Đọc báo in
Tải ứng dụng
UBND tỉnh: Đánh giá cao kết quả thực hiện giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích
2009-11-17 05:22:00

Đến cuối tháng 10.2009, đã có 880 hộ dân vi phạm đăng ký cam kết phá bỏ, di dời cây trồng không đúng mục đích với diện tích 2.263 ha (chiếm 62,3 số hộ dân, 73% diện tích phải thực hiện theo Quyết định số 875).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên và các Phó chủ tịch Võ Hùng Việt, Phạm Văn Tân tại phiên họp thường kỳ tháng 11.2009.

Ngày 17.11, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11.2009. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp, cùng Phó chủ tịch Võ Hùng Việt, Phó chủ tịch Phạm Văn Tân và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh thảo luận, bàn bạc, thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 10.2009.

Tính đến thời điểm tháng 4.2009, tổng diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng và rừng phòng hộ bị bao, lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích là 3.097 ha (gồm 1.412 hộ), chưa kể số 2.120 ha mà 687 hộ trồng cây cao su, cây ăn quả đúng quy hoạch nhưng chưa đủ mật độ cây trồng rừng phòng hộ Dầu Tiếng theo chương trình 327 và 661 ở Tân Châu.

Sau khi ban hành Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 13.5.2009 (về giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích), UBND tỉnh đã giao cho Ban chỉ đạo (BCĐ) 1070 tỉnh (phụ trách thực hiện Quyết định số 875) cùng với Hội đồng phối hợp công tác giáo dục và phổ biến pháp luật tỉnh tổ chức biên soạn 6 loại tài liệu tập huấn, tuyên truyền giáo dục pháp luật dưới dạng hỏi-đáp. Những tài liệu này được phát ra nhân dân vùng có rừng và các hộ vi phạm để phổ biến chủ trương, chính sách của tỉnh trong việc giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm, sử dụng đất rừng không đúng mục đích.

BCĐ 1070 đã phối hợp với các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu tổ chức 3 hội nghị tập huấn cho 207 cán bộ chủ chốt các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã và ban quản lý rừng. Các huyện trên cũng đã tổ chức 6 hội nghị triển khai rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, trưởng ấp. Các xã đã tổ chức 59 cuộc họp với nhân dân. BCĐ 1070 các cấp tổ chức 6 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân ở các xã Suối Dây, Tân Thành (Tân Châu), Thạnh Bắc (Tân Biên) và Suối Đá (Dương Minh Châu). Ngoài ra, cán bộ tỉnh, huyện, xã cũng tổ chức nhiều đợt xuống tận nhà dân để tuyên truyền, vận động… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền bằng các phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện thường xuyên nên hiệu quả đạt được trong 5 tháng qua rất khả quan.

Đến cuối tháng 10.2009, đã có 880 hộ dân vi phạm đăng ký cam kết phá bỏ, di dời cây trồng không đúng mục đích với diện tích 2.263 ha (chiếm 62,3 số hộ dân, 73% diện tích phải thực hiện theo Quyết định số 875). Đã có 279 hộ tự nguyện chặt bỏ, di dời cây như đã cam kết với diện tích 500,6 ha (135,2 ha cao su; 63,8 ha điều; 301,6 ha cây nông nghiệp ngắn ngày khác). Trong đó, Tân Châu có 171 hộ tự nguyện chặt bỏ 268,5 ha (có 110 ha cao su); Tân Biên có 95 hộ tự nguyện chặt bỏ 198,4 ha (có 25,2 ha cao su); Dương Minh Châu có 13 hộ phá bỏ, thu hoạch 33.7 ha mì.

Trong 5 tháng qua, các huyện Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu đã lập 269 biên bản vi phạm hành chính đối với các hộ đã đăng ký cam kết tự nguyện phá bỏ, di dời cây trồng sai mục đích; ban hành 49 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; ban hành 28 quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp sai. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tân Châu, UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện Tân Châu đã ban hành 25 quyết định cưỡng chế đối với các hộ vi phạm chặt phá rừng trồng nhưng không chấp hành quyết định xử phạt hành chính từ năm 2007. Sau đó, đã có 23/25 hộ chấp hành trồng lại rừng với diện tích gần 31 ha.

Song song với công tác “thu hồi” đất rừng, công tác trồng rừng cũng nhan chóng được triển khai. Đến 31.10, tổng diện tích trồng rừng mới toàn tỉnh đạt 1.008,5 ha. Trong đó, dự án 661 trồng được 868 ha (vượt 24% kế hoạch) gồm khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng 525,26 ha; khu rừng VH-LS Chàng Riệc 160 ha; vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát 182,7 ha. Dự án 661 cũng trồng được 140,5 ha (đảo Suối Nhím 92,5 ha; Trung tâm tái hiện di tích lịch sử Cách mạng miền Nam tại Bời Lời 48 ha).

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc thực hiện Quyết định số 875/QĐ-UBND vẫn còn một số mặt tồn tại như: diện tích đất đã xử lý nhưng tỷ lệ đưa vào trồng rừng còn thấp, chỉ 19% so với các hộ đăng ký cam kết (Tân Châu trồng 292 ha/995,21 ha; Tân Biên trồng 125 ha/1.104 ha; Dương Minh Châu trồng 33,7 ha/164 ha).

Chuẩn bị cây giống để trồng rừng.

Hiện còn 532 hộ chưa cam kết thực hiện theo Quyết định số 875/QĐ-UBND (chiếm 37,7% số hộ và 27% diện tích). Trong đó có nhiều trường hợp được thông báo, được mời nhưng các hộ này vẫn cố tình tránh né, không chấp hành, gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị thực hiện. Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc triển khai thực hiện các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính của các huyện còn chậm, có nơi lúng túng khi áp dụng các biện pháp xử lý; số biên bản vi phạm hành chính đã lập nhưng chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn nhiều (220 trường hợp); khâu chuẩn bị cây giống chưa tốt, phải mua ngoài thị trường với giá đắt; công tác rà soát, phân loại diện tích trảng ngập, nhà, chòi, công trình xây dựng trái phép trong đất lâm nghiệp để đề xuất phương án giải quyết còn chậm; BQL các khu rừng chưa đề xuất được loài cây và mô hình trồng rừng phù hợp trên diện tích đất bán ngập; việc xác định giá đền bù cây cao su, cây ăn quả còn chậm…

Tại phiên họp, lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương  trong việc  giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tồn tại và chỉ đạo một số giải pháp thực hiện từ nay đến cuối năm để khắc phục.

HOÀNG THI

 

Từ khóa:
Tin liên quan