BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4.2009: Đóng góp ý kiến vào kế hoạch xử lý tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất lâm nghiệp…

Cập nhật ngày: 23/04/2009 - 06:35

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4.2009, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất, kiên quyết thực hiện chủ trương phá bỏ các loại cây trồng, những công trình xây dựng trái phép trên diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh…, và thảo luận việc quy hoạch đường gom và đấu nối đường giao thông công cộng vào các tuyến quốc lộ.

* Xử lý nghiêm tình trạng bao chiếm, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích

Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến ngày 31.12.2008, diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh bị bao chiếm, lấn chiếm là 2.707 ha, do 1.530 hộ vi phạm. Đối tượng vi phạm chủ yếu là nông dân (1.521 hộ), trong đó có đến trên 80% số hộ tự khai là hộ nghèo nhưng chưa được khảo sát, thống kê. Đến cuối năm 2008, các đơn vị đã lập 204 hồ sơ ban đầu về các trường hợp sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trong quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng. Đến nay, UBND các cấp đã xử lý 30 hồ sơ, đình chỉ xử lý 1 hồ sơ, hiện còn tồn đọng 173 hồ sơ.

Thực hiện chủ trương “Kiên quyết phá bỏ các loại cây trồng, những công trình xây dựng trái phép trên diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh…”, tại phiên họp thường kỳ diễn ra hôm qua 22.4.2009, UBND tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh để thông qua Kế hoạch giải quyết, xử lý tình trạng bao chiếm, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh.

Tại kế hoạch này, lãnh đạo tỉnh thống nhất quan điểm: “Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, mọi trường hợp vi phạm đều phải được xử lý; không tạo tiền lệ xấu cho việc phát sinh các vi phạm tiếp theo; hạn chế đến mức thấp nhất lãng phí xã hội, ổn định cuộc sống người dân”. Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh tập trung giải quyết, thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm, lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích, xử lý đến đâu, thu hồi đến đó.

Đối với rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát và rừng Văn hoá – Lịch sử Chàng Riệc: Các hộ vi phạm đang sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày sẽ được xét ký hợp đồng trồng rừng với chủ rừng theo các mô hình trồng rừng đặc dụng được UBND tỉnh phê duyệt và được hưởng các quyền lợi của người nhận khoán theo quy định. Cây cao su và cây ăn quả trồng trên đất rừng sẽ bị chặt bỏ toàn bộ. Những hộ bị chặt bỏ cây cao su và cây ăn trái sẽ được hợp đồng trồng rừng với chủ rừng. Trong đó, đối với diện tích cây cao su, cây ăn quả trồng đúng quy hoạch thuộc Chương trình 327 và 661, các hộ dân sẽ được hỗ trợ 100% vốn đầu tư và được sử dụng toàn bộ số cây bị chặt bỏ. Đối với diện tích bị bao chiếm, lấn chiếm để trồng cây cao su, cây ăn quả, người trồng chỉ được sử dụng số cây bị chặt bỏ, không được hỗ trợ vốn đầu tư. Đối với các hộ nghèo không có đất sản xuất, sau khi bị xử lý, nếu họ có nguyện vọng sẽ được giải quyết tái định cư tại Khu cụm Dân cư biên giới Chàng Riệc, Ngã ba Xe Cháy, Cầu Sài Gòn.

Đối với rừng phòng hộ, các hộ đang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng sẽ được ký hợp đồng nhận khoán trồng rừng. Đối với cây cao su, cây ăn quả lâu năm, có tàn che rộng được trồng theo quy hoạch của Chương trình 327 và 661 sẽ bị chặt theo lô để trồng cây sao, dầu. Đối với cây cao su, cây ăn trái có tàn che rộng do người dân bao chiếm, lấn chiếm trồng không đúng mục đích sẽ bị chặt theo băng để trồng hỗn giao với cây bản địa. Các loại cây ăn quả khác sẽ bị chặt bỏ toàn bộ, trồng lại rừng trên toàn diện tích đất trồng.

Các hộ vi phạm phải tự tháo dỡ, di dời nhà cửa, công trình xây cất trái phép và phải phục hồi lại rừng trên diện tích đã vi phạm. Những hộ tự ý cày phá trái phép diện tích rừng trồng phòng hộ sẽ bị xử lý, huỷ hợp đồng nhận khoán, thu hồi và giao đất lại cho chủ rừng. Những trường hợp được cấp “sổ đỏ” sai đối với đất lâm nghiệp sẽ bị thu hồi, giao đất cho chủ rừng… Kế hoạch trên cũng đề ra trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị trong việc xử lý vi phạm, nhất là trong khâu cưỡng chế thi hành.

* Sẽ làm đường gom, điểm đấu nối các quốc lộ

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 4.2009, bà Cao Thị Nhạn – Giám đốc Sở GTVT cho biết, Tây Ninh hiện có 2 tuyến quốc lộ (22 và 22B) dài 116,2 km. Với sự phát triển của hệ thống đường bộ địa phương, các khu dân cư dọc theo các tuyến quốc lộ… đã dẫn đến tình trạng đấu nối trực tiếp vào QL không đảm bảo các quy định của Bộ GTVT và ATGT. Có 2 tuyến đường tỉnh và 94 điểm đấu nối của đường giao thông công cộng vào QL 22; cùng 12 tuyến đường tỉnh và 276 điểm đấu nối của đường giao thông công cộng vào QL 22B. Tại các khu – cụm công nghiệp đã hình thành, hiện có 7 điểm đấu nối với QL. Có 21 cửa hàng xăng dầu nằm trên QL 22 và 50 cửa hàng xăng dầu nằm trên QL 22B là những điểm đấu nối trực tiếp vào QL. Ngoài ra, còn rất nhiều điểm đấu nối trực tiếp từ nhà dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh dọc theo hai tuyến QL. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ lưu thông của luồng giao thông liên tỉnh trên quốc lộ và trật tự ATGT.

Theo bà Cao Thị Nhạn, việc quy hoạch đường gom và đấu nối đường giao thông công cộng vào các tuyến QL là rất cần thiết để có thể tách dòng giao thông địa phương và giao thông liên tỉnh trên các tuyến QL, vừa đảm bảo ATGT, vừa đảm bảo phục vụ phát triển KT – XH.

Các đại biểu dự phiên họp thường kỳ tháng 4.2009 còn đóng góp ý kiến vào dự thảo Quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán và quyết toán các công trình sửa chữa, cải tạo và nâng cấp có giá trị dưới 100 triệu đồng.

HOÀNG ANH