Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trưởng đoàn ĐBQH Phạm Hùng Thái kiến nghị Chính phủ:
Ưu tiên tiếp tục bố trí vốn cho đường tuần tra biên giới
Chủ nhật: 01:23 ngày 25/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 24.7, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 4 thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Ông Phạm Hùng Thái-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu trong phiên thảo luận tổ ngày 24.7

Thảo luận về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Chính phủ ưu tiên, rà soát lại việc phân bổ nguồn vốn này cho các dự án mang tính chuyển tiếp.

Chẳng hạn, dự án đường Hồ Chí Minh đã triển khai một số đoạn tuyến, hiện nay còn khoảng 74km qua 4 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh để kết nối vùng với các tỉnh miền Tây Nam bộ; năm 2011 đã triển khai một số đoạn, hạng mục qua Tây Ninh đã đền bù, giải phóng mặt bằng thậm chí thi công về hạ tầng như cầu vượt nhưng phải dừng lại do một số tác động, nay cần ưu tiên tiếp tục kết nối, tránh tình trạng lãng phí, không phát huy được hiệu quả công trình, các hạng mục xuống cấp.

Về đường tuần tra biên giới, có một số tuyến chưa đảm bảo thông suốt cần rà soát để bổ sung. Trước đây thực hiện dở dang do chưa phân giới, cắm mốc, hiện một số đoạn đã được phân giới, cắm mốc. Đại biểu Phạm Hùng Thái đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng rà soát, tiếp tục ưu tiên bố trí vốn cho những đoạn này, nhằm phát huy hiệu quả của dự án đường tuần tra biên giới.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, để khắc phục những hạn chế yếu kém trong đầu tư công, cần chấn chỉnh tình trạng lãng phí như chậm giải ngân, giải ngân nhiều lần; phê duyệt dự án nhưng chưa cân đối được vốn hoặc đầu tư dàn trải, dự án kéo dài, thiếu đồng bộ, thiếu khả thi.

Đồng thời, khắc phục tình trạng đội vốn, tăng vốn thực hiện dự án do xây dựng kế hoạch không sát (ví dụ như việc chuyển vốn từ PPP sang vốn ngân sách nhà nước của dự án đương cao tốc); khắc phục cho được tình trạng kém hiệu quả, kém chất lượng của các công trình đầu tư công; đảm bảo tính khách quan, khoa học sát với đòi hỏi phát triển kinh tế xã hội: công khai, minh bạch, xoá bỏ sự áp đặt thiếu tính khoa học; xoá bỏ cơ chế xin cho, chạy dự án, chạy vốn.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả đầu tư công như kịp thời ban hành các quy định để tháo gỡ các vướng mắc; quy định chặt chẽ để các dự án đầu tư có tính khả thi cao, tránh chuẩn bị đầu tư không tốt năng lực nhà thầu không đảm bảo, hiện tượng chuyển nhượng thầu; cần tập trung các dự án có tính lan tỏa, có động lực phát triển; tăng cường đầu tư tư nhân, có chính sách khuyến khích để đầu tư hiệu quả nhất là lĩnh vực hạ tầng đường bộ, đường sắt.

Nâng cao nâng lực quản lý đầu tư công, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam trong giám sát cộng đồng và giám sát của các cơ quan dân cử.

Ông Huỳnh Thanh Phương nói thêm, cần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và làm rõ vì sao Việt Nam có đến 70% quỹ đất dành cho nông nghiệp nhưng việc phát triển lĩnh vực này chưa mang lại hiệu quả.

Đại biểu cũng đề nghị đánh giá lại hiệu quả, chất lượng của đường tuần tra biên giới để tiếp tục đầu tư các tuyến còn lại.

Phát biểu về nội dung báo cáo quyết toán năm 2019, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng năm 2019 là năm ngân sách đạt được nhiều kết quả khả quan, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện các kết luận kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, nhất là xử lý tài chính niên độ 2019 số tiền 61.761 tỷ đồng: tăng thu, giảm chi và xử lý tài chính khác; việc điều chỉnh số liệu quyết toán chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Đại biểu đề nghị nghiêm túc giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí bảo vệ môi trường, chi sự nghiệp khoa học công nghệ đã được ưu tiên bố trí dự toán chi; khắc phục tình trạng chi chuyển nguồn quá cao và liên tục hàng năm: năm 2019 gần 600 ngàn tỷ đồng, bằng 38,8% tổng chi ngân sách nhà nước do giải ngân vốn đầu tư chậm, dự toán không sát; chấn chỉnh công tác quản lý tài chính công, tài sản công, chi tiêu công: như xe, nhà đất của các cơ quan trung ương ở địa phương; giao vốn cho dự án ở địa phương chưa phù hợp phạm vi đối tượng của chương trình 266,397 tỷ đồng, dự toán thu, chi không sát, giải ngân vốn chậm; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu trong phiên thảo luận tổ ngày 24.7

Bố trí dự toán năm cho các dự án chưa đủ điều kiện (dẫn đến dự toán chi đầu tư phát triển chưa phân bổ 16.861 tỷ đồng); giao kế hoạch vốn nhiều lần, chậm sau thời điểm 10/12/2018 chưa phù hợp khoản 6, Điều 66 Luật đầu tư công.

Chi đầu tư Ngân sách từ nguồn vốn nước ngoài giảm, đạt tỷ lệ thấp làm ảnh hưởng uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ và làm tăng chi phí quản lý vốn vay; Chi đầu tư phát triển từ ngân sách đạt 60%, đây là bất cập nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Đại biểu Phương cũng băn khoăn vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản với giá trị lớn, thậm chí phát sinh nợ mới, điều này vi phạm quy định của Luật Đầu tư công.

Bội chi ngân sách nhà nước giảm, tuy nhiên bội chi ngân sách còn do giải ngân vốn đầu tư chậm, đặc biệt là giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi; dự toán chi chưa sát; đây vừa là ưu điểm cũng vừa là khuyết điểm, Chính phủ nên có giải pháp phù hợp hơn.

Trong phiên họp ngày 24.7.2021, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh cũng đã quyên góp, ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19.

Chiều 24.7, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên phạm vi cả nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình kỳ họp để lãnh đạo các địa phương có thời gian tập trung chống dịch bệnh.

Theo đó, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nhất trí giảm 1 ngày thảo luận tại Hội trường về đầu tư công, ngân sách tài chính, chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phiên họp thêm các nội dung họp sau 11 giờ 30 buổi trưa và tiếp tục làm việc sau 17 giờ hằng ngày với các nội dung quan trọng về nhân sự và nhiều nội dung quan trọng khác.

Quốc hội cũng tiến hành họp liên tục vào 2 ngày cuối tuần, thay vì nghỉ chủ nhật như dự kiến chương trình làm việc thông qua đầu kỳ họp.

Như vậy, kỳ họp sẽ bế mạc sớm hơn dự kiến 3 ngày, vào ngày 28.7.

Với 95,59% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh ngày làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Kim Chi

(Từ Hà Nội)

 

 

Tin cùng chuyên mục