Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, công tác nhân sự của kỳ họp sẽ được tiến hành tại đợt họp trực tiếp. Cụ thể, chiều 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20-10-2020, dự kiến bế mạc vào ngày 17-11-2020.
Kỳ họp này vẫn được tiến hành theo 2 đợt. Đợt một họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-10 đến sáng ngày 27-10-2020). Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó. Đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Đợt hai họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 2-11 đến ngày 17-11-2020). Theo dự kiến chương trình kỳ họp, công tác nhân sự của kỳ họp sẽ được tiến hành tại đợt họp trực tiếp. Cụ thể, chiều 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.
Theo quy trình, vấn đề này sẽ lần lượt được thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc. Quốc hội thành lập ban kiểm phiếu, bỏ phiếu kín, công bố kết quả thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.
Tuy nhiên, nội dung miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh để nhận nhiệm vụ mới, như thông tin tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Quốc hội chưa được nêu cụ thể tại chương trình dự kiến của kỳ họp, mặc dù chương trình kỳ họp dự kiến có bố trí thời gian xen kẽ cho công tác nhân sự (nếu có).
Công văn mời các vị đại biểu Quốc hội về tham dự kỳ họp của Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ, tiếp thu ý kiến cử tri, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, chú trọng hơn việc nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm bắt tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp...
Nguồn SGGPO