BAOTAYNINH.VN trên Google News

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát cải cách TTHC lĩnh vực đất đai

Cập nhật ngày: 19/08/2010 - 10:54

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Bộ TNMT cần làm rõ những cải cách TTHC thời gian qua đã đáp ứng như thế nào so với yêu cầu của thực tiễn.

Sáng 19.8, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tiếp tục làm việc với Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về đánh giá kết quả thực hiện Đề án cải cách TTHC trong lĩnh vực quản lý đất đai của Bộ TNMT.

Đã cắt giảm, đơn giản hoá 14/85 TTHC và 5,2% chi phí

Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ TNMT Hoàng Mạnh Hiển cho biết, số lượng TTHC lĩnh vực đất đai tương đối nhiều. Thời gian qua, Bộ TNMT liên tục thống kê, rà soát, xem xét, giữ lại thủ tục thực sự cần thiết cho quản lý nhà nước, còn những TTHC rườm rà sẽ cắt bỏ, tạo sự  minh bạch, thuận lợi cho người dân.

“Chúng tôi cũng liên tục kiểm tra, uốn nắn cán bộ và xử lý nghiêm những người có hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân. Việc quy định nộp hồ sơ qua “một cửa” để người dân không tiếp xúc với người làm trực tiếp để tránh việc vòi vĩnh ”, ông Hiển nói.

Cụ thể, đối với công tác giải phóng mặt bằng, Nghị định 69/NĐ-CP mới đây đã quy định chỉ còn có 3 TTHC thay vì 11 TTHC như trước đây để bảo đảm quyền lợi của người dân cũng như chủ dự án phải có phương án bồi thường trong quá trình thu hồi đất.

Đối với việc gộp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thành một, Thứ trưởng Hoàng Mạnh Hiển nhấn mạnh, người dân rất phấn khởi vì đã bỏ bớt đi một quy trình phiền hà.

Đối với việc cắt giảm, đơn giản hoá TTHC trong lĩnh vực đất đai, ông Hiển cho biết hiện đã cắt giảm, đơn giản hoá được 14/85 TTHC và 5,2% chi phí tuân thủ TTHC thông qua việc rút gọn hồ sơ, biểu mẫu, thời gian đi lại cho nhân dân và doanh nghiệp.

Với một số vấn đề cụ thể mà Đoàn giám sát nêu ra như quy định về cách tính diện tích đất ở, đất nông nghiệp ở nông thôn hiện nay, Thứ trưởng Hoàng Mạnh Hiển cho biết, Chính phủ đã phân cấp cho UBND các địa phương được quyền căn cứ tình hình cụ thể để quy định diện tích đất ở, đất nông nghiệp, đất dịch vụ của hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ tính giá bồi thường khi giải phóng mặt bằng.

“Cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai đã giúp người dân chỉ cần đến “một cửa” để giao dịch với cơ quan công quyền. Mô hình cần hướng tới là áp dụng công nghệ thông tin để số hoá dữ liệu đất đai, nhà ở, giúp người dân có thể đăng ký quyền sử đất trên mạng để tránh tiêu cực”, Thứ trưởng Hoàng Mạnh Hiển nói.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ TNMT kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm xem xét miễn lệ phí trước bạ ở khu vực nông thôn khi chuyển nhượng lần đầu.

Báo cáo của Bộ TNMT chưa đạt yêu cầu

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng đề nghị Bộ TNMT có báo cáo cụ thể, chi tiết về kết quả thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực quản lý đất đai cùng với đó là việc cắt giảm, đơn giản hoá TTHC đã đem lại hiệu quả thiết thực như thế nào cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần rà soát xem các văn bản pháp luật có sự chồng lấn hay không để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tạo sự minh bạch, rõ ràng như cần làm rõ mối quan hệ trong quản lý Nhà nước giữa Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng TNMT ở cấp huyện, tránh việc biến Văn phòng đăng ký đất đai thành cơ quan quản lý Nhà nước, còn Phòng TNMT thành cơ quan trung gian, thẩm tra hồ sơ.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, báo cáo của Bộ TNMT gửi Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đạt yêu cầu, Bộ cần làm lại theo đề cương mà Đoàn giám sát đã gửi trước, để làm căn cứ Đoàn giám sát xem xét, đánh giá và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tới.

“Đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, được đặc biệt quan tâm và cũng có nhiều bức xúc. Vì thế, Bộ TNMT cần làm rõ những cải cách TTHC thời gian qua đã đáp ứng như thế nào so với yêu cầu của thực tiễn của đời sống. Hiệu quả cụ thể của việc cắt giảm, đơn giản hoá là gì, mức độ đáp ứng được sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp như thế nào, những khó khăn, vướng mắc nào khi thực hiện cải cách TTHC”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

(Theo Vietnamnet)