Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có các bài viết phản ánh về việc đất sản xuất của người dân ở xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng bị thu hồi cần có chính sách hỗ trợ thoả đáng, kịp thời. Trước sự việc trên, ngày 4.10.2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh có công văn số 3398/UBND-TD phản hồi các bài viết trên để các cơ quan truyền thông và người dân trong, ngoài tỉnh nắm rõ bản chất sự việc. Báo Tây Ninh thông tin đến bạn đọc nội dung sự việc cụ thể như sau:
Vườn cây cao su già cỗi của bà Phương. Ảnh: Minh Quốc - Đại Dương (ảnh chụp tháng 3.2021)
Theo UBND tỉnh, Nông trường Bời Lời trực thuộc Ty Nông nghiệp Tây Ninh (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thành lập năm 1977, được UBND tỉnh giao diện tích 6.140 ha tại huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng) và huyện Gò Dầu để sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1990, sáp nhập với nông trường cao su trực thuộc Huyện uỷ Trảng Bàng và đổi tên thành Nông trường cao su Bời Lời.
Trong quá trình quản lý, sử dụng đất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1997, Nông trường cao su Bời Lời có ký kết hợp đồng giao nhận khoán trồng và khai thác cây cao su với một số hộ dân, trong đó có bà Huỳnh Thị Lan Phương, ngụ số 44, đường Lý Văn Phức, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (ký hợp đồng nhận khoán năm 1994 là 50 ha và năm 1997 là 4,4 ha).
Nội dung chính nêu trong hợp đồng có ghi: “Bên A là Nông trường cao su Bời Lời giao đất cho bên B và có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng và khai thác cây cao su. Thời gian giao đất là một chu kỳ cây cao su “50 năm”. Hết hạn hợp đồng phải bàn giao đất lại cho nhà nước (năm 2043).
Bên B có trách nhiệm: Đầu tư trồng, chăm sóc, khai thác đúng quy trình kỹ thuật về cây cao su; Nộp cho bên A chi phí quản lý 1%/năm theo cách tính sản lượng thu thuế của Chi cục thuế. Nộp thuế theo luật định; Sau khi thu hoạch sản phẩm phải bán hết cho Nhà nước”.
Tuy nhiên, căn cứ quy định của pháp luật (tại Điều 3, Nghị định số 01-CP, ngày 4.1.1995 của Chính phủ và quy định tại khoản 2, Điều 2, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, ngày 8.11.2005 của Chính phủ), bà Huỳnh Thị Lan Phương không thuộc đối tượng được ký kết hợp đồng nhận khoán và trồng cây cao su vì bà không phải là hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở địa phương (bà Huỳnh Thị Lan Phương thường trú Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1998, Nông trường cao su Bời Lời giải thể để sáp nhập vào Công ty cao su 30.4 (trực thuộc Ban Tài chính Quản trị, Tỉnh uỷ Tây Ninh). Như vậy, pháp nhân ký kết hợp đồng nhận khoán trồng cây cao su (Nông trường cao su Bời Lời) không còn tồn tại từ năm 1998, pháp nhân tiếp quản diện tích đất (Công ty cao su 30.4) cũng không ký kết lại hợp đồng nhận khoán. Hợp đồng giao nhận khoán trồng cao su giữa Nông trường cao su Bời Lời với một số hộ dân, trong đó có bà Huỳnh Thị Lan Phương trên thực tế không tiếp tục thực hiện từ năm 1998 và từ đó đến nay không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên như nội dung giao kết trong hợp đồng nhận khoán.
Năm 2001, trên cơ sở rà soát lại đất đai của Công ty cao su 30.4, UBND tỉnh đã thu hồi và giao một phần diện tích đất thuộc Nông trường cao su Bời Lời trước đây đã giao cho Công ty cao su 30.4 tại khu vực thuộc xã Đôn Thuận (nay thuộc khu vực xã Hưng Thuận) về cho UBND huyện Trảng Bàng quản lý, sử dụng (trong đó có diện tích 149,52 ha) và có phần diện tích mà bà Huỳnh Thị Lan Phương, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận khoán trồng cao su.
Theo quy định pháp luật về đất đai, UBND huyện Trảng Bàng phải quản lý lại đất ngay sau khi được UBND tỉnh giao theo đúng quy định. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, xét thấy các vườn cây cao su mà các hộ dân nhận khoán trước đây đang trong thời kỳ khai thác.
Để tránh thiệt hại cho người dân, UBND huyện Trảng Bàng chưa thu lại đất mà để cho các hộ dân, trong đó có bà Huỳnh Thị Lan Phương tiếp tục khai thác mủ cao su đến hết chu kỳ theo quy chuẩn chu kỳ cây cao su của Tổng Công ty cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn cao su Việt Nam) tại Quyết định số 1461/QĐ-QLKT, ngày 20.8.2004. Việc làm này của UBND huyện Trảng Bàng xét về tình thì đạt nhưng xét về lý thì chưa bảo đảm đúng theo quy định pháp luật về đất đai.
Thời điểm đó, theo quy định của pháp luật về đất đai thì các hộ dân này, trong đó có bà Huỳnh Thị Lan Phương đang sử dụng đất công do địa phương quản lý muốn tiếp tục sử dụng hợp pháp để khai thác vườn cây cao su đến hết chu kỳ thì phải chuyển sang hình thức thuê đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính khi sử dụng đất thuê.
Năm 2013, nhận thấy việc UBND huyện Trảng Bàng để một số hộ dân, trong đó có bà Huỳnh Thị Lan Phương sử dụng đất công trồng cao su không đúng quy định trong thời gian dài (từ năm 1994 đến năm 2013) mà không thực hiện thủ tục thuê đất và làm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước là vi phạm pháp luật về đất đai, gây dư luận không tốt, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Trảng Bàng (nay là thị xã) yêu cầu các hộ dân, bà Huỳnh Thị Lan Phương đang khai thác vườn cây cao su thực hiện ngay việc ký kết hợp đồng thuê đất với địa phương đến hết năm 2017 (là năm kết thúc chu kỳ khai thác cây cao su theo quy chuẩn của Tập đoàn cao su Việt Nam), đây là giải pháp linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân được khai thác hết chu kỳ cây cao su.
Bên cạnh những cây cao su già cỗi còn có những cây như mới được trồng sau này. Ảnh: Minh Quốc - Đại Dương (ảnh chụp tháng 3.2021)
Chỉ đạo trên thể hiện trách nhiệm, giải quyết có lý, có tình, sự chiếu cố của tỉnh đối với các hộ dân đang trồng cây cao su; và đã có 26/33 hộ dân thực hiện việc ký hợp đồng thuê đất đến năm 2017, còn 7 hộ vì lý do khác nhau, không đến ký hợp đồng, trong đó có bà Huỳnh Thị Lan Phương. Khi kết thúc hợp đồng vào tháng 12.2017, đã có 32/33 hộ dân tự giác chấp hành thanh lý vườn cây cao su, di dời tài sản và giao trả lại đất cho chính quyền địa phương quản lý (trong đó có 6 hộ dân trước đây không đến ký hợp đồng thuê đất nghiêm chỉnh chấp hành việc giao trả lại đất và không có phát sinh khiếu kiện).
Điều này cho thấy chủ trương linh hoạt trong giải quyết sự việc có lý, có tình của UBND tỉnh đã được hầu hết các hộ dân liên quan ủng hộ và chấp hành, chỉ duy nhất bà Huỳnh Thị Lan Phương là không chấp hành chủ trương của tỉnh, không ký lại hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất và đến nay vẫn chưa thanh lý vườn cây (vườn cây cũng đã hết chu kỳ khai thác, già cỗi, không còn mặt da để cạo lấy mủ, khai thác mủ không còn hiệu quả, phần lớn đã dừng khai thác, không phải tất cả diện tích vườn cây đang được khai thác như báo chí đưa tin) để giao trả lại đất cho Nhà nước như 32 hộ dân khác, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần thông báo yêu cầu bà tự giác chấp hành.
Diễn biến sự việc nêu trên cho thấy, không có bất cứ sự thiệt thòi quyền lợi hay thiệt hại về kinh tế đối với các hộ dân, đặc biệt là đối với bà Huỳnh Thị Lan Phương như phản ánh, có chăng là sự thiệt hại đối với Nhà nước bởi hơn 28 năm qua (nếu tính từ năm 1994), Nhà nước không thu được bất cứ lợi ích nào đối với diện tích đất công nêu trên. Việc UBND thị xã Trảng Bàng ra thông báo yêu cầu bà Huỳnh Thị Lan Phương tự giác thanh lý cây cao su đã hết chu kỳ khai thác để bàn giao trả lại đất công cho địa phương quản lý là đúng quy định, hợp tình, hợp lý. Đây không phải là trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.
Hiện nay dư luận xã hội- nhất là cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tây Ninh nói chung và thị xã Trảng Bàng nói riêng đang rất bức xúc và bất bình trước hành vi không bàn giao lại đất cho Nhà nước quản lý của bà Huỳnh Thị Lan Phương.
Để giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật đối với vụ việc liên quan đến bà Huỳnh Thị Lan Phương, UBND thị xã Trảng Bàng với tư cách là đơn vị quản lý đất công đã khởi kiện việc chiếm dụng đất của bà Huỳnh Thị Lan Phương ra toà, được TAND tỉnh Tây Ninh thụ lý (Thông báo thụ lý vụ án số 46/TB-TLVA ngày 20.12.2021) và chuẩn bị đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh nhấn mạnh mong muốn các cơ quan báo chí khi phản ánh những vấn đề có liên quan đến địa phương cần trao đổi với cơ quan chức năng của tỉnh để nắm rõ sự việc, nhằm bảo đảm thông tin được chính xác, khách quan.
Đ.H.T