BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBND tỉnh: Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 

Cập nhật ngày: 05/01/2023 - 09:40

BTNO - Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm  phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Ngày 4.1, UBND tỉnh hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023. Tại điểm cầu UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự có bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tại hội nghị, ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

Kinh tế có sự phục hồi tích cực trong bối cảnh cơ bản kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân; một số chương trình, đề án trọng điểm được triển khai với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn: quy mô kinh tế, nguồn lực đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh còn thấp, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa theo kịp sự phát triển, tình hình ngoại biên, biên giới, an ninh, trật tự còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp phải quan tâm phòng ngừa, giải quyết.

UBND tỉnh xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với mục tiêu chung duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thực hiện hiệu quả các giải pháp đột phá của tỉnh. Cải thiện chỉ số cải cách hành chính, môi trường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; bảo vệ và chăm sóc tốt sức khoẻ nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; thu hút du lịch. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác đối ngoại, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển.

Tỉnh đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó lĩnh vực kinh tế tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 8% trở lên; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.100 USD; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 108 triệu đồng; cơ cấu kinh tế trong GRDP (giá hiện hành, chưa tính thuế sản phẩm): Nông - lâm - thuỷ sản: 18%-19%; Công nghiệp - Xây dựng: 46%-47%; Dịch vụ: 29%-30%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 37%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.000 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn chiếm 37% GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8%.

Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm từ 0,15%-0,2%; tỷ lệ thất nghiệp: khu vực thành thị: 1,4%; khu vực nông thôn: 1,8%; số lao động có việc làm tăng thêm 16.000 lao động; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề đạt 73%; đạt 8,3 bác sĩ/vạn dân và 28 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) còn dưới 19,2%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 91,5%, trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về môi trường, duy trì tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó số hộ sử dụng nước sạch tăng 2% so với năm 2022 (66%); duy trì tỷ lệ che phủ rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,3%; duy trì tỷ lệ chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%.

Để đạt được kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra, nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm, tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23.11.2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết sô 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng các chương trình hợp tác phát triển, sớm hiện thực hoá quy hoạch Vùng. Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hoàn thành đề án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát. Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù để phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phê duyệt, triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tây Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Tích cực đôn đốc thực hiện các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2026 về thể chế và phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, du lịch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh cơ cấu lại nội ngành và giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Kiều Công Minh – Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường phát biểu những giải pháp mà ngành TNMT đưa ra để giải quyết khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực đất đai.

Đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện. Thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, chưa tương thích giữa các cơ sở dữ liệu, phần mềm kết nối gây khó khăn cho công tác giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn.

Rà soát thủ tục hành chính bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử; kiểm soát chất lượng, nhập, địa phương hoá, công khai theo danh mục TTHC của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Tây Ninh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tây Ninh.

Ban hành kế hoạch phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tây Ninh năm 2023. Tiếp tục triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025.

Tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, chuyên nghiệp, cạnh tranh; tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ban hành quy định cơ chế, chính sách và mức hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025.

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục biểu hiện làm việc cầm chừng, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm.

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường củng cố, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới.

Hội nghị còn xem xét những nội dung: dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023; chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2023.

Tại hội nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình lao động việc làm, các giải pháp trong thời gian tới.

Sở Y tế nêu giải pháp về tháo gỡ khó khăn, tồn tại thời gian qua như tình trạng thiếu thuốc... Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố báo cáo những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện năm 2023, cũng như kiến nghị những lĩnh vực về giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh đạt được những kết quả năm 2022, cũng như UBND tỉnh chủ động triển khai nhiệm vụ sớm, khởi đầu tích cực ngay đầu năm 2023.

Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu của năm 2023, mục tiêu cơ bản nhất là đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước; trên cơ sở mục tiêu này, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo từng cấp, từng ngành xác định từng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách, bảo đảm từng ngành khi hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành đóng góp được vào chỉ tiêu tăng trưởng chung của tỉnh; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong chủ trì triển khai từng nội dung nhiệm vụ.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị, năm 2023 cần phát huy vai trò của các tổ công tác 4 khâu đột phá của tỉnh; Nâng cao chất lượng hệ thống y tế công, khắc phục hạn chế của giáo dục và dạy nghề; đề nghị lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tăng cường công tác phối hợp, bảo đảm an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc thay mặt UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đề nghị các sở, ngành, các địa phương triển khai ngay giải pháp thực hiện nhiệm vụ KTXH năm 2023...

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cũng chỉ ra những khó khăn là nguy cơ có thể ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển trong năm 2023, ảnh hưởng đến xuất khẩu, đóng góp ngân sách, an sinh xã hội...

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các chỉ tiêu đề ra năm 2023 mang tính phấn đấu, sự quyết tâm rất cao để đạt mục tiêu. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp uỷ, chính quyền tập trung chỉ đạo, với quyết tâm cao nhất hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu năm 2023 như những gì đã đạt được trong năm 2022; cảnh giác, quan tâm các biện pháp phòng chống dịch, mà biện pháp tối ưu hiện nay là tăng cường công tác tiêm ngừa; các địa phương quan tâm tập trung cho công tác đề bù giải phóng mặt bằng…

Cũng như các sở, ngành và địa phương cần quan tâm đến việc chăm lo cho các hộ nghèo, khó khăn trong dịp tết nguyên đán; công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ ... cho người dân vui xuân an toàn, tiết kiệm.

Thế Nhân