Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ủng hộ giữ mức đóng 2% kinh phí Công đoàn
Chủ nhật: 08:50 ngày 09/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định mức đóng 2% kinh phí Công đoàn bởi hầu hết số tiền thu được dành để chăm lo trực tiếp cho người lao động

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, ngày 8-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và các dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Chi 84% trực tiếp cho NLĐ

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) được thực hiện từ năm 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho NLĐ, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, NLĐ.

Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường cho rằng việc duy trì kinh phí Công đoàn trong mấy thập niên qua đã tương đối ổn định, bảo đảm việc vận hành bộ máy Công đoàn không phụ thuộc vào ngân sách. Mức thu này cũng không có tác động lớn đối với doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). "Việc duy trì cũng bảo đảm theo đúng kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến vấn đề này; bảo đảm nguồn lực để Công đoàn thu hút, tập hợp đông đảo NLĐ đến với tổ chức. Đồng thời, phương án phân chia được Công đoàn tính toán rất hợp lý" - ông Cường nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nêu quan điểm về kinh phí Công đoàn. Ảnh: VĂN DUẨN

ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, khẳng định bà hoàn toàn ủng hộ duy trì quy định này. Theo ĐB Thúy, nếu chúng ta nhìn lại quá trình suốt gần 3 năm đất nước chống chọi với đại dịch COVID-19 thì số tiền Công đoàn đưa ra để cùng với DN, cùng với nhà nước chăm lo và hỗ trợ cho NLĐ là rất lớn. Tại TP HCM, trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, tổ chức Công đoàn thành phố nhận được khoản hỗ trợ và khoản cho phép chi của tổ chức Công đoàn Việt Nam hơn 400-500 tỉ đồng để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, kể cả nhóm đoàn viên bị mất việc, DN bị thiệt hại do dịch bệnh và giãn, giảm không có việc làm. Dẫn chứng thực tiễn chăm lo này, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh quan điểm: "Việc duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2% là hợp lý và bảo đảm đủ điều kiện để tiếp tục cơ chế, chính sách để Công đoàn cùng với Đảng và Nhà nước, cùng chính quyền địa phương chăm lo cho NLĐ tại các đơn vị, địa phương".

Tham gia ý kiến tại tổ và làm rõ một số nội dung ĐB quan tâm, ĐB Nguyễn Đình Khang (đoàn Ninh Thuận), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết kinh phí Công đoàn được để lại cho Công đoàn cơ sở là 75% để chăm lo trực tiếp cho đoàn viên, NLĐ; 25% còn lại phân bổ cho 3 cấp Công đoàn, gồm: cấp trên trực tiếp của Công đoàn cơ sở, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

Tuy nhiên, theo ông Khang, thực chất số kinh phí phân phối cho cấp trên trực tiếp của CĐCS cũng quay trở lại chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Thực tế có một số CĐCS được phân phối 75% nhưng không đủ chi cho các hoạt động, đã được Công đoàn cấp trên trực tiếp điều tiết, cấp bổ sung. Vì thế, qua tính toán thực tế, kinh phí chi trực tiếp cho NLĐ lên tới khoảng gần 84%, số còn lại là chi tiêu cho 3 cấp Công đoàn còn lại. Điều này đồng nghĩa kinh phí Công đoàn về cơ bản là để chăm lo trực tiếp cho NLĐ.

Văn hóa dân tộc là cốt lõi

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá đây là việc cần thiết, mong muốn nghị quyết sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Đi vào nội dung cụ thể, ĐB Phan Văn Mãi cho rằng dự thảo đang có cách tiếp cận hơi ngược về nguồn lực để thực hiện chương trình. Theo ông, nguồn lực phát triển văn hóa phải là nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực ngân sách, chứ không phải là lấy ngân sách Trung ương là 70%, ngân sách địa phương khoảng 30% để thực hiện. "Việc chỉ phát huy nguồn lực ngoài ngân sách khoảng 15% là rất ít. Làm như vậy là ngược. Đáng ra, nguồn lực xã hội phải là 70%, nguồn lực ngân sách 30%. Trong 30% nguồn lực ngân sách, thì phân bổ ngân sách địa phương là 70%, ngân sách Trung ương 30%" - ông Phan Văn Mãi đề nghị.Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị cần phải "gia công" thêm để có thể huy động được nguồn lực bằng việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp.

Về việc đặt ra nội dung xây dựng các thiết chế văn hóa "tầm thế giới, tầm khu vực", ông Phan Văn Mãi lưu ý trong phát triển văn hóa phải chú ý bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Đây mới là sức mạnh nội sinh làm cho Việt Nam khác với các dân tộc khác, nền văn hóa khác. "Dù có phát triển đến trình độ nào đi nữa thì văn hóa dân tộc vẫn phải là cái nền, cái lõi của văn hóa Việt Nam" - Chủ tịch UBND TP HCM nêu quan điểm.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương lưu ý Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa phải tránh tình trạng dàn trải, chung chung, trùng lặp và nên tập trung vào các vấn đề: bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, thiết chế văn hóa và công nghiệp văn hóa. Lựa chọn những dự án trọng điểm nhất phải tạo được bước đột phá về phát triển văn hóa.

Từ ngày 9 đến hết ngày 16-6, QH nghỉ để các cơ quan của QH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. QH tiếp tục họp đợt 2 từ ngày 17-6. 

Thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Chiều 8-6, với đa số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, QH bổ sung Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết của QH quy định về việc giảm thuế GTGT vào chương trình. Những nội dung này dự kiến trình QH cho ý kiến và thông qua tại đợt 2 kỳ họp thứ 7 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Nguồn NLDO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục