Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, mưa lớn liên tục kéo dài dẫn đến một số khu vực bị ngập nước, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày, làm hư hại hoa màu, gây ô nhiễm môi trường.
Ngập cục bộ trên đường Trần Phú (khu vực cầu K21), phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh trong mùa mưa vừa qua gây cản trở, ách tắc giao thông.
Qua khảo sát, các sở, ban, ngành và địa phương đánh giá nguyên nhân chủ yếu là hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên bị bồi lấp, lấn chiếm làm thắt hẹp dòng chảy; có nơi lắp đặt cống dọc có khẩu độ nhỏ không đồng bộ, san lấp mặt bằng lấn trên hệ thống mương, suối tự nhiên làm bồi lắng thu hẹp, tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến ngập toàn khu vực.
Tốc độ đô thị phát triển nhanh, người dân sinh sống dọc hai bên đường xây dựng tường rào, tôn tạo sân nền cao hơn mặt đường, một số cơ sở sản xuất được xây dựng dọc theo tuyến đường, san lấp nền đất làm tắc nghẽn dòng chảy.
Riêng khu vực đô thị, do hệ thống thoát nước lâu ngày chưa được nạo vét thông cống, hệ thống tiêu nước ở phía hạ lưu bị bồi lắng, lấn chiếm thắt hẹp dòng chảy, không còn đáp ứng khả năng tiêu thoát nước.
Để xử lý tình trạng ngập trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, quản lý xây dựng trên địa bàn, không để người dân xây cất, lấn chiếm các dòng chảy tự nhiên (như rạch, suối) và các hệ thống mương tiêu, thoát nước đã được đầu tư. Hướng dẫn người dân lắp đặt cống có khẩu độ (đường kính) phù hợp bảo đảm thoát nước khi san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, công trình.
UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hướng dẫn người dân lắp đặt cống có khẩu độ (đường kính) phù hợp bảo đảm thoát nước khi san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, công trình (ảnh minh hoạ).
Khảo sát các điểm ngập trên địa bàn và hệ thống mương, kênh tiêu thoát nước hiện hữu, cùng các ngành chức năng (Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) tham mưu đề xuất UBND tỉnh giải pháp xử lý mang tính ổn định bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến tiêu, thoát nước đối với các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý (đường đô thị, hệ thống đường huyện, đường xã...).
Đẩy mạnh tuyên truyền vận động, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân không xả rác bừa bãi tại các miệng thu cống rãnh, lấn dòng mương, suối làm thu hẹp, tắc nghẽn dòng chảy, không làm ô nhiễm môi trường.
Sở GT-VT tăng cường công tác kiểm tra đối với đường tỉnh (ĐT) quản lý, phối hợp chính quyền địa phương xử lý và khắc phục các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến thoát nước, tiêu nước trên hệ thống đường tỉnh. Hằng năm, kịp thời khảo sát bổ sung hệ thống thoát nước, tiêu nước dọc các công trình thuộc phạm vi đường tỉnh quản lý có phát sinh ngập úng.
Ngập cục bộ kéo dài tại một số khu vực của xã Tân Lập, huyện Tân Biên mùa mưa vừa qua ảnh hưởng đến đời sống người dân, ô nhiễm môi trường.
Sở NN&PTNT phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố Tây Ninh, Sở GT-VT và Sở TN&MT khảo sát, đề xuất UBND tỉnh thực hiện các dự án nạo vét khơi thông dòng chảy, đối với hệ thống kênh, rạch, suối tiêu nước tự nhiên; cắm mốc hành lang bảo vệ. Khảo sát, thiết kế bổ sung hệ thống kênh tiêu thoát nước mới, phù hợp với đặc điểm địa hình, địa vật, đô thị hoá hiện nay nhằm tiêu thoát nước mang tính bền vững.
Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về đô thị trên địa bàn tỉnh. Phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị, gắn liền tiêu thoát nước như: đề án chống ngập úng thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, nạo vét bảo trì hệ thống tiêu thoát nước hiện hữu trong đô thị; khôi phục các dòng chảy bị lấn chiếm.
Riêng các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, khi đầu tư xây dựng các công trình (giao thông, dân dụng, công nghiệp...) phải khảo sát, đánh giá tổng thể giải pháp tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường. Bố trí lại hạ tầng kỹ thuật thoát nước đồng bộ với xây dựng công trình chính, đặc biệt là đấu nối công trình giao thông.
Nghĩa Nhân