Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 10: Nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực đất đai
Thứ tư: 08:14 ngày 16/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 15.10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh, Trần Văn Chiến đồng chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10, cho ý kiến các nội dung quan trọng.

Quang cảnh phiên họp.

Chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong khi đó, thực tiễn triển khai Luật Đất đai năm 2024 cần phải ban hành chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để bảo đảm ổn định cuộc sống, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và điều kiện thực tế của địa phương.

Ông Văn Tiến Dũng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trình và xin ý kiến dự thảo Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Theo dự thảo Nghị quyết, quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh áp dụng đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất lần đầu theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đất đai; tổ chức được giao trách nhiệm quản lý quỹ đất tại địa phương và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Quỹ đất để thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này được bố trí từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý trên địa bàn toàn tỉnh; từ quỹ đất thu hồi thuộc các dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai hoặc từ quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương.

Dự thảo quy định giao đất ở trong hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định và được miễn, giảm tiền sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Giao đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp do UBND tỉnh quy định không thu tiền sử dụng đất. Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất.

Diện tích giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều này được tính trong tổng diện tích của từng loại đất được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bảo đảm không vượt quá hạn mức sử dụng đất cho từng loại đất trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số.

Đối với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thống nhất Dự thảo Nghị quyết, đề nghị các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện nội dung để sớm ban hành Nghị quyết.

Hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất

Tại phiên họp, UBND cũng nghiên cứu, đề xuất HĐND tỉnh xem xét, ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31.7.2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo rà soát, tại Tây Ninh, từ năm 2016 đến nay, lao động bị thu hồi đất có số lượng khá đông,  22.185/680.609 người bị thu hồi đất trong độ tuổi lao động (chiếm tỷ lệ 3,26%). Số người bị thu hồi đất không còn đất nông nghiệp để canh tác hoặc đất ở để kinh doanh dịch vụ… đa phần là lao động nông nghiệp ở nông thôn gặp khó khăn trong nghề nghiệp, việc làm, ổn định thu nhập; trong khi đó tỉnh chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại phiên họp.

Theo đó quy định, người có đất nông nghiệp, kinh doanh bị thu hồi sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vay vốn từ nguồn vốn ủy thác góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Quyết định quy định hỗ trợ đào tạo nghề cho người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Nội dung hỗ trợ bao gồm chi phí học nghề, tiền ăn và tiền đi lại. Với mức hỗ trợ đối với chi phí học nghề tối đa là 1,9 triệu đồng/người/khoá học; mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; mức hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Quyết định quy định người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Việt Cường – Phó Trưởng Ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Người có đất thu hồi tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trung cấp, cao đẳng được vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên. Với phương thức cho vay, mức vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, hồ sơ và trình tự, thủ tục cho vay thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, Quyết định quy định hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thống nhất với Dự thảo, giao đơn vị soạn thảo phối hợp với các sở, ban, ngành tiếp tục lấy ý kiến các địa phương, nghiên cứu, đưa ra các phương án hỗ trợ hiệu quả, phù hợp với quy định và tình hình thực tế của địa phương để hoàn thiện các nội dung, trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, sớm ban hành và triển khai, thực hiện.

Tại phiên họp, đại diện các sở, ngành trình và xin ý kiến một số nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai như: Quyết định Quy định hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…

Ông Phạm Văn Đặng – Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại phiên họp.

Nghị quyết quy định chế độ ưu đãi miễn tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực đối với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư (ngành, nghề ưu đãi đầu tư) hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai mà đáp ứng một trong hai điều kiện: Dự án thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn xã hội hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định; dự án phi lợi nhuận.

Quyết định Quy định hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh; Quyết định quy định về đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất và mức bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác mà không thể di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh…

Nhi Trần

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục