Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 14.6, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với UBND huyện Gò Dầu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2022.
Đoàn công tác của UBND tỉnh do ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND huyện Gò Dầu vào chiều ngày 14.6
Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Võ Đức Trong, Trần Văn Chiến, Dương Văn Thắng và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Về phía lãnh đạo huyện Gò Dầu có ông Nguyễn Văn Nhu- Chủ tịch UBND huyện, cùng đại diện các phòng, ban và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của huyện dần phục hồi sau dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2022 ước tính khoảng 27.341,06 tỷ đồng, tăng 13,07% so cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tính đến ngày 31.5 là 145.153 triệu đồng, đạt 77,21% so dự toán, tăng 66,69% so cùng kỳ.
Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, sâu bệnh gây hại trên cây trồng xuất hiện ở mức độ nhẹ, công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, không xảy các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trên đại bàn huyện.
Bà Trương Thị Phú – Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu báo cáo tại buổi làm việc.
Toàn huyện có 8/8 xã đạt nông thôn mới và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Từ đầu năm đến nay, huyện triển khai thi công 65 công trình; hoàn thành đưa vào sử dụng 20 công trình xây dựng cơ bản. Khối lượng thực hiện 5 tháng là 143 tỷ 108 triệu đồng đạt 58,5% kế hoạch, giải ngân 75 tỷ 578 triệu đồng đạt 31% kế hoạch.
Huyện tổ chức tốt các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện gặp một số khó khăn, kiến nghị tỉnh hỗ trợ, tháo gỡ như: từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến bất thường, mưa lớn xảy ra gây thiệt hại 1.732,6 ha cây trồng của người dân.
Về công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ về nhà cửa, vật kiến trúc nằm dưới hành làng lưới điện 500kV, đối với các hộ gia đình, cá nhân phải di dời nhà ở, công trình xây dựng khác và các tài sản khác gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành làng bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện bị thiệt hại do phải giải tỏa, không thu hồi đất nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ tái định cư như thu hồi đất, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân có nhà dưới đường dây điện.
Quyết định 17/2015/QĐ-UBND ngày 2.4.2015 của UBND tỉnh Tây Ninh chưa quy định cụ thể khi triển khai thu hồi đất và giải toả các công trình phụ phục vụ sinh hoạt cuộc sống, để nâng cấp mở rộng đường giao thông nên trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến mất nhiều thời gian.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc.
Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trích không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án. Trung tâm Phát triển quỹ đất không có nguồn thu để tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt của các cấp chính quyền huyện, xã trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra những điểm còn hạn chế như: mặc dù tốc độ kinh tế tăng cao nhưng quy mô kinh tế chưa bền vững, tỷ trọng thu ngân sách còn phụ thuộc vào các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Giá trị sản xuất các ngành so kế hoạch còn thấp, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong xây dựng cơ bản ở mức độ trung bình; đô thị Gò Dầu chậm phát triển. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, đô thị còn hạn chế. Công tác cải cách hành chính chưa toàn diện và đồng bộ, nhất là về thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp uỷ, chính quyền nhận diện rõ hơn tiềm năng lợi thế của địa phương, để có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; xác định rõ điểm nghẽn để tháo gỡ; đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, chuyên nghiệp; quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm tăng cường tính kỷ luật lỷ cương trong thực thi công vụ, thái độ phục vụ của cán bộ công chức tạo sự hài lòng của người dân; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực. Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, đẩy mạnh phòng, chống tội phạm.
Minh Dương