục hồi những giống loài xa xưa đã từng được vinh danh trên miền phù sa hai dòng sông Vàm Cỏ, Sài Gòn.

Tôi tụng ca hạt gạo. Bởi hôm nay hạt gạo còn cho con người một sáng kiến tuyệt vời. Đấy chính là chiếc máy ATM gạo- sản phẩm đặc sắc rất hiệu quả giữa mùa dịch bệnh, và cũng tràn đầy nhân ái nghĩa tình. Ngày 22.4 tại TP. Tây Ninh cũng đã khai trương một cây ATM gạo. Sáng kiến này thật đáng để tôn vinh.

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục