Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trảng Bàng:
Ước mơ trở thành thành phố thuộc tỉnh
Thứ ba: 21:21 ngày 10/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thị trấn Trảng Bàng đạt chuẩn đô thị loại IV, là điểm nhấn của đô thị Trảng Bàng trong tương lai, là cơ hội thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển đô thị, là cơ sở nền tảng cho việc nâng cấp huyện Trảng Bàng thành thị xã. Không chỉ dừng lại ở thành lập thị xã, bước tiếp theo sẽ thành lập thành phố Trảng Bàng thuộc tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc (bìa phải) trao quyết định công nhận đô thị loại IV cho lãnh đạo thị trấn Trảng Bàng.

Những ngày cuối năm, có dịp đi qua thị trấn Trảng Bàng, ai cũng thấy có nhiều công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dễ nhìn thấy nhất là việc xây dựng dải phân cách trên quốc lộ 22 đoạn qua Thị trấn. Ở khu vực gần chợ mới Trảng Bàng cặp bên tỉnh lộ 787A đường về xã An Hoà, nhà đầu tư tiến hành khởi công xây dựng khu phố thương mại. Ngoài ra, còn nhiều công trình chỉnh trang đô thị đã được triển khai xây dựng trong năm 2016, tiếp tục thi công trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Huyện Trảng Bàng đã và đang tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị hướng đến nâng cấp huyện trở thành thị xã vào năm 2018- 2020 và trở thành thành phố thuộc tỉnh vào giai đoạn 2025-2030.

Việc xây dựng dải phân cách đoạn quốc lộ 22 qua trung tâm thị trấn Trảng Bàng (đoạn đường được phân cấp cho huyện Trảng Bàng quản lý) vừa phân luồng bảo đảm an toàn giao thông, vừa chỉnh trang tạo vẻ mỹ quan đô thị trên lộ trình nâng cấp thị trấn Trảng Bàng lên thị xã. Đây là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV, dài gần 3km, từ “cua Ngân hàng” qua trung tâm thị trấn Trảng Bàng đến ngã ba đường tránh Xuyên Á. Phần giữa dải phân cách đắp đất màu để trồng cây bụi thấp tạo cảnh. Toàn bộ dải phân cách được sơn hai màu trắng, đỏ. Để bảo đảm an toàn giao thông, ở hai đầu dải có đặt biển báo theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Giữa dải phân cách được lắp đặt đèn cao áp chiếu sáng…

Trong tháng 10.2016, tại khu phố Lộc An, thị trấn Trảng Bàng, doanh nghiệp tư nhân Mai Anh khởi công xây dựng công trình khu phố thương mại Mai Anh. Khu phố này được xây dựng trên diện tích 20.672,3m2. Công trình được xây dựng gồm 140 căn hộ, với quy mô dân số khoảng 560- 600 người. Khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác góp phần không nhỏ thay đổi diện mạo của tỉnh nhà nói chung, huyện Trảng Bàng nói riêng và tạo việc làm cho người lao động.

Dự án khu phố thương mại thị trấn Trảng Bàng, với không gian quy hoạch gồm 3 nhóm: đất nhà liên kế gồm thương mại và ở; đất công viên cây xanh và đất giao thông. Dự án này khi hoàn thành sẽ là khu dân cư ở trung tâm xanh, sạch đẹp, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Từ đó tạo điểm nhấn về quy hoạch đô thị cho trung tâm huyện, kết hợp khu thương mại dịch vụ và vui chơi thiếu nhi, tạo nên quần thể công trình trung tâm của huyện Trảng Bàng.

Ngoài ra, trong năm 2016 và những năm trước đó liên tiếp nhiều công trình chỉnh trang đô thị thị trấn Trảng Bàng được huyện đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng, làm cho kinh tế-xã hội ngày càng phát triển và diện mạo thị trấn Trảng Bàng nhanh chóng đổi thay.

Vào giữa năm 2016, thị trấn Trảng Bàng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV. Phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định công nhận thị trấn Trảng Bàng đạt đô thị loại IV, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng Trần Văn Minh cho biết, thị trấn Trảng Bàng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế-văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật của huyện Trảng Bàng. Việc nâng cấp thị trấn Trảng Bàng lên đô thị loại IV sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển lan toả sang các xã xung quanh của huyện.

Ngay khi có chủ trương nâng cấp thị trấn Trảng Bàng lên đô thị loại IV, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn đã đoàn kết một lòng chung tay góp sức, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, nâng cấp đường giao thông, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, lát gạch vỉa hè, chỉnh trang bộ mặt Thị trấn.

Nhiều dự án công trình được huyện đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư trên địa bàn Thị trấn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy được hiệu quả, như: Công viên 29/4; công viên-quảng trường trước UBND huyện; siêu thị Co.opMart; khu phố thương mại; khu dân cư tái định cư; bê tông nhựa các tuyến đường…

Từ đó, đã góp phần tạo nên diện mạo khởi sắc của một đô thị đầy sức sống đang từng bước phát triển. Thị trấn Trảng Bàng đạt chuẩn đô thị loại IV, là điểm nhấn của đô thị Trảng Bàng trong tương lai, là cơ hội thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển đô thị, là cơ sở nền tảng cho việc nâng cấp huyện Trảng Bàng thành thị xã.

Không chỉ dừng lại ở thành lập thị xã, bước tiếp theo sẽ thành lập thành phố Trảng Bàng thuộc tỉnh. Theo đồ án quy hoạch chung đô thị Trảng Bàng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 UBND huyện Trảng Bàng, mục tiêu chung của việc lập quy hoạch đô thị là xây dựng huyện Trảng Bàng thành đô thị loại IV giai đoạn 2016-2020 và nâng cấp huyện trở thành thị xã vào năm 2018-2020; đô thị loại III vào năm 2025 và nâng cấp thành thành phố thuộc tỉnh vào giai đoạn 2025- 2030.

Mục tiêu chung xác định xây dựng huyện Trảng Bàng thành đô thị sinh thái, trung tâm công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp kỹ thuật cao, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống; cửa ngõ nối kết giữa tỉnh Tây Ninh với thành phố Hồ Chí Minh; bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ vai trò là một trục cực tăng trưởng lớn phía Nam của tỉnh.

Đô thị Trảng Bàng sẽ là khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ thông qua các hoạt động về công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, về thương mại- dịch vụ cửa  ngõ và khu kinh tế cửa khẩu. Đô thị Trảng Bàng sẽ là nơi hấp dẫn đầu tư, đô thị có môi trường sống tốt, môi trường kinh doanh làm việc thuận lợi, có sức hấp dẫn, thu hút lao động…

Đô thị Trảng Bàng phát triển theo mô hình đa cực tích hợp 3 khu vực và 3 hành lang kinh tế. Ba khu vực kinh tế gồm: Khu vực I: là khu đô thị trung tâm nội thị, gồm thị trấn Trảng Bàng và mở rộng ra 5 xã Gia Lộc, Gia Bình, An Hoà, An Tịnh và Lộc Hưng. Đây là trung tâm kinh tế, chính trị thương mại-dịch vụ, công nghiệp của toàn huyện. Tổng diện tích khoảng 15.457,4 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 4.296,5 ha. Tổng dân số khoảng 171.400 người.

Khu vực II, gồm 3 xã Bình Thạnh, Phước Lưu, Phước Chỉ, với hạt nhân là trung tâm Bình Thạnh- Phước Lưu kết hợp với khu cửa khẩu Cầu Ông Sải; với diện tích khoảng 8.284 ha, trong đó đất xây dựng nông thôn khoảng 625 ha; tổng dân số khoảng 44.510 người.

Khu vực III, thuộc các xã Đôn Thuận và Hưng Thuận. Phát triển trung tâm các xã, một phần Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời và vùng nông-lâm nghiệp tập trung, với tổng diện tích đất khoảng 10.274 ha, trong đó đất xây dựng khoảng 2.486 ha; tổng dân số khoảng 32.380 người.

Ba hành lang kinh tế gồm: hành lang Xuyên Á- theo đường cao tốc Mộc Bài - thành phố Hồ Chí Minh, hay quốc lộ 22 nối thành phố Hồ Chí Minh với cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát đi Campuchia; hành lang kinh tế biên giới theo quốc lộ 14C và hành lang Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây theo đường Hồ Chí Minh giai đoạn III.

Văn nghệ chào mừng lễ công bố thị trấn Trảng Bàng là đô thị loại IV.

Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư trong mô hình trên là: chương trình phát triển đô thị, lập quy hoạch phân khu và các quy hoạch chi tiết phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đô thị, lập dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư nông thôn; xây dựng và ban hành các quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc. Tiến hành xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật giai đoạn đầu về giao thông, chuẩn bị kỹ thuật, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải; xúc tiến đầu tư triển khai các dự án. Về giao thông, nâng cấp mạng lưới giao thông đối ngoại, gồm quốc lộ 22, quốc lộ 14C, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường tỉnh; xây dựng tuyến đường vành đai đô thị. Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông chính đô thị. San lấp nền xây dựng và hoàn thiện mạng lưới thoát nước mặt, cải tạo hệ thống rạch Trảng Bàng, rạch Trưởng Chừa. Xây dựng nhà máy nước Phước Đông, với công suất 30.000m3/ngày đêm, nhà máy nước Trảng Bàng, với công suất 100.000m3/ngày đêm và nhà máy nước Đại An- Sài Gòn, có công suất 17.000m3/ngày đêm. Xây dựng các tuyến ống chính D200, D300, D400 theo trục lộ giao thông chính. Về cấp điện: xây mới trạm biến áp 110kV An Hoà; xây mới tuyến 110kV từ trạm 220kV Trảng Bàng- An Hoà; xây mới mạch 2 tuyến 220kV Trảng Bàng- Tây Ninh 2 và mạch 2 tuyến 110kV từ trạm 220kV Trảng Bàng-110kV Trảng Bàng- Khu công nghiệp Trảng Bàng. Về thoát nước thải: xây dựng 6 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và các trạm xử lý nước thải của khu công nghiệp. Xúc tiến đầu tư, triển khai thực hiện các dự án trọng điểm; xây dựng và lấp đầy các khu công nghiệp; xây dựng các trung tâm chuyên ngành, các khu đô thị mới, các trục chính đô thị. Được biết, tổng nhu cầu đầu tư xây dựng đô thị Trảng Bàng lên đô thị loại III là 1.834 tỷ đồng.

Lộ trình đô thị hoá huyện Trảng Bàng nêu trên cho thấy, đích đến thành phố thuộc tỉnh không còn xa lắm, chỉ 13 năm nữa thôi. Muốn biến ước mơ thành hiện thực, Trảng Bàng cần tăng tốc phát triển thật nhanh. Điều này không chỉ đòi hỏi địa phương phải toàn tâm, toàn ý, hết sức nỗ lực phát huy nội lực, mà còn rất cần cấp trên tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa cho vùng đất giàu truyền thống, từng được mệnh danh “quê hương hai lần anh hùng”.

N.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục