Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên vùng đất thép Củ Chi, mới mười mấy tuổi đầu, bà đã tham gia cách mạng, trở thành nữ du kích địa phương.
Bà Hạnh.
Năm 1960, bà thoát ly gia đình, phụ trách công tác tuyên truyền ở Ban Tuyên huấn Sài Gòn - Gia Ðịnh. Năm 1963, bà chuyển công tác về Cục Chính trị quân giải phóng miền Nam. Sau ngày giải phóng, bà phục vụ tại Ðoàn Nghệ thuật Quân khu 9 cho đến lúc về hưu. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Bà là Ðại uý Phan Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1945.
Sau khi về hưu, bà Hạnh chọn vùng đất Tây Ninh làm nơi sinh sống, hiện ngụ ở ấp Tua Hai, xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành. Năm nay đã 72 tuổi nhưng trông bà vẫn còn rất khoẻ mạnh, nhìn trẻ hơn tuổi nhiều. Ở bà vẫn toát lên nét duyên dáng mà kiên cường của người con gái vùng đất thép một thời khói lửa.
Lẽ ra ở cái tuổi này đã có thể nghỉ ngơi, vui hưởng tuổi già nhưng bà Hạnh vẫn miệt mài với công tác xã hội. Bà đảm nhận nhiều vai trò: có chân trong Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, tổ trưởng tổ tự quản, cộng tác viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Ở cương vị nào bà cũng làm tròn trách nhiệm và làm có hiệu quả. Ban đầu khi mới đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, bà cũng gặp nhiều khó khăn trong việc vận động, thu hút các chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Do lúc ấy nhận thức của các chị em phụ nữ còn hạn chế, còn có tâm lý e ngại bởi sợ tham gia Hội sẽ ảnh hưởng tới thu nhập và thời gian chăm sóc gia đình.
Bà Hạnh luôn trăn trở làm sao thuyết phục được chị em, giúp chị em thấy được ý nghĩa, lợi ích khi tham gia tổ chức Hội. Bằng sự nhiệt huyết với công việc, bà vừa ra sức tuyên truyền, vừa cố gắng thu hút các chị em bằng cách xây dựng nhiều mô hình thiết thực giúp phụ nữ cải thiện kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nhờ vậy, đến nay, nhận thức của nhiều chị em phụ nữ trong ấp đã có chuyển biến tích cực, số lượng hội viên ở ấp ngày càng tăng lên.
Ấp Tua Hai có địa bàn rộng hơn so với các ấp khác trong xã Ðồng Khởi nên mỗi lần họp tổ, bà Hạnh phải mất cả tiếng đạp xe đến nơi họp. Ðã quen với nề nếp trong quân đội, bà luôn đến nơi đúng giờ hẹn cho dù đường xa, mưa gió thế nào đi nữa. Bà nói, bản thân mình phải làm gương trong mọi chuyện- trong đó có việc đúng giờ giấc để mọi người làm theo.
Nhận thấy bảo hiểm y tế toàn dân là một chủ trương đúng đắn đem lại lợi ích cho người dân, nhất là những người nghèo, bà Hạnh tích cực kêu gọi mọi người tham gia bảo hiểm y tế. Ðể có được điều này, bà tranh thủ vận động mọi lúc mọi nơi, ở bất cứ nơi đâu có thể. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, có hộ bà phải lui tới cả chục lần, kiên trì giải thích cho đến khi đối tượng hiểu ra và đồng ý tham gia bảo hiểm y tế. Ðến nay, nhiều người cũng đã nhận ra giá trị thiết thực của chiếc thẻ bảo hiểm y tế đối với cuộc sống hằng ngày của họ, đặc biệt là khi ốm đau, nằm viện.
Người hiểu được ý nghĩa những việc làm xã hội của bà Hạnh thì đồng tình ủng hộ, người không hiểu thỉnh thoảng lại lời ra tiếng vào. Họ bảo bà già rồi sao không chịu nghỉ ngơi, lại cứ thích… dầm mưa dãi nắng đi lo chuyện bao đồng, vừa mất công, vừa tốn thời gian. Nhưng bà Hạnh không bận tâm, đối với bà, việc nào làm được và có ích cho cộng đồng là bà sẵn sàng làm. Bà con trong ấp đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ đã cao tuổi vẫn rong ruổi ngược xuôi cùng chiếc đạp cũ suốt từ đầu làng đến cuối xóm. Người ta thường gọi bà Hạnh bằng cái tên gần gũi là bà Sáu hưu trí.
Chị Trần Thị Nương- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ðồng Khởi nhận xét, bà Sáu hưu trí- Phan Thị Hồng Hạnh là người có uy tín nên được nhiều người tin tưởng. Việc gì khó vận động, nếu có bà Hạnh góp sức một tay sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Bà Hạnh tâm sự: “Tôi vui khi thấy việc mình làm mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tôi chỉ mong còn sức khoẻ để cống hiến cho xã hội”. Chia sẻ bí quyết sống khoẻ tuổi già, bà Hạnh cho biết: bà luôn duy trì thói quen ăn, uống, ngủ nghỉ đúng giờ và tập thể dục hằng ngày. Bên cạnh đó, hãy tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống hằng ngày thông qua lao động.
THẾ ANH