BAOTAYNINH.VN trên Google News

Uỷ ban Tư pháp Quốc hội làm việc tại Tây Ninh: Các cơ quan tư pháp tỉnh góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội tại địa phương

Cập nhật ngày: 11/07/2012 - 05:15

(BTN)- Trong hai ngày 9 và 10.7.2012, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp Quốc hội khoá XIII do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu làm Trưởng đoàn đã đến làm việc tại Tây Ninh. Cùng đi có các vị ĐBQH, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp, đại diện Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao,

Ông Dương Ngọc Ngưu - Trưởng đoàn giám sát, phát biểu trong buổi làm việc tại Tây Ninh

Đón Đoàn giám sát đến làm việc tại UBND Thị xã Tây Ninh, ngày 9.7, có ông Nguyễn Thành Tâm - Phó đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Tây Ninh, ông Nguyễn Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, lãnh đạo Thị uỷ, HĐND, UBND và các cơ quan tư pháp Thị xã.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu cho biết, mục đích yêu cầu của đợt giám sát lần này nhằm kiểm tra hoạt động của cơ quan tư pháp địa phương trong việc chấp hành Luật Tố tụng hình sự, thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, Đoàn giám sát nghe phản ảnh thực tế những khó khăn và tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất nhằm xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn.

Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, các cơ quan tư pháp Thị xã Tây Ninh báo cáo cho biết, từ 1.10.2009 đến 30.4.2012, TAND Thị xã đã thụ lý 412 vụ/631 bị cáo, đã giải quyết 390 vụ/584 bị cáo, tồn 22 vụ/47 bị cáo. Số vụ án đưa ra xét xử là 385 vụ/568 bị cáo. Nhìn chung, tình hình tội phạm có chiều hướng tăng: năm 2010 là 148 vụ/231 bị cáo; năm 2011 là 181 vụ/273 bị cáo. Nhiều nhất là trộm cắp tài sản 96 vụ/168 bị cáo. Báo cáo của Viện Kiểm sát Thị xã nêu rõ, án ở cơ quan điều tra thụ lý 281 vụ/276 bị can, cơ quan điều tra đã giải quyết 221 vụ/212 bị can, đạt 79%; án ở Viện kiểm sát tổng số 149 vụ/225 bị can, đã giải quyết 142 vụ/210 bị can, đạt 100% tổng số vụ cơ quan điều tra kết luận điều tra. Cơ quan điều tra tiếp nhận 747 tin, đã khởi tố 569 vụ/551 bị can; đã bắt giữ 418 đối tượng; gia hạn tạm giữ 313 đối tượng; tạm giam 398 đối tượng; tổng số khởi tố 617 vụ/598 bị can; tạm đình chỉ điều tra 222 vụ/5 bị can. Các cơ quan tư pháp Thị xã còn có những kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Bộ luật Tố tụng hình sự. Thành viên Đoàn giám sát phát biểu chất vấn, yêu cầu làm rõ một số vấn đề mà báo cáo nêu chưa rõ, lãnh đạo các ngành Viện kiểm sát, Toà án và Công an Thị xã đã giải trình cụ thể từng nội dung, vụ việc.

Buổi chiều ngày 9.7, tại văn phòng Tỉnh uỷ, Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh. TAND tỉnh nêu rõ: Trong thời gian Đoàn yêu cầu báo cáo, toàn ngành thụ lý 2.578 vụ/4.511 bị cáo, đưa ra xét xử 2.434 vụ/4.208 bị cáo; đã thụ lý phúc thẩm 721 vụ/1.025 bị cáo, giải quyết 675 vụ/944 bị cáo. Công tác kiềm sát điều tra, đã thụ lý 3.749 vụ/4.988 bị can, giải quyết 3.513 vụ/4.557 bị can, đạt 93,7%; tạm giữ hình sự 2.987 người, giải quyết 2.953 người, tồn 34 người; Viện kiểm sát ra cáo trạng truy tố 2.488 vụ/4.418 bị can. Công an tỉnh cho biết, tổng số tội phạm xảy ra 3.388 vụ/4.457 đối tượng, đã điều tra làm rõ 2.497 vụ, đạt 73,7%; tổng số khởi tố 3.493 vụ/4.642 bị can. Trong buổi làm việc, các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngày 10.7, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc tại văn phòng Tỉnh uỷ, nghe các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh giải trình những vấn đề trong việc truy tố, điều tra, xét xử theo yêu cầu của Đoàn đặt ra.

Kết luận sau hai ngày làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu - Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh, góp phần tích cực ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm sát tin báo tội phạm; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đúng pháp luật; tăng cường tranh tụng tại toà. Các cơ quan tư pháp phải có sự thống nhất trong công tác xét xử; việc xử án phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tăng cường đào tạo đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên để đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ. Đoàn giám sát của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội cũng đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tỉnh cần có phương án chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật ở biên giới. Đối với các kiến nghị của địa phương, Đoàn ghi nhận và sẽ phản ánh lại với các cơ quan liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan tư pháp địa phương hoạt động ngày càng tốt hơn.

DUY ĐỨC