BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBND xã Phan chưa xử lý dứt điểm việc lấp mương tiêu gây ngập úng 

Cập nhật ngày: 03/07/2023 - 14:39

BTN - Đến nay, UBND xã vẫn chưa xử lý dứt điểm việc ông Tiến và ông Tuấn tự ý móc ao, san lấp và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp gây bức xúc trong nhân dân.

Con mương tiêu thoát nước của cánh đồng Bàu Dầu bị hộ ông Nguyễn Văn Tiến lắp.

Ngày 16.6, Báo Tây Ninh có bài viết “Một hộ dân lấp mương tiêu, cả cánh đồng lo ngập úng” phản ánh tình trạng nhiều hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng Bàu Dầu, ấp Phước Long 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu phải bỏ hoang, không thể canh tác do khu vực này thường xuyên bị ngập úng.

Nguyên nhân vụ việc trên là do một hộ dân tự ý đào ao, lấp mương tiêu thoát nước khiến cả cánh đồng bị ngập úng khi có mưa lớn, làm hư hại cây trồng. Sau khi báo phát hành, UBND xã Phan đã khảo sát thực tế, giải quyết kiến nghị của người dân.

Ông Bành Văn Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, sau khi tiếp nhận đơn phản ánh của các hộ dân tại ấp Phước Long 2 và văn bản chỉ đạo của UBND huyện Dương Minh Châu, ngày 23.12.2022, đoàn kiểm tra của UBND xã kết hợp với Ban quản lý ấp Phước Long 2 xác minh thực tế và mời các hộ dân có liên quan đến làm việc.

Qua khảo sát, nhận thấy hộ ông Nguyễn Văn Tiến đã đào ao và san lấp một đoạn mương tiêu khiến cho nước không có đường tiêu thoát, nên đoàn kiểm tra yêu cầu hộ ông Tiến phải lắp đặt cống để khơi thông dòng chảy, tránh ngập úng cho những hộ có đất sản xuất tại cánh đồng Bàu Dầu.

Đến ngày 7.1.2023, UBND xã tiếp tục đến kiểm tra hiện trạng, lúc này hộ ông Tiến đã chuẩn bị 3 đoạn ống cống bê tông đường kính khoảng 60cm nhưng chưa lắp đặt do đường thoát nước của cánh đồng Bàu Dầu buộc phải đi qua đất của 5 hộ, gồm: Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Minh Tuấn, Lê Văn Sơn, Lê Thị Hà và bà Nguyễn Thị Thu Hồng.

Trong đó, phần đất của bà Hồng nằm ở vị trí cuối nhưng lúc này, bà Hồng không có mặt ở địa phương nên chưa thể thống nhất lắp đặt cống thoát nước. Đến ngày 12.1.2023, khi bà Hồng trở về, UBND xã có mời bà đến làm việc và vận động bà khai thông bờ bao để nước trong khu vực được tiêu thoát. Sau đó, việc lắp đặt cống, tiêu thoát nước tại khu vực này được tiến hành.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 6.2023, sau khi tiếp nhận thông tin của Báo Tây Ninh về việc các hộ dân canh tác tại cánh đồng Bàu Dầu tiếp tục phản ánh tình trạng ách tắc dòng chảy, nguy cơ ngập úng khi mùa mưa đến. Ngày 20.6.2023, UBND xã khảo sát lại toàn bộ cánh đồng Bàu Dầu, qua buổi kiểm tra thực tế, UBND xã phát hiện thêm trường hợp hộ ông Nguyễn Minh Tuấn (đang thuê đất của ông Nguyễn Văn Êm) có xây tường rào chặn dòng chảy ở khu vực gần cuối của tuyến mương trước thoát nước chung.

Nước ngập, trồng lúa không hiệu quả nên một số hộ đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, có móc rãnh thoát nước theo từng luống cao hơn mặt bằng tự nhiên của khu vực. Trong đó, có hộ ông Dương Văn Thiệu và bà Lê Thị Cúc tiếp giáp với khu vực mương tiêu thoát nước, giáp ranh với đất của ông Nguyễn Văn Tiến hiện đã chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng khoảng 3 năm tuổi.

Hai hộ này có làm mương thoát nước (phía tiếp giáp với Bàu Dầu). Tuy nhiên, khu vực đất của các hộ: Lê Văn Thanh, Nguyễn Văn Bổng, Phan Thị Dỡ, Lê Minh Hoàng có địa hình thấp hơn mặt bằng chung, nên khi mưa lớn, nước từ Suối Tre đổ về gây ngập úng cục bộ.

Theo ông Bành Văn Lợi, sau khi kiểm tra thực tế, UBND xã đã yêu cầu các hộ ông Tuấn, ông Tiến lắp đặt thêm cống thoát nước. UBND xã yêu cầu hộ ông Tiến phải lắp đặt thêm 3 ống cống (đường kính 1m) nối từ đất ông Thiệu và bà Cúc sang phần ao của gia đình ông, thời gian thực hiện từ ngày 20.6.2023 đến ngày 20.7.2023.

Do tại thời điểm kiểm tra, cánh đồng Bàu Dầu không bị ngập úng nên không thể xác định mức độ ngập úng có đúng như phản ánh của các hộ dân. Trong thời gian tới, nếu cánh đồng Bàu Dầu tiếp tục bị ngập, ông Tiến phải lắp đặt thêm cống thoát nước, không để xảy ra tình trạng ngập úng trên địa bàn.

Cũng theo ông Lợi, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại cánh đồng Bàu Dầu, xã sẽ kiến nghị với huyện khảo sát để có phương án xử lý lâu dài.

Trả lời yêu cầu của người dân làm rõ việc đào ao, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp tại cánh đồng Bàu Dầu, ông Bành Văn Lợi cho biết, qua kiểm tra thực tế, khu vực này có 4 hộ tự ý chuyển đổi cây trồng, tự ý móc mương lên luống trồng cây ăn trái và hai hộ (ông Tiến và ông Tuấn) tự ý móc ao, san lấp xây dựng nhà và các công trình trên đất trồng lúa.

Theo ông Lợi, việc sản xuất lúa kém hiệu quả nên người dân chuyển đổi sản xuất sang cây trồng khác, việc này không có gì sai. Tuy nhiên, do các hộ này không xin phép cơ quan chức năng nên UBND xã đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi theo quy định của pháp luật, UBND xã chưa xử phạt trường hợp nào.

Các hộ dân tại cánh đồng Bàu Dầu bức xúc trước việc ông Nguyễn Văn Tiến và ông Nguyễn Minh Tuấn lắp ống thoát nước kiểu đối phó.

Hộ ông Nguyễn Văn Tiến lắp hệ thống thoát nước bằng những óng nước nhỏ ghép với nhau, còn ông Nguyễn Minh Tuấn lắp ống cống đường kính 80 cm nhưng bị đất bồi lấp hơn 1/2 miệng ống khiến nước khó tiêu thoát.

Bà Lê Thị Cúc đại diện các hộ dân có đơn kiến nghị cho biết, việc các hộ ông Tiến, ông Tuấn tự ý móc ao, xây dựng công trình trên đất sản xuất lúa là vi phạm quy định về mục đích sử dụng đất được Nhà nước giao. Đồng thời, hành vi này còn trực tiếp làm ách tắc dòng chảy, gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất của những hộ khác, buộc lòng họ phải móc rãnh, lên luống và chuyển sang trồng cây ăn trái để tránh bị ngập úng, thiệt hại kinh tế.

Theo ông Lê Văn Thanh, việc lắp đặt cống thoát nước đường kính chỉ 60cm để tiêu thoát nước cho cả cánh đồng Bàu Dầu với hàng trăm héc-ta sẽ không thể giải quyết tình trạng ngập úng trong trường hợp mưa lớn, kéo dài. Ông đề nghị UBND xã yêu cầu các hộ ông Tuấn và ông Tiến phải lắp đặt cống đường kính 1m trở lên.

Đến nay, UBND xã vẫn chưa xử lý dứt điểm việc ông Tiến và ông Tuấn tự ý móc ao, san lấp và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp gây bức xúc trong nhân dân.

Minh Dương