BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBTVQH xem xét sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính ở các địa phương 

Cập nhật ngày: 17/12/2019 - 15:37

Tại phiên họp thứ 40 diễn ra vào sáng 17/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của các tỉnh: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đắk Nông.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập các ĐVHC đô thị của các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đắk Nông đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Cụ thể, trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019-2021, UBND các tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án chi tiết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan; HĐND các cấp của các tỉnh đã họp và đều tán thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019-2021.

Các nội dung đề nghị thành lập các ĐVHC đô thị của một số tỉnh cũng đã bảo đảm đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

UBND các tỉnh nêu trên có Tờ trình kèm theo hồ sơ đề án trình Chính phủ. Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định, báo cáo Chính phủ xem xét. Chính phủ đã thông qua và có các Tờ trình kèm theo hồ sơ đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với việc bổ sung hồ sơ đề án của tỉnh Hòa Bình, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc thành lập phường Kỳ Sơn thuộc thành phố Hòa Bình cũng đã bảo đảm cơ sở pháp lý cho chủ trương nhập nguyên trạng huyện Kỳ Sơn với thành phố Hòa Bình. Đối với việc phường Kỳ Sơn sau khi được thành lập không liền kề với khu vực nội thành hiện nay của thành phố Hòa Bình (ngăn cách bởi xã Trung Minh rồi mới đến trung tâm thành phố Hòa Bình), pháp luật hiện hành không quy định các phường thuộc thành phố thuộc tỉnh phải liền kề nhau và thực tế tại một số thành phố, thị xã của nước ta hiện nay vẫn còn hiện trạng giữa các phường cũng có sự ngăn cách bởi các xã, như: thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên)...

Mặt khác, hiện nay UBND tỉnh Hòa Bình đang xây dựng đề án thành lập phường Trung Minh trên cơ sở nguyên trạng xã Trung Minh. Vì vậy, trong thời gian tới khi đề án thành lập phường Trung Minh được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sẽ bảo đảm vị trí của phường Kỳ Sơn liền kề với khu vực nội thành của thành phố Hòa Bình. Do đó, Chính phủ thống nhất với các giải trình và đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình về thành lập phường Kỳ Sơn nêu trên.

Đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng các tỉnh đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này và các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp nhưng vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, căn cứ các Khoản 2, 3 Điều 2 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, tại hồ sơ đề án của các tỉnh cũng đã giải trình rất chi tiết các lý do chưa tiến hành sắp xếp một số ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 hoặc khi thực hiện sắp xếp nhưng ĐVHC mới hình thành chưa đạt tiêu chuẩn mà không thể nhập thêm ĐVHC cùng cấp khác liền kề nhằm tăng quy mô diện tích tự nhiên, dân số để đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Chính phủ xét thấy giải trình của UBND các tỉnh là phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của các địa phương.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hữu qua tham dự phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, đề án của các tỉnh đã nêu chi tiết các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Trong đó, mặc dù Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chậm nhất 05 năm sau sắp xếp thì số lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên chế cán bộ, công chức tại các ĐVHC mới phải bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên, đề án của các tỉnh đều phấn đấu việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết dôi dư sẽ hoàn thành trước năm 2022.

Về việc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ đề án của các tỉnh, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bổ sung hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập một số ĐVHC đô thị của các tỉnh nêu trên.

Báo cáo thẩm tra đối với vấn đề nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 13/12/2019, Ủy ban Pháp luật đã có 12 Báo cáo thẩm tra 11 Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) của các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đề án thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông theo 12 Tờ trình của Chính phủ. 

Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh này, đã giảm được 2 ĐVHC cấp huyện và 182 ĐVHC cấp xã.

Qua xem xét hồ sơ, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của UBTVQH và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỉ lệ tán thành cao.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách của các tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.

Tại phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã nêu một số ý kiến đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh giải trình, báo cáo làm rõ thêm về từng nội dung của các Đề án.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban này đối với Chính phủ và chính quyền địa phương, trong đó đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC, hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các ĐVHC mới được sắp xếp phát triển mọi mặt về kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Đồng thời, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn có thời gian cho công tác chuẩn bị, rà soát, hướng dẫn việc thay đổi tên gọi, con dấu, giấy tờ có liên quan.

Cùng với đó là đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý việc chỉ đạo, hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách ở những ĐVHC liên quan đến việc sắp xếp.

Đề nghị Chính phủ và chính quyền các tỉnh cần có chương trình, kế hoạch đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị tại các ĐVHC ở đô thị mới được thành lập để không ảnh hưởng đến chất lượng đô thị chung của quốc gia; cần có nghiên cứu, chỉ đạo để các địa phương sắp xếp, điều chỉnh hợp lý để hình thành các ĐVHC ở đô thị (nhất là các thị trấn) vừa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số nhưng cũng phải bảo đảm các nguồn lực cần thiết để phát triển đô thị trong tương lai.

Ngoài ra để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các đề án sắp xếp ĐVHC trong năm 2019 theo kế hoạch của Trung ương, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án của các tỉnh còn lại (dự kiến khoảng 25 tỉnh) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong tháng 12/2019, chậm nhất là tháng 1/2019./.

Nguồn chinhphu


  • Kết quả SXMT nhanh nhất