Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 5
Thứ năm: 16:42 ngày 10/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hôm 9.5, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5.2018, cho ý kiến hai nội dung: việc ban hành Nghị quyết về nội dung chi, mức chi cho công tác quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; báo cáo kết quả các chỉ số PCI, PAPI và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của Tây Ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Chi công tác quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính: Tuỳ khả năng ngân sách của các địa phương, đơn vị  

Theo tờ trình của Sở Tư pháp, mục đích của việc ban hành Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh nhằm quy định thống nhất nội dung chi, mức chi phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động lập dự toán, quyết toán kinh phí; đảm bảo kinh phí phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ, công chức làm công tác này, động viên, khích lệ cán bộ công chức góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Mức chi cho công tác này thực hiện theo quy định của Thông tư 19/2017 và Thông tư 338/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, nếu ban hành Nghị quyết này thì 1 năm ngân sách tỉnh chi 2,2 tỷ đồng, trong đó: cấp tỉnh chi 224 triệu đồng; cấp huyện, thành phố chi khoảng 1,1 tỷ đồng (bình quân mỗi huyện 125 triệu đồng/năm); cấp xã, phường, thị trấn 893 triệu đồng (bình quân mỗi xã 9,4 triệu đồng/năm).  

Mức chi này không lớn, về tổng thể cũng không ảnh hưởng đến cân đối chung của ngân sách. Tuy nhiên, để thận trọng, UBND tỉnh cũng bổ sung thêm cụm từ đây là “mức chi tối đa” để tùy theo khả năng ngân sách của các địa phương, đơn vị mà vận dụng cho phù hợp, nếu đủ nguồn lực thì chi theo mức này, có khó khăn có thể chi thấp hơn.

Bà Phan Thị Điệp- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, với dự toán kinh phí như trên thì cấp tỉnh, huyện có thể đảm đương được, nhưng ở cấp xã có thể gặp khó khăn. Bên cạnh đó, bà Điệp cũng đặt vấn đề về “mức chi tối đa”, nếu địa phương nào không đáp ứng được thì có thể giảm, nhưng giảm trên cơ sở nào?

Làm rõ vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, để phù hợp với khả năng cân đối của từng đơn vị thì nên giao nhiệm vụ lại cho các đơn vị. Thủ trưởng của cơ quan sẽ quyết định mức chi trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đề nghị Sở Tư pháp tiếp thu ý kiến của đại biểu, bổ sung cụ thể, rõ ràng trong tờ trình để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.

PCI xếp hạng thứ 19 trong cả nước

Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, trong bảng PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2017, với điểm số 63,82/100 điểm, Tây Ninh xếp hạng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2016, vẫn ở nhóm khá. So với 7 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, Tây Ninh xếp thứ 4, sau TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tuy nhiên, năm 2017 Tây Ninh có 3 chỉ số bị giảm điểm nhẹ so với năm 2016, gồm chỉ số cạnh tranh bình đẳng (giảm 0,2 điểm), chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (giảm 0,07 điểm).

Đặc biệt, chỉ số bị giảm điểm khá nhiều so với năm 2016 là chỉ số gia nhập thị trường (giảm 1,23 điểm) – đây là chỉ số được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh với nhau.

Theo Văn phòng UBND tỉnh, để cải thiện chỉ số này, UBND tỉnh có kế hoạch phối hợp chuyên gia của Phòng Thương mại, công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức phân tích, chỉ ra những điểm cần khắc phục.

Đối với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI), năm 2017 có 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm điểm cao nhất; 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm điểm trung bình cao; 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm điểm trung bình thấp và 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm điểm thấp nhất. Tây Ninh đạt số điểm 37.34 điểm – xếp thứ 5/16 tỉnh, thành phố trong nhóm có điểm trung bình cao và xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ số cải cách hành chính 2017 (PAR INDEX) của Tây Ninh xếp hạng thứ 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) của Tây Ninh đạt 79,76%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, năm 2017, các chỉ số có cải thiện, kết quả này cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, vấn đề giải pháp đặt ra thời gian tới cũng rất cấp bách; cán bộ chủ chốt, công chức phải đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp để biết cần phải gì, cải cách như thế nào cho tốt nhất, phối hợp nhịp nhàng, năng động, sáng tạo để giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Bà Phan Thị Điệp – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh có ý kiến rằng, để tránh tiêu cực thì phải công khai minh bạch, nhưng thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức phải niềm nở, ân cần, vui vẻ. Bên cạnh đó, việc cập nhật các quy định pháp luật của cán bộ công chức, nhất là ở cấp xã không kịp thời, có không ít xã qua công tác giám sát của các Ban của HĐND tỉnh vẫn áp dụng quy định cũ, trong khi có những quy định mới đã ban hành được 1 năm, qua đó, có thể thấy việc tiếp cận những văn quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh tại cơ sở rất kém.

Đồng tình với ý kiến này, ông Mai Văn Hải – Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cho biết trong các giải pháp đề ra, cần thiết đưa thêm một giải pháp nữa là triển khai các văn bản của Trung ương về địa phương gắn liền với tình hình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, vì hiện nay việc cập nhật các văn bản này còn rất yếu, “nhiều cơ quan, đơn vị chưa nắm chắc chế độ chính sách thay đổi hiện nay, kể cả các văn bản của Trung ương, của tỉnh ban hành”- ông Hải nói.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân thống nhất, trong tháng 6.2018 cấp tỉnh, đồng thời xây dựng Đề án thành lập Trung tâm hành chính công cấp huyện, chậm nhất trong quý III năm 2018, các Trung tâm này chính thức hoạt động ở các huyện, thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại tất cả thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện để điều chỉnh cho phù hợp, thời gian thực hiện xong là trong tháng 6.2018.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan để đề ra một khung kiến trúc đô thị thông minh, đến quý III năm 2018 phải làm xong. Sau đó, từng bước xây dựng Trung tâm điều hành KT - XH của tỉnh trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, có chất lượng.

Sở Tư pháp có kế hoạch để chỉ đạo cho các địa phương, các sở, ban, ngành cập nhật các văn bản của Trung ương, tỉnh, huyện… cho kịp thời. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định về ủy quyền của thủ trưởng cơ quan cho công chức quản lý cấp phòng được biệt phái làm việc tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh được ký một số thủ tục hành chính để giải quyết ngay những thủ tục đơn giản khi tiếp nhận.

Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện phải cử cán bộ có chất lượng, phải am hiểu các lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị mình đến làm việc để xử lý tốt công việc…

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục