Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
"Vạch lằn ranh đỏ để cán bộ không dám bước qua”
Thứ hai: 20:08 ngày 05/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thường trực Ban Bí thư đặt ra yêu cầu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bởi vì, “việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực vi phạm phổ biến thời gian qua rất quan trọng để tạo được khuôn khổ pháp lý cần thiết, vạch được ranh giới đỏ để cán bộ không dám bước qua.

Bà Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đó là phát biểu nhấn mạnh của bà Trương Thị Mai- Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 10.1.2024.

Khởi tố gần 900 vụ án tham nhũng

Số liệu báo cáo tổng kết cho thấy, trong năm 2023, riêng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, đôn đốc để các cơ quan tố tụng ở địa phương khởi tố mới hơn 830 vụ án tham nhũng (tăng 2 lần so với năm 2022, tăng gấp 3 lần so với năm 2027), thể hiện quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Một số vụ án kéo dài từ nhiều năm trước ở địa phương đã được khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ trước đây, được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, cán bộ, đảng viên.

Việc xây dựng thể chế đã đạt được kết quả chưa nhiệm kỳ nào làm được, Trung ương đã ban hành 3 quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực (kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thỉ hành án và trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ).

Tới đây, chuẩn bị ban hành tiếp 2 quy định nữa, là kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật và kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Năm quy định này hợp lại thành một hệ thống thể chế về kiểm soát quyền lực, góp phần hoàn thiện việc thực hiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy nhà nuớc, đó là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm soát quyền lực.

Lần đầu tiên, chúng ta ban hành được các quy định của Đảng để làm cơ sở thể chế hoá chính sách, pháp luật đối với vấn đề về kiểm soát quyền lực, đặc biệt, không chỉ kiểm soát quyền lực mà còn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Quan trọng nhất là phải làm sao cho các quy định của Đảng đi vào cuộc sống, để quyết tâm của Đảng phải được thể hiện trong cuộc sống thì đó mới là niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với Đảng, Nhà nước ta”- bà Trương Thị Mai phát biểu.

Tuy nhiên, “kết quả đạt được cũng chưa thật sự đồng bộ, có nơi chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu. Nơi này, nơi kia việc thực hiện nhiệm vụ nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế, chưa thật sự quyết liệt, quyết tâm cao, có nơi còn dè dặt, e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích, phần nào ở quan hệ địa phương còn tình trạng người này bao che người kia”- Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

“Vừa qua, có một số địa phương đề nghị tổ chức mở lớp tập huấn về giáo dục liêm chính. Theo tôi, liêm chính là phải tự mình rèn luyện. Đảng, Nhà nước đưa ra các quy định để tăng cường sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, từng cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện.

Trong những vụ án gần đây, có một trường hợp nguyên lãnh đạo của Sở Y tế Bình Dương vi phạm quy định đấu thầu, nhưng dứt khoát không nhận tiền, không nhận quà, đâu phải cán bộ nào cũng nhận tiền, nhận quà. Hay ở Đồng Tháp, trong xử lý vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, có cán bộ tự nguyện đề xuất mức kỷ luật cho mình với trách nhiệm người đứng đầu. Cái đó là có niềm tin đối với cán bộ của mình, như vậy liêm chính phải được động viên, tuyên truyền để cán bộ tự soi, tự sửa, đặc biệt là trong các cơ quan kiểm soát quyền lực phải được nâng cao” - lời bà Trương Thị Mai.

“Chưa biết sợ hay lòng tham không đáy”

“Tại hội nghị ngành Kiểm tra Đảng vừa rồi, tôi đã nêu con số trong số 83 cán bộ do Trung ương xử lý thì có 59 cán bộ là vi phạm trong các nhiệm kỳ trước, 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này. Điều đó dẫn đến câu hỏi nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ XII, XIII, chúng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả quan trọng và chưa từng có, chỉ số minh bạch đã thăng hạng rất đáng kể, nhưng tại sao vẫn còn tham nhũng, tiêu cực? Cán bộ chưa biết sợ hay là lòng tham không đáy? Vẫn còn xảy ra những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan cả cán bộ Trung ương, cán bộ địa phương.

Vụ việc nào cũng cơ bản có sự móc nối giữa cán bộ Nhà nước với thành phần thoái hoá, biến chất bên ngoài xã hội, làm thiệt hại, thất thoát lớn đến tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Trước đây là đất đai, nhiều năm liền tại Quốc hội, Thanh tra Chính phủ báo cáo tất cả các vụ khiếu kiện phức tạp cơ bản là khiếu kiện về đất đai, bây giờ không dừng ở đất đai mà lan rộng ra đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm (hơn 800 cán bộ đăng kiểm đã bị khởi tố mà bây giờ còn chưa hết) và cả những lĩnh vực mà xã hội dành sự quan tâm, tôn trọng như y tế, giáo dục, ngoại giao. Vì vậy, phải đặt câu hỏi về vấn đề này để tiếp tục quan tâm xử lý”- bà Mai cảnh báo về tính chất nghiêm trọng của tham nhũng trong một số lĩnh vực.

Thường trực Ban Bí thư đặt ra yêu cầu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bởi vì, “việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực vi phạm phổ biến thời gian qua rất quan trọng để tạo được khuôn khổ pháp lý cần thiết, vạch được ranh giới đỏ để cán bộ không dám bước qua, mà bước qua thì phải xử lý nghiêm, không để lờ mờ, không rõ ràng”.

Tự soi, tự sửa

“Từng cơ quan, từng tổ chức, từng địa phương phải hết sức chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Có những trường hợp khi ra toà, trích lại các phát biểu ngày trước thì thấy ngược hết, mặc dù số này không phải số lớn, nhưng càng làm cao thì càng phải gương mẫu. Đảng nói rồi, càng làm cao sự lan toả của mình càng lớn, mình tốt thì sự lan toả tích cực càng mạnh mẽ, mình mà tệ thì sự lan toả sẽ tiêu cực”- Thường trực Ban Bí thư nói về việc nêu gương.

Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh trường kỳ, cuộc chiến đấu khổng lồ, vì nó liên quan đến từng thân phận con người, sinh mệnh chính trị của cán bộ. Chính vì thế, theo bà Trương Thị Mai, phải phân hoá các đối tượng vi phạm trong các vụ án để xử lý trong kỷ luật hành chính, xử lý hình sự, phải phân biệt giữa cố ý và vô ý; cán bộ do thiếu kinh nghiệm, hăng hái với trường hợp cố ý để vụ lợi. Cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để những cán bộ do hăng hái, do vô ý vi phạm khác với những trường hợp cố ý để cán bộ yên tâm, tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

“Xem trên thế giới, tôi chưa thấy có quốc gia nào bàn về vấn đề phải có bộ luật riêng về đạo đức, chưa quốc gia nào, đảng phái chính trị nào lập ra cơ quan, tổ chức chuyên răn dạy về đạo đức cho cán bộ, đảng viên hay thành viên của họ, rộng ra để dạy đạo đức xã hội của họ. Họ chỉ có những bộ quy tắc về vấn đề này, trên từng lĩnh vực. Ở Việt Nam, nhìn các triều đại của phong kiến Đại Việt cả ngàn năm đến nay, tôi cũng chưa thấy một bộ luật nào bàn riêng về đạo đức cả. Chưa bao giờ như bây giờ, bằng rất nhiều nỗ lực, cố gắng, chúng ta đã có một hệ thống luật “đông đúc” tới 225 luật và bộ luật, tôi gọi là “rừng luật”. Ở đó đã bao quát và thể hiện cụ thể vấn đề đạo đức. Vậy rằng, cái gì cần thì buộc phải có, cuộc sống cần thì dứt khoát phải làm, chứ không nên nghĩ ra cái chúng ta cần để khuôn cho cuộc sống phải theo”.

Nhà báo Nhị Lê- Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trả lời báo chí năm 2018

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục