Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từ góc độ nghiên cứu quốc tế lâu năm, PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an đưa ra nhận định thế giới năm 2017 sẽ là mảng màu loang lổ, chuyển động Brown (hỗn loạn) nhưng được kiểm soát.
P.V: Ông có thể dự báo vài nét sơ lược về tình hình kinh tế thế giới năm 2017?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong năm 2017, có 3 nhân tố lớn tác động đến kinh tế thế giới. Thứ nhất, cũng quan trọng nhất, là chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông đã nêu rõ mục tiêu trong 4 năm cầm quyền của mình là khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ. Để làm điều đó, Trump triển khai một loạt chính sách đối nội, đối ngoại mới, khác hẳn với người tiền nhiệm Barack Obama.
Riêng về kinh tế, Trump sẽ tập trung khôi phục nền sản xuất của Mỹ, khuyến khích các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ ở nước ngoài quay về đầu tư trong nước, tạo việc làm cho người lao động. Có thể nói, Trump có khuynh hướng bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại trào lưu tự do thương mại thế giới.
Chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tác động đến nhiều khía cạnh của thế giới. Ảnh: AFP |
Hồi tháng 12/2016, ông Trump tuyên bố việc đầu tiên sẽ làm khi vào Nhà Trắng là rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP và quả thực đã làm vậy. Ông còn khẳng định sẽ xem lại toàn bộ dự thảo Hiệp định TTIP, Hiệp định kinh tế đa phương Bắc Mỹ,… Nếu Trump thực hiện 40 - 50% cam kết trong năm “chạy rô đa” 2017, nền kinh tế Mỹ sẽ có sự biến chuyển đáng kể, kinh tế thế giới sẽ chuyển động theo hướng ly tâm - toàn cầu hóa bị thách thức.
Tôi cho năm nay sẽ phát triển quan hệ đối tác song phương và khu vực nhiều hơn, nhưng lưu ý nói rằng, Trump chống toàn cầu hóa và tự do thương mại thì không phải. Trump chỉ được phép điều chỉnh nền kinh tế Mỹ trong xu thế tất yếu khách quan toàn cầu hóa và tự do thương mại.
Thứ 2, phải tính đến nhân tố Brexit. Dù 2017 mới là năm bắt đầu thương thảo về Brexit, và dự kiến quá trình này phải kéo dài đến năm 2019, song chắc chắn sẽ có nhiều ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Thứ 3, đó là giá dầu lửa. Năm 2016, OPEC lần đầu đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng, Nga và một số nước ngoài OPEC cũng thống nhất cắt giảm sản lượng,… Nhiều khả năng, năm 2017 giá dầu không xuống thấp thêm nữa, dù cũng khó tăng cao. Có thể dự báo tổng quát 2017 là năm kinh tế thế giới đang co lại, chờ đợi, nếu có biến đổi lớn thì phải chờ năm 2018 - 2019, khi chính sách kinh tế của Trump bộc lộ và tác động đến toàn cầu.
P.V: Trên vũ đài chính trị - an ninh thế giới, ông có nhận xét gì về quan hệ Mỹ - EU xuyên Đại Tây Dương và tam giác Mỹ - Nhật - Hàn xuyên Thái Bình Dương?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ, Trump đã nhiều lần tuyên bố NATO là tổ chức lỗi thời, từ nay về sau Mỹ sẽ không bảo vệ an ninh “không công” cho ai. Điều này khiến EU lo lắng, họp riêng bàn xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển quốc phòng của khối nước.
Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 đồng minh quan trọng nhất ở Thái Bình Dương, Trump cũng tuyên bố họ không làm tròn trách nhiệm trong việc hỗ trợ tài chính cho quân đội Mỹ đồn trú, yêu cầu họ chi thêm ngân sách quốc phòng.
Như vậy, 2 mối quan hệ xuyên đại dương rung chuyển sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Nhưng tôi nghĩ rằng không nên lo quá xa! Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương NATO không bao giờ tan rã, giới tinh hoa Mỹ không cho phép điều đó xảy ra, và Trump sẽ không vượt qua “giới hạn đỏ”.
Nhưng chắc chắn, ông sẽ yêu cầu các nước châu Âu bỏ ra nhiều tiền chi cho quốc phòng hơn, giảm bớt gánh nặng trách nhiệm tài chính của Mỹ.
Quan hệ Mỹ với Nga và Trung Quốc nhận được nhiều chú ý của dư luận dưới thời Trump. Ảnh: Internet |
Còn tam giác Mỹ - Nhật - Hàn cũng là “xương sống” ở châu Á - Thái Bình Dương nên Trump cũng sẽ yêu cầu điều tương tự, chứ liên minh này không thể đổ vỡ. Thực tế, Trump không có quyền làm điều đó, đây là chính sách nhất quán của các đời tổng thống Mỹ, cũng phù hợp với tuyên bố tranh cử “Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ” mà ông đã đưa ra.
P.V: Vậy với 2 mối quan hệ nước lớn Mỹ - Trung và Mỹ - Nga, ông có dự báo gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Suy cho cùng, tình hình thế giới phụ thuộc vào sự thăng giáng trong 2 mối quan hệ này. Nếu theo tuyên bố của Trump khi tranh cử, dư luận cho rằng 4 năm tới quan hệ với Nga sẽ cải thiện, thậm chí khôi phục. Nhưng tôi nghĩ khác, những tháng cuối trong nhiệm kỳ của Obama, quan hệ Nga - Mỹ cận kề Chiến tranh Lạnh.
Tôi cho rằng, năm 2017 nói riêng và 4 năm tới nói chung, chỉ có thể khẳng định mối quan hệ này không thấp hơn năm 2016, bởi giới tinh hoa của Washington khó bề chấp nhận khôi phục quan hệ với Moskva ngay tức thì. Vì vậy, có những “vạch đỏ” Trump không dễ gì vượt qua trong quan hệ với Nga.
Quan hệ Mỹ - Trung lại vẫn là một ẩn số. Trên phương diện kinh tế, tôi tin 4 năm cầm quyền của Trump, quan hệ 2 nước sẽ căng thẳng, do Trump rất bất bình, cho rằng Trung Quốc phá giá đồng tiền, gây ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và các nước khác. Về chính trị và an ninh, mối quan hệ này sẽ không đổ vỡ, không có khủng hoảng, nhờ sự điều chỉnh chính sách của giới lãnh đạo Trung Quốc, ít nhất là từ khía cạnh kinh tế.
P.V: Những điểm nóng khác như cuộc chiến chống IS, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran với P5+1,… sẽ đi về đâu trong thời gian tới, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đối với các điểm nóng, rõ ràng quan điểm của Trump khác với những người tiền nhiệm. Chưa rõ Tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ điều chỉnh quan hệ với Nga như thế nào, nhưng ông đã từng tuyên bố sẽ hợp tác với Putin để giải quyết xung đột Syria.
Đáng lưu ý nữa, Trump quan niệm tại Syria ưu tiên tập trung chống IS là số 1, loại bỏ chính quyền al - Assad là số 2. Không giải quyết được cuộc chiến chống IS thì đừng nói đến khôi phục hòa bình ở Trung Đông. Trên phương diện chiến lược, chính trị toàn cầu đây là quan điểm hợp lý, phù hợp với quan điểm của Nga.
Với mâu thuẫn Israel - Palestine suốt 70 năm nay, Trump thiên về ủng hộ Israel, khác với người tiền nhiệm Obama. Thủ tướng Israel cũng có cuộc điện đàm phấn khởi nói rằng thời kỳ phát triển quan hệ thịnh vượng với Mỹ đã được khôi phục.
Về thỏa thuận giữa Iran với nhóm P5+1, Trump cũng không chung quan điểm với Obama. Nếu Trump xem xét lại thỏa thuận này và khiến nó chệch hướng, tôi nghĩ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường tại khu vực. Với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên - điểm nóng phức tạp và khó giải quyết bậc nhất hiện nay, sẽ khó có chuyển động tích cực trong năm 2017.
P.V: Ông có nhận xét gì trước dư luận rằng thế giới 4 năm tới sẽ rơi vào vòng xoáy hỗn loạn, bất ổn khi Trump lãnh đạo siêu cường số 1?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là không ít người nghĩ vậy, nhưng cũng có những ý kiến xem 4 năm tới là lúc sắp xếp lại thế giới theo trật tự mới ổn định hơn. Từ góc độ nghiên cứu lâu năm, tôi nhận định từ năm 1991 đến nay tương quan quyền lực giữa các nước trụ cột vẫn tương đối ổn định. Cục diện toàn cầu được tạo ra từ mối tương quan này, và hiện nay hay 4 năm tới thì trật tự kinh tế vẫn không có thay đổi gì mang tính bước ngoặt.
Về chính trị - an ninh, tương quan lực lượng Mỹ - Nga - Trung cũng không có đột biến, mình Mỹ từ nay đến năm 2021 không thể thay đổi được tương quan ấy. Tuy phải nói rằng thế giới hiện đứng trước bức tranh bất ổn, có người nói thế giới vô cực, lại có người bảo không phải đa cực, thậm chí còn khẳng định thế giới đang chuyển động Brown (hỗn loạn)!
Nhưng trật tự thế giới sẽ không đổi dưới thời Trump, chỉ có tất cả các quốc gia phải điều chỉnh nhiều khía cạnh để bảo vệ lợi ích của mình. Bức tranh thế giới sẽ là mảng màu loang lổ, có xung đột và cũng có hòa bình, hợp tác, và tất cả vẫn trong tầm kiểm soát.
PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.
Nguồn BNA