BAOTAYNINH.VN trên Google News

Uỷ ban thường vụ QH xem xét dự thảo Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại

Cập nhật ngày: 12/10/2011 - 10:00

Sáng 12.10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với phần đóng góp ý kiến vào dự án Luật Khiếu nại. Trong phần thảo luận, các đại biểu tập trung vào vấn đề khiếu nại đông người và tiếp công dân.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Trong Luật Khiếu nại, cần  nói rõ là khiếu nại nhiều người chứ không nên viết là đông người. Một vụ việc mà có nhiều khiếu nại thì cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại chỉ tiếp nhận đơn một lần, chứ không nên tiếp nhận nhiều đơn cùng một lúc. Trong khiếu nại đông người, người khiếu nại cần xuất trình giấy tờ tuỳ thân, đơn khiếu nại.

Về vấn đề tiếp công dân, ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng thanh tra Chính phủ nêu ý kiến: Nếu một vụ việc mà có nhiều người đến khiếu nại thì cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại nên yêu cầu chỉ một người dân đại diện đứng ra khiếu nại, không nên để nhiều người cùng vào cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại một lúc, vì sẽ gây ra hiện tượng mất an ninh trật tự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, trong Luật Khiếu nại cần quy định cơ quan, địa phương nêu rõ trụ sở, địa điểm, thời gian cụ thể để tiếp công dân. Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị, cần quy định cụ thể địa chỉ, địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý các vấn đề mà dân khiếu nại, tố cáo.  

Luật khiếu nại sẽ được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây. Ảnh minh họa

Cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại của công dân cần thông báo sau bao nhiêu ngày là có kết quả trả lời về vụ việc khiếu nại, chứ không hứa hẹn “suông” hoặc đến hẹn mà không thấy có trả lời, khiến người dân cảm thấy bức xúc và lại gửi đơn thư khiếu nại liên tiếp.

Cơ quan có thẩm quyền cần phải có trách nhiệm trả lời đơn, thư tố cáo, khiếu nại, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của dân. Điều này cũng sẽ hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. Đó là ý kiến của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp kiến nghị: Trong Luật Khiếu nại cần quy định rõ người dân muốn khiếu nại vấn đề gì thì phải đến đúng địa chỉ, cơ quan tiếp nhận đơn, khiếu nại. Đơn khiếu nại không thể gửi đi lung tung, tuỳ tiện ở nhiều cơ quan.

Cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại của dân phải có trách nhiệm gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền trả lời đơn khiếu nại và theo dõi sự phản hồi của cơ quan trả lời đơn khiếu nại đó. Cần thông báo cụ thể vấn đề khiếu nại đó sẽ có kết quả trả lời trong thời gian ít nhất là bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng… Khi có kết quả trả lời đơn, thư khiếu nại, cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại cần thông báo sớm nhất cho người dân, tránh hiện tượng cán bộ, nhân viên cố tình găm giữ kết quả, gây khó khăn cho dân, dẫn đến khiếu nại vượt cấp, gây mất thời gian, kinh phí, bức xúc trong nhân dân.

Chiều 12.10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc với phần cho ý kiến vào Luật Tố cáo.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Tố cáo, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, UB Thường vụ cho biết, rất nhiều ý kiến tán thành bổ sung hình thức gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng tài liệu nghe được, nhìn được đến các địa chỉ, số điện thoại tiếp nhận tố cáo đã được niêm yết theo quy định của đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

UB Thường vụ Quốc hội nhận định việc bổ sung các hình thức tố cáo này là phù hợp. Khi tiếp nhận tố cáo theo bất cứ hình thức nào, cơ quan có thẩm quyền đều phải tiến hành việc xem xét, đánh giá bước đầu các thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo như đối với đơn tố cáo hiện nay.

Tố cáo bằng hình thức thư điện tử, fax, điện thoại cũng đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng. Trên thực tế, một số hình thức như tố cáo qua điện thoại (đường dây nóng) đang được áp dụng tại nhiều cơ quan, tổ chức và phát huy hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật Tố cáo vẫn có ý kiến băn khoăn việc bổ sung các hình thức tố cáo này dễ bị lợi dụng để phát tán đơn thư, thông tin về việc tố cáo, đưa thông tin về tố cáo lên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác, nhất là lãnh đạo Đảng, nhà nước; có thể làm tăng khối lượng đơn thư tố cáo cần giải quyết, gây áp lực hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Bác bỏ lo ngại này, UB Thường vụ Quốc hội phân tích, những hành vi lợi dụng quyền tố cáo vào những mục đích nêu trên vẫn diễn ra ngay cả khi luật không có quy định về tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử. Để hạn chế và tiến đến ngăn chặn tình trạng này thì pháp luật cần có quy định nghiêm cấm các hình thức lợi dụng quyền tố cáo.

Vì vậy, UB Thường vụ đề nghị Quốc hội cho bổ sung thêm các hình thức tố cáo này như thể hiện trong dự luật.

Về nội dung tố cáo nặc danh, quan điểm của cơ quan thường trực Quốc hội lại bác bỏ dù nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế xem xét, xử lý đối với những tố cáo có nội dụng cụ thể, rõ ràng. Theo quan điểm này, cơ chế bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam hiện chưa hiệu quả nên chưa khuyến khích được công dân mạnh dạn đấu tranh một cách công khai, trực diện với tiêu cực. Nếu bỏ qua những tố cáo này có khả năng sẽ bỏ lọt hoặc xử lý không kịp thời đối với nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, UB Thường vụ giữ quan điểm quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, tránh hành vi lợi dụng.

UB Thường vụ Quốc hội cũng không chấp nhận đề xuất mở rộng quyền tố cáo cho cơ quan, tổ chức. Theo đó, nội dung này, dự thảo luật giữ nguyên quy định chỉ công dân có quyền tố cáo như đề xuất của Chính phủ.

* Cũng trong chiều 12.10, cho ý kiến về Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất giao cho Toà án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Tuy nhiên các đại biểu cũng băn khoăn rằng liệu với điều kiện, thẩm quyền của hệ thống toà án các cấp như hiện nay, liệu ngành Toà án có đủ khả năng đảm đương được công việc này?

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc giao cho Toà án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh là cần thiết nhưng phải có thời gian kiện toàn hệ thống Toà án ở cơ sở. Ông Giàu cho rằng, cần đặt lộ trình nếu áp dụng quy định này.

Đồng tình giao cho Toà án thẩm quyền trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị thêm dự án Luật cần có quy định thể hiện điều kiện thực thi chức năng này của Toà án, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, tránh oan sai.

Tán thành với đề xuất này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng việc quy định như vậy cũng là tương đối phù hợp vì hệ thống Toà án cơ sở đang khẩn trương được nâng thẩm quyền và trên thực tế số vụ việc phải quyết loại này không nhiều, ngành Toà án vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu.

Đưa ra sáng kiến nhận và được sự hưởng ứng từ các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện hiến kế, tiếp tục duy trì Hội đồng tư vấn quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như hiện nay với đầy đủ các thành phần chính quyền, đoàn thể để quyết định. Sau đó kết quả này được giao cho cơ quan Toà án cùng cấp để ra quyết định áp dụng.

Đồng ý với ý kiến của ông Hiện, cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hình thức này có thể đảm bảo tốt hơn tính khả thi, công khai minh bạch, phù hợp hơn với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Quyết định áp dụng biện pháp hành chính có đủ ý kiến của đoàn thể, chính quyền, nhân dân trong cộng đồng và ý kiến luật sư bảo vệ quyền lợi cho đương sự; đảm bảo công khai, dân chủ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu xây dựng dự án luật theo hướng này thì phải quy định rút gọn các thủ tục tố tụng, đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật được thuận lợi.

Xung quanh vấn đề có hay không nên bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc bỏ quy định này. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần có quy định bắt buộc khám chữa bệnh; trong trường hợp phát hiện có bệnh thì vẫn phải đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc để tránh làm lây lan ra cộng đồng.

Đề xuất quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương cũng nhận được sự đồng tình của các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Xung quanh vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Góp ý thêm với cơ quan soạn thảo dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị ngoài việc giao thẩm quyền xử phạt gấp đôi tại các địa phương này, dự thảo Luật cần phải kết hợp nhiều giải pháp như giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ nhận thức đối với người dân chứ không nên chỉ áp dụng mức xử phạt cao để giải quyết vấn đề.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị dự thảo Luật cần ghi cụ thể từng địa phương được áp dụng mức xử phạt loại này và trong những lĩnh vực nào, đồng thời nên quy định rõ giao Hội đồng Nhân dân địa phương đó tự xây dựng mức xử phạt trong khung mà Luật đã quy định.

Luật xử lý vi phạm hành chính là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt, có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản của công dân. Việc ban hành Luật này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; khắc phục những bất cập, tồn tại của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tổ chức, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay.

Qua thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa dự án Luật xử lý vi phạm hành chính vào các nội dung trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIII sắp tới.

(Theo VOV/chinhphu.vn)