Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ để doanh nghiệp, khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Chiều 5.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.
Các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và những diễn biến bất lợi của kinh tế, thiên tai, dịch bệnh trong nước, việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực. Lạm phát đã có xu hướng giảm, xuất khẩu và thị trường hàng hóa trên đà tăng mạnh; thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách Nhà nước giảm, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; tăng trưởng kinh tế đạt mức hợp lý; an sinh xã hội được chú trọng. Đây là những kết quả bước đầu đáng mừng.
Đi vào từng vấn đề cụ thể, nhiều đại biểu tập trung phân tích về tình trạng lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, mặt bằng lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh...
Doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho rằng, nguy cơ lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2011. Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, trong đó tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội là đúng đắn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát cũng làm nảy sinh những vấn đề đáng quan tâm. Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế tăng trưởng tín dụng và điều chỉnh lãi suất ở mức cao đã làm cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn, nên gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Lãi suất quá cao đã làm cho nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động, dẫn đến đời sống của công nhân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị, Chính phủ cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp trong đó cần quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện. Có chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, giải quyết những vấn đề bất hợp lý trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đại biểu cũng đề nghị cần giảm mặt bằng lãi suất một cách phù hợp, bằng những giải pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư, đầu vào của các tổ chức tín dụng. Chính phủ cần có chính sách thoả đáng hỗ trợ, không để hàng loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổ vỡ.
Cũng cho rằng, do mặt bằng lãi suất quá cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, đây là vấn đề Chính phủ cần nghiên cứu để khắc phục. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay, nếu quy định dư nợ tín dụng dưới 20% thì các doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng đề nghị, trong các nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra cho 6 tháng cuối năm, cần bổ sung thêm nhóm giải pháp kích cầu. Theo đại biểu, khi chúng ta thực hiện chính sách thặt chặt tiền tệ, chắc chắn đến cuối năm, kinh tế sẽ suy giảm. Đã suy giảm thì cần phải có gói kích cầu, nếu không các doanh nghiệp và người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nếu có gói kích cầu, đại biểu đề nghị cần tập trung vào việc khoanh nợ, giãn nợ cho người nông dân và doanh nghiệp. Gói kích cầu cần tập trung vào việc đầu tư cho vay mới để họ tập trung phát triển sản xuất.
Rà soát việc cắt giảm đầu tư công
Đại biểu Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) nêu vấn đề, việc cắt giảm vốn đầu tư của Nhà nước đối với công trình xây dựng cơ bản vẫn còn tình trạng cắt giảm bình quân, chưa xác định rõ tiêu chí. Đa số các địa phương đều có sự phản ảnh, nhiều công trình đang thi công bị cắt giảm gây lãng phí và ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đối với các công trình, dự án nhóm B, nhóm C bức thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ trực tiếp dân sinh, nếu đang thi công dở dang thì vẫn cấp vốn để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đại biểu cũng đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ kiên quyết không đầu tư các công trình dàn trải, không bức thiết, kém hiệu quả, đồng thời nghiên cứu, giữ vững tổng mức đầu tư xã hội khoảng 35% GDP như các chuyên gia khuyến cáo.
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị, việc cắt giảm đầu tư công cần theo hướng kiềm chế lạm phát, nhưng tránh đình đốn. Chính phủ cần tiếp tục chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến dân sinh, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, nên tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông nông thôn.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, khi chúng ta cắt giảm đầu tư nhanh, trong điều kiện các chi phí đã bỏ ra, các khoản mà doanh nghiệp phải giải quyết hậu quả sau khi cắt giảm sẽ đẻ ra rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để giải quyết ngay.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, cử tri rất kỳ vọng vào tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ khi lựa chọn đúng 3 giải pháp đột phá, cũng như các vấn đề của các tân Bộ trưởng mới được Quốc hội phê chuẩn đã nêu ra, trong đó có rất nhiều ý tưởng mới. Theo đại biểu, nếu những ý tưởng này được triển khai nhanh, có hệ thống thì sẽ có tác dụng ngay đối với kinh tế-xã hội năm nay, đồng thời tạo tiền đề cho những năm tới. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng nên cụ thể hoá những ý tưởng đã nêu ra bằng các chương trình dài hạn, lộ trình cụ thể. Trong đó ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay nhằm mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra là biến Chính phủ từ cơ quan điều hành cụ thể chuyển dần sang là cơ quan kiến tạo phát triển, giúp cho đất nước vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.
Ngoài các vấn đề tập trung cho phát triển kinh tế, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành và thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách và người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong quá trình phát triển đất nước.
Sáng 6.8, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.
(Theo VOV)