Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tượng đá Đông Dương
Thứ tư: 01:45 ngày 19/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có lẽ nhiều người đã biết đến tượng đá của Đông Dương, đó là những bức tượng “Thập bát la hán” hay các tượng Quán Thế Âm bồ tát đã được gắn kết với di tích văn hoá - lịch sử chùa Gò Kén (Thiền Lâm cổ tự) từ mấy năm nay.

Tượng chùa Hạnh Lâm, Thanh Điền.

Ấy là tôi gọi theo tên tác giả! Chứ không phải là Đông Dương trong cụm từ ba nước Đông Dương. Tác phẩm đá của anh xứng đáng là một thương hiệu mạnh trong các nghệ sĩ điêu khắc đá ở Tây Ninh. Có lẽ nhiều người đã biết đến tượng đá của Đông Dương, đó là những bức tượng “Thập bát la hán” hay các tượng Quán Thế Âm bồ tát đã được gắn kết với di tích văn hoá - lịch sử chùa Gò Kén (Thiền Lâm cổ tự) từ mấy năm nay.

Nói gì thì nói, phải đến các pho tượng từ đá núi Bà Đen thì đá núi mới thực sự được thăng hoa, toả sáng. Nhất là khi lần đầu tiên nó xuất hiện trong bộ tượng 18 vị la hán theo truyền thuyết Phật giáo từ cách nay khoảng 5 năm tại chùa Gò Kén. Ôi chà! Nhắc lại nên không thể không nhớ đến những dáng người, gương mặt của các vị này đã hiện diện trên đá núi Bà. Người thợ tài hoa đến độ có nhiều người lầm tưởng những pho tượng này được trời phật sinh ra từ đá núi. Và bàn tay nghệ sĩ chỉ là bóc gỡ từng lớp đá bao bọc để lấy ra.

Tác phẩm mới nhất của Đông Dương là 3 pho tượng đá đặt tại chùa Hạnh Lâm, thuộc xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Đấy là các vị: A Di Đà, Di Lặc và Quán Thế Âm bồ tát. Trong đó, tượng Di Lặc được đặt vào chính giữa, ngay trước bậc cấp đi lên ngôi giảng đường xây dựng khoảng 7-8 năm nay.

Pho A Di Đà được đặt lệch về bên trái, gần với sân chung với ngôi chùa cũ. Nổi bật là tượng Quán Thế Âm (dân gian quen gọi là Phật bà Quan Âm) đặt ở bên phải, nhích xa hơn về phía trước. Bà đứng trên một toà sen cũng được tạc nguyên khối từ đá núi, mặt nhìn xuống, bàn tay phải cầm một cành cây rảy nước “cam lồ” ra khắp cõi nhân sanh.

Dù đã biết trước, nhưng cũng thật khó mà tin các pho tượng ở chùa Hạnh Lâm vừa kể lại được tạc ra từ đá núi Bà Đen. Đây là loại đá granite, dân gian thường gọi đá xanh, rất cứng giòn và dễ vỡ. Vậy mà tượng Phật bà Quan Âm lại rất đỗi mềm mỏng, dịu dàng trên từng đường nét. Từ gương mặt thanh tú hài hoà cho đến từng nếp lụa trên trang phục. Có cảm giác từng nếp lụa là ấy đang được vờn bay theo gió. Và vạt áo của Bà cũng bồng bềnh như mây trắng dưới trời xanh…

Ở pho A Di Đà hay Di Lặc cũng vậy. Hình tượng ngài Di Lặc đã quá quen thuộc với người Việt ở cái bụng lớn chứa đầy sự bao dung, gương mặt cười khoáng đạt và cởi mở; thì tượng ở chùa Hạnh Lâm vẫn có một nét riêng gì đó, vừa rất dân gian Nam bộ, vừa mang thần thái tự tại ung dung ban phúc lộc tới muôn nhà. Nhìn kỹ mà xem, trên má ngài là 2 lúm đồng tiền. Và cánh tay với bàn tay lần tràng hạt ấy như thể đang phập phồng những đường gân hay mạch máu dưới làn da đá.

Tượng Di Lặc và A Di Đà ở chùa Hạnh Lâm cao khoảng 4 mét, còn pho Quán Thế Âm cao 6m20. Những pho tượng này được hoàn thành, đặt vào vị trí hiện nay từ năm 2021. Như vậy là Đông Dương và các cộng sự của anh đã hoàn thành tượng đá trong những ngày dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng nhất.

Nơi đặt xưởng đá của các anh nằm trong một rừng cao su ven đường 784 thuộc phường Ninh Thạnh. Đến nay, Đông Dương đã có một “gia tài” tượng đá đề tài Phật giáo ở Tây Ninh. Bắt đầu từ năm 2017 với 18 pho la hán tại chùa Gò Kén.

Vài năm sau thì có thêm tượng Quán Thế Âm bồ tát cũng đặt tại đây, ngay trước mặt tiền ngôi chùa cổ. Nay thì có thêm các pho đặt tại Hạnh Lâm tự thuộc huyện Châu Thành. Đấy là chưa kể đến các tượng nhỏ hơn hoặc các vật trang trí như đèn, lư hương đặt tại nhiều ngôi chùa trong tỉnh.

Tượng đá Đông Dương không chỉ đẹp, tràn đầy năng lượng nghệ thuật và tâm hồn người gửi gắm, mà còn đang giữ những kỷ lục. Như tượng Phật bà Quan Âm chùa Gò Kén là pho lớn nhất với chiều cao 7,2 mét, nặng khoảng 20 tấn.

 Tuy vậy, nếu kể đến giá trị nghệ thuật thì không đâu có bộ tượng la hán đẹp sắc sảo, lạ kỳ như bộ la hán ở chùa Gò Kén. Cả bệ và tượng của mỗi pho cao gần 3 mét. 18 vị la hán, mỗi vị mang một vẻ khác nhau; vị thì có gương mặt tràn đầy uy lực khi đang “phục hổ”, “hàng long”; vị lại tự tại an nhiên, tay bó gối trầm tư trên lưng con nai đang ngước đầu ngơ ngác; có vị ngước mặt cười, thoải mái tay chân; vị lại trang nghiêm toạ thiền với ánh nhìn nhân ái từ bi… Gương mặt nào cũng sống động và linh hoạt.

Từ vài năm nay, bộ 18 vị la hán chùa Gò Kén đã được đặt thành 2 dãy trước và ngay giữa lối vào chùa. Dịp tết, hay lễ hội Quan âm từ 17-19.2, nơi đây trở thành vườn tượng “Mừng xuân Di Lặc” hoặc “Lễ hội Quan âm” thu hút rất nhiều du khách. Chùa Gò Kén cũng trở thành điểm du lịch quan trọng trong các tour, tuyến từ nhiều tỉnh, thành cả nước khi đến Tây Ninh. Góp phần vào sự thành công này, chắc chắn có phần của tượng đá của Đông Dương. Dù có thể chưa nổi tiếng nhưng tượng đá Đông Dương luôn tràn đầy cảm xúc. Và quan trọng nhất vẫn là các pho tượng này được tạo tác nên từ chính đá núi Bà Đen.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục