Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phiên họp thường kỳ tháng 3.2024:
UBND tỉnh cho ý kiến các nội dung liên quan đến đất đai, đầu tư công
Thứ sáu: 08:55 ngày 08/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 7.3, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch Võ Đức Trong, Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến đồng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 3.2024.

Tham dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong; đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; tổ chức chính trị xã hội; sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Tại phiên họp, Sở Tài nguyên và Môi trường trình nội dung về việc ban hành Nghị quyết thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh năm 2024 - đợt 2.

Theo nội dung tờ trình, qua rà soát có 1 dự án đủ cơ sở pháp lý để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề tháng 3.2024. Đó là dự án Nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời (đoạn từ Ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng), tổng diện tích thu hồi 1 ha. Trong quá trình thực hiện thu hồi đất, nếu có sai số do đo đạc thì diện tích được điều chỉnh theo số liệu thực tế. UBND tỉnh thống nhất thông qua nội dung trên.

Đối với tờ trình về việc ban hành Nghị quyết chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh năm 2024 - đợt 1, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng 14,4 ha đất (gồm 5,99 ha đất chuyên trồng lúa nước và 8,41 ha đất trồng lúa nước còn lại) để thực hiện 15 dự án, công trình.

Cụ thể, phân theo các huyện, thị xã, thành phố như sau: Huyện Dương Minh Châu có 4 dự án với 2,14 ha đất trồng lúa chuyển sang đất xây dựng trụ sở cơ quan và đất giao thông; thị xã Trảng Bàng có 1 dự án với 7,42 ha đất trồng lúa chuyển sang đất cơ sở tôn giáo; thành phố Tây Ninh có 2 dự án với 0,214 ha đất trồng lúa chuyển sang đất giao thông; huyện Châu Thành có 8 dự án với 4,626 ha đất trồng lúa chuyển sang đất giao thông và đất quốc phòng. Về cơ bản, UBND tỉnh thống nhất nội dung tờ trình. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tư pháp, các Ban HĐND tỉnh thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.

Về nội dung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố, theo kế hoạch trong năm 2024, trên địa bàn huyện Châu Thành triển khai thực hiện 158 công trình, dự án để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.412 ha; huyện Gò Dầu triển khai 62 công trình, dự án với tổng 813,12 ha; thành phố Tây Ninh 102 công trình, dự án với 820,93 ha; Huyện Dương Minh Châu 114 công trình, dự án với 1.267,36 ha; thị xã Hoà Thành  86 công trình, dự án với 254,12 ha; huyện Tân Châu 196 công trình, dự án với 2.427,99 ha; thị xã Trảng Bàng 128 công trình, dự án với 1.645,45 ha; huyện Tân Biên 221 công trình, dự án với 1.416,75 ha; huyện Bến Cầu 181 công trình, dự án với 879,71 ha. 

Đại biểu tham dự phiên họp.

UBND tỉnh thống nhất tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời đề nghị đơn vị rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện để ban hành theo quy định. 

Đối với tờ trình về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách Nhà nước, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã phân bổ đủ kế hoạch vốn trung hạn còn lại đối với các dự án chuyển tiếp và bố trí khoảng 30% tổng mức đầu tư cho dự án khởi công mới (tuân thủ về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công).

Qua rà soát, có một số dự án chuyển tiếp đã hoàn thành, đang trình quyết toán, dự kiến nhu cầu vốn còn lại sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán để tất toán công trình nhỏ hơn so kế hoạch, vốn đã giao; dự án khởi công mới có số vốn dự kiến tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn so kế hoạch đã giao nên có khả năng không giải ngân hết số vốn đã bố trí.

Hiện nay, có 7 dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương và 1 dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2024, với tổng nhu cầu vốn là 232 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách địa phương 158 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương 74 tỷ đồng). Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 đã giao của một số dự án không có khả năng giải ngân hết để bổ sung vốn cho 8 dự án khởi công mới nêu trên.

Lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Theo đó, đối với nguồn ngân sách địa phương, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã giao của một số dự án là 158 tỷ đồng và điều chỉnh tăng kế hoạch vốn để phân bổ cho các dự án từ nguồn điều chỉnh giảm nêu trên. Đối với nguồn ngân sách trung ương, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã giao của các dự án là 74 tỷ đồng, điều chỉnh tăng kế hoạch vốn để phân bổ cho dự án Xây dựng cửa khẩu Quốc tế Tân Nam từ nguồn điều chỉnh giảm trên. UBND tỉnh thống nhất nội dung tờ trình này.

Phiên họp cũng cho ý kiến và thống nhất với các nội dung: Nghị quyết quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh; tờ trình điều chỉnh bổ sung và phân khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn tỉnh hỗ trợ mục tiêu huyện, thị xã, thành phố; chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục