Trong phiên họp sáng nay (15/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2014.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh VGP/Thành Chung. |
Báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2013 cả nước đã đạt và vượt 10 chỉ tiêu kinh tế, xã hội; 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt theo Nghị quyết của Quốc hội; 2 chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP và tỷ lệ giảm nghèo trung bình của cả nước).
Trong 4 tháng đầu năm 2014, kinh tế, xã hội có sự phục hồi rõ nét, lạm phát được kiềm chế, thu ngân sách đạt khá, vốn đầu tư nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm trước, tiến độ giải ngân vốn ODA đạt khá.
Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn; dịch bệnh ở trẻ em, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp... Bên cạnh đó, các hoạt động vi phạm chủ quyền nước ta ở Biển Đông, các thế lực thù địch gây nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết thêm những kết quả mới nhất về kinh tế, xã hội có một số lĩnh vực đạt kết quả tích cực hơn so với nội dung báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2013 nước ta đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng từ năm 2010. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức tăng GDP của năm 2012, đưa quy mô kinh tế lên khoảng 170,4 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.900 USD.
Cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về điều hành kinh tế, xã hội năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 đã có những thay đổi tích cực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa vững chắc; tổng cầu nội địa còn yếu; doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tăng cao hơn so với trước.
Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, khả thi hơn về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; giải quyết các vấn đề bức xúc về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội; nâng cao chất lượng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung vào Báo cáo, nhất là tác động của vụ việc tới nền kinh tế đất nước; các dự báo và giải pháp giải quyết những khó khăn về kinh tế, xã hội.
Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta từ đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện đầy đủ các quyền theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982; thông báo kịp thời đến các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết sẽ sớm tổng hợp và bổ sung vào báo cáo Quốc hội trong Kỳ họp thứ 7 sắp tới.
Theo Báo điện tử Chính phủ