BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBTVQH xem xét dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền

Cập nhật ngày: 14/12/2011 - 10:37

Phiên họp thứ tư Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 14.12 về dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không thể có cơ quan nào làm hết mọi việc về phòng, chống rửa tiền mà cần quy định rõ trách nhiệm cho các cơ quan liên quan để cùng phối hợp thực hiện.

Mục 2 của chương 3 dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền quy định cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có chức năng thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin có nghi ngờ về rửa tiền cho cơ quan điều tra liên quan. Nhiều ý kiến của Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) không đồng tình và cho rằng NHNN chỉ cần lập một trung tâm thông tin để thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin cho cơ quan điều tra thực hiện xác minh, truy tố.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng khái niệm “phòng, chống” rửa tiền rất rộng, không chỉ thu thập, xác minh thông tin mà còn phải xử lý hành vi rửa tiền nữa. Nhiều ý kiến cũng đồng tình và cho rằng NHNN không thể điểu tra xử lý được.

Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn tiếp thu và giải trình rõ hơn rằng NHNN chỉ phát hiện và chuyển giao cho cơ quan điều tra chứ không thực thi pháp luật về việc này. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu - thành viên cơ quan thẩm tra dự Luật này cho biết, dự Luật cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan (NHNN, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao) trong phòng, chống rửa tiền.

Về phạm vi điều chỉnh, các ý kiến đều đồng ý dự Luật chỉ quy định phòng, chống rửa tiền và chỉ dành một số quy định đề cập mang tính nguyên tắc về hành vi tài trợ khủng bố mà không điều chỉnh cụ thể hành vi tài trợ khủng bố. Tài trợ khủng bố cụ thể ra sao sẽ do Luật phòng, chống khủng bố sắp tới quy định.

Đối với quy định phòng, phống cá nhân có ảnh hưởng chính trị rửa tiền, dự luật chỉ quy định về đối tượng cá nhân có ảnh hưởng chính trị là người nước ngoài. Phó Thống đốc Trần Minh Tuấn cho biết quy định này là phù hợp tối thiểu với yêu cầu của quốc tế. Còn cá nhân trong nước có ảnh hưởng chính trị mà rửa tiền đã có Luật pháp khác trong nước quy định.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi. UBTVQH đã thống nhất luật chỉ nhận tiền gửi cá nhân chứ không nhận tiền gửi của tổ chức, doanh nghiệp (như dự thảo luật). Về mô hình tổ chức tiền gửi sẽ là tổ chức công ích, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tổ chức Bảo hiểm tiền gửi cần mở rộng chức năng giám sát chứ không chỉ đơn thuần là giám sát từ xa và tham gia quá trình thanh lý, xử lý tài sản như dự luật quy định.

UBTVQH cũng thống nhất chỉ bảo hiểm tiền gửi là đồng Việt Nam (trong khi tại Quốc hội có 49 ý kiến đại biểu đề nghị bảo hiểm cả ngoại tệ và vàng).

Về phí bảo hiểm tiền gửi, giao Thủ tướng quy định và có thể bổ sung nguyên tắc tính phí bảo hiểm tiền gửi vào dự luật. Tuy nhiên về lâu dài cần phải đánh giá rủi ro các tổ chức tín dụng để áp dụng mức phí khác nhau, ví dụ tổ chức tốt thì mức phí phải cao hơn...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Uỷ ban Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để giải trình thuyết phục những vấn đề còn khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi để Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Theo chinhphu.vn