Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
UBND tỉnh: Chính thức ban hành quy định về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài
2010-02-01 05:36:00

Các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp của tỉnh theo chính sách này phải có cam kết hoàn thành khoá đào tạo và thực hiện đủ thời gian phục vụ theo quy định (gấp 3 lần so với thời gian đào tạo)…

Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài được ban hành hôm 15.1.2010 vừa chính thức có hiệu lực và thay thế Quyết định số 48/2007/QĐ-UBND ngày 20.12.2007.

Theo đó, đối tượng được áp dụng quy định này gồm cán bộ, công chức, công chức dự bị, viên chức trong biên chế từ tỉnh tới cơ sở xã, phường, thị trấn; cán bộ không chuyên trách là đối tượng quy hoạch để thay thế cho cán bộ chuyên trách xã và công chức cấp xã; dự nguồn cán bộ - công chức; cán bộ, công chức ngành dọc hoặc thuộc cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Về điều kiện và tiêu chuẩn, các đối tượng đi học phải được Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quyết định, hoặc uỷ quyền cho Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ ký quyết định. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự học chuyên môn lấy bằng tốt nghiệp sẽ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

Các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp của tỉnh theo chính sách này phải có cam kết hoàn thành khoá đào tạo và thực hiện đủ thời gian phục vụ theo quy định (gấp 3 lần so với thời gian đào tạo). Nếu tự ý nghỉ việc hoặc xin nghỉ việc, xin thuyên chuyển công tác ra ngoài tỉnh và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thì phải bồi thường gấp 3 lần số tiền trợ cấp của tỉnh. Bên cạnh đó, các đối tượng đi học phải được đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo từ cuối năm trước và được UBND tỉnh duyệt kế hoạch trong năm, độ tuổi đào tạo từ cao học trở lên cũng không được quá 45 tuổi.

Ngoài quy định mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với các lớp về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước; đối với các lớp đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, mức hỗ trợ khoán kinh phí ôn thi đầu vào, tàu xe đi lại, tài liệu… cho nghiên cứu sinh, cao học, được Sở Nội vụ duyệt danh sách: học ôn tại Hà Nội từ 3 – 3,5 triệu đồng/ người; học ôn tại TP. HCM từ 1,5 – 2 triệu đồng/ người. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo sau khi có giấy báo trúng tuyển, UBND tỉnh quyết định cử đi học đối với nghiên cứu sinh, cao học, chuyên khoa cấp II học lên tiến sĩ, chuyên khoa cấp I học lên thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, II ngành Y từ 10 triệu – 50 triệu đồng/ người/ khoá.

Mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức cấp xã theo học các lớp trung cấp và đại học chuyên môn nghiệp vụ: tiền học phí theo như chiêu sinh; ở các lớp đào tạo ngoài tỉnh, các đối tượng trên sẽ được hỗ trợ khoán thời gian thực học bao gồm tiền ăn, ở, tài liệu, tàu xe, đi thực tế… là 500 ngàn đồng/ người/ tháng, cán bộ, công chức nữ được hỗ trợ thêm 30% mức lương tối thiểu/ người/ tháng.

Về chính sách trợ cấp khuyến khích tự đào tạo - vấn đề mà nhiều bạn đọc thắc mắc trong thời gian qua. Các cán bộ, công chức, viên chức được thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử đi học chuyên môn lấy bằng tốt nghiệp đại học văn bằng 1 (chính quy, tại chức, chuyên tu) nhằm đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn đang đảm trách, khi học xong tiếp tục làm việc tại đơn vị cũ hoặc chấp hành theo sự phân công của tổ chức (theo danh sách đã được Sở Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Tỉnh uỷ phê duyệt hằng năm), sau khi tốt nghiệp đại học sẽ được trợ cấp với định mức khoán 5 triệu đồng/ người/ khoá.

Quy định này cũng nêu rõ chính sách thu hút nhân tài đối với người có học hàm, học vị. Theo đó, người có học hàm giáo sư, phó giáo sư; có học vị tiến sĩ, thạc sĩ đồng ý về Tây Ninh công tác ít nhất từ 5- 7 năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ thẩm định, báo cáo UBND tỉnh quyết định trợ cấp một lần ban đầu từ 50 – 70 triệu đồng. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể sẽ được hỗ trợ ngoài lương tối đa 10 triệu đồng/ tháng. Nếu chuyển công tác ra ngoài tỉnh trước thời gian thoả thuận phải hoàn trả lại số tiền hỗ trợ ban đầu…

Đặng Hoàng Thái     

Từ khóa:
Tin liên quan