BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBND tỉnh: Xem xét thông qua đề án phát triển công nghiệp nông thôn

Cập nhật ngày: 03/03/2012 - 12:17

Đề án được trình tại phiên họp thường kỳ tháng 3.2012 của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ chủ trì phiên họp.

Trình bày Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp- đơn vị tư vấn cho biết trong những năm gần đây, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn Tây Ninh có sự gia tăng. Đến năm 2010, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn vào khoảng 6.850 cơ sở- tăng hơn năm 2007 khoảng 170 cơ sở. Riêng lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, đến năm 2010, trên địa bàn nông thôn ở Tây Ninh có: gần 80 cơ sở chế biến tinh bột khoai mì - trong đó có 4 cơ sở có công suất đạt từ hơn 100 đến 200 tấn bột/ngày; 10 cơ sở chế biến hạt điều nhân với sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm - tăng hơn 5 năm trước trên 3.000 tấn/năm; 34 cơ sở chế biến mủ cao su với tổng công suất khoảng hơn 100.000 tấn/năm… Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp nông thôn ở Tây Ninh vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: hầu hết có quy mô nhỏ, thiếu tiềm lực về tài chính, vốn đầu tư ban đầu và vốn lưu động ít, trình độ lao động thấp…

PGĐ Sở Công Thương trình bày tại phiên họp

Để công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, đơn vị tư vấn đã đề xuất 7 giải pháp chủ yếu về: thị trường; đầu tư; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn nhân lực; tài chính; quản lý nhà nước và các cơ chế, chính sách khác. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đạt hơn 4.300 tỷ đồng và năm 2020 đạt hơn 8.100 tỷ đồng.

Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày, lãnh đạo nhiều sở, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Trong đó có ý kiến cho rằng Đề án cần nêu cụ thể hơn về những giải pháp; cần định hướng phát triển tập trung ở các cụm công nghiệp; danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư phải theo định hướng phát triển chung của tỉnh; nên tận dụng lợi thế từng vùng; cần có định hướng cụ thể về nguồn lao động…

Kết luận về Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ cơ bản nhất trí với ý kiến đóng góp của các sở, ngành, đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn cần khẳng định quan điểm phát triển công nghiệp nông thôn là nhiệm vụ cơ bản đi lên công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Trong đó, cần quan tâm phát triển các làng nghề truyền thống. Riêng về phần giải pháp thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng thuận với 7 giải pháp chủ yếu, nhưng cần phải phân tích sâu hơn, cụ thể hơn để dễ triển khai thực hiện. Đồng thời phải nêu định hướng phát triển cụ thể để các ngành căn cứ xây dựng kế hoạch và tập trung thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Công thương phối hợp cùng đơn vị tư vấn điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

S.T


 
Liên kết hữu ích