Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2024)
Vai trò của Thanh niên Tiền Phong trong khởi nghĩa giành chính quyền ở miền Nam
Thứ hai: 09:24 ngày 19/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thanh niên Tiền Phong là tên gọi của lực lượng trẻ đã thực hiện vai trò mũi chủ công trong những ngày thu sục sôi cách mạng của cả nước, của Nam bộ nói chung, của tỉnh Tây Ninh nói riêng.

Đúng ngày này 79 năm trước - ngày 19.8.1945, toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết tập hợp dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa trong cuộc Cách mạng tháng Tám giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa hết sức vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, vì đã vĩnh viễn chấm dứt cảnh “một cổ hai tròng” của kẻ thù ngoại bang xâm lược và chế độ phong kiến áp đặt lên cuộc sống nhân dân ta hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước.

Tuy rằng, chỉ trong vòng một tháng sau, thực dân Pháp đã núp bóng quân đồng minh Anh quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, song với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” theo lời hiệu triệu của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn dân, toàn quân ta đã đồng tâm, hiệp lực, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ đứng lên hưởng ứng “ra bưng biền” tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ suốt 30 năm ròng rã cho đến ngày toàn thắng 30.4.1975, bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất nước nhà đã giành được từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Trải qua gần tám thập niên, vừa bảo vệ, vừa xây dựng, phát triển đất nước, nhân dân ta đã chiêm nghiệm biết bao bài học quý báu, mà trong đó quý báu nhất, sâu sắc nhất vẫn là bài học về tính tiên phong, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lòng yêu nước, sự đoàn kết, tinh thần đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân ta.

79 năm nhìn lại thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám, chúng ta càng thấy rõ hơn, tâm đắc sâu hơn ý nghĩa lịch sử của bài học ấy. Trong phạm vi bài báo này, người viết xin điểm lại một nét đặc sắc của những ngày kỷ niệm “Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” đó là vai trò của những người trẻ, những thanh niên, mà cụ thể là những Thanh niên Tiền Phong của “miền Nam đi trước về sau”.

Thanh niên Tiền Phong là tên gọi của lực lượng trẻ đã thực hiện vai trò mũi chủ công trong những ngày thu sục sôi cách mạng của cả nước, của Nam bộ nói chung, của tỉnh Tây Ninh nói riêng.

Theo sách Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2005), chương “Miền Nam thành đồng đi trước về sau” đã giải thích hai từ “Tiền Phong” như sau:

“Đảng bộ Nam bộ có hai hệ thống song song hoạt động: Xứ uỷ Giải Phóng và Xứ uỷ Tiền Phong. Xứ uỷ Giải Phóng đã liên lạc được với Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Hữu Ngoạn được Trung ương cử vào năm 1943 nên tiếp thu đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc.

Đến cuối năm 1944 vì các đồng chí Nguyễn Hữu Ngoạn, Lê Minh Định và cơ quan Xứ uỷ do đồng chí Lê Văn Thắng (tức Trần Văn Trà) phụ trách bị địch bắt nên Nam bộ lại mất liên lạc với Trung ương.

Nhà số 202 đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Nơi đây là phòng khám của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong và cũng là nơi cờ búa liềm treo công khai ngày 25.8.1945

Cho đến năm 1945, Trung ương phái nữ đồng chí Kỳ vào bắt liên lạc với Nam bộ. Lần này chị Kỳ liên lạc được với nhóm Tiền Phong và từ đây Xứ uỷ Tiền Phong theo sát đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng.

Đặc biệt lúc này Xứ uỷ Tiền Phong được nhiều đồng chí kỳ cựu của Đảng trở lại hoạt động, hoặc các đồng chí ở các trại giam về, như các đồng chí Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Bùi Cống Trừng, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Tây... tham gia nên hoạt động khá mạnh. Xứ uỷ ra sức phát triển lực lượng ở Sài Gòn. Tháng 5.1945, Ban cán sự Thành được tăng cường do Nguyễn Văn Kỉnh làm Bí thư.

Công tác vận động quần chúng cũng được thúc đẩy phát triển nhanh. Công đoàn đã có 324 tổ chức cơ sở với 120.000 đoàn viên. Đặc biệt Xứ uỷ Tiền Phong đã có sáng kiến lợi dụng rất hiệu quả phong trào công khai hợp pháp: Thanh niên Tiền Phong”.

Cuối tháng 3.1945, Ida, Lãnh sự, quyền Tổng uỷ viên Thể dục Thanh niên, Thể thao Đông Dương, là thân chủ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đã ngỏ ý mời bác sĩ đứng ra thành lập một tổ chức thanh niên và để cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch toàn quyền quyết định về tổ chức, tên gọi, tôn chỉ, nội dung hoạt động.

Mục đích của Ida nhằm tạo hậu thuẫn chính trị cho phát xít Nhật nhưng lại hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Xứ uỷ Tiền Phong do ông Trần Văn Giàu đứng đầu. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã ngay lập tức báo sự việc này cho Xứ uỷ Tiền Phong. Tương kế tựu kế, Xứ uỷ đã chỉ đạo thành lập Thanh niên Tiền Phong, một tổ chức công khai theo đề nghị của Nhật để qua đó đoàn kết, tập hợp lực lượng cho phong trào cách mạng.

Trong tự bạch của mình, Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói sự kiện này là “Buồn ngủ gặp chiếu manh”. Theo Giáo sư, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), Xứ uỷ Tiền Phong đặt ra nhiều nhiệm vụ chính yếu, trong đó có nhiệm vụ về tổ chức. Giáo sư Trần Văn Giàu cho biết, việc thành lập một tổ chức nào đó phải mạnh và “mạnh hơn tất cả các tổ chức dưới danh nghĩa các giáo phái cộng lại (1)”.

Khi Xứ uỷ Tiền Phong đang lúng túng trong việc tìm một hình thức tổ chức và hoạt động công khai, “Thống đốc Nhật ở Nam kỳ Minoda và Tổng lãnh sự Ida mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đứng ra tổ chức thanh niên ở Nam kỳ, Thạch báo cáo với Xứ uỷ, bàn riêng hơn thiệt với Hà Huy Giáp (ở Trung kỳ mới vào) và tôi (2)”.

Sách Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà viết: “… Được chủ trương của Xứ uỷ Tiền Phong, anh Thạch nhận lời với Ida. Thế là “Thanh niên Tiền Phong” ra đời do các anh Phạm Ngọc Thạch, Thái Văn Lung, Nguyễn Văn Thủ, Huỳnh Văn Tiểng lãnh đạo.

Thanh niên Tiền Phong có trụ sở, có đồng phục, có trang bị, có cờ hiệu (cờ vàng sao đỏ), có đoàn ca (bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước), được Nhật đỡ đầu, được Ida cùng đi vận động, thanh thế rất lớn và và phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ sau 3 tháng số lượng lên đến trên một triệu đoàn viên trong khắp 21 tỉnh Nam bộ. Riêng Sài Gòn có tới 200.000 đoàn viên.

Đó là nhờ ở thế hợp pháp, phù hợp với lòng yêu nước của thanh niên ta từ lâu bị áp bức, có lực lượng Thanh niên Cứu quốc lồng vào làm nòng cốt. Thật ra, cả những người lớn tuổi, các tầng lớp nhân dân yêu nước cũng tham gia vào tổ chức, cầm tầm vông và đội mũ rộng vành, cũng nhịp bước một...hai... và hát “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng...” không riêng gì ở lứa tuổi thanh niên. Thật là một phong trào nhân dân cách mạng hùng mạnh”.

Ngày 16.8.1945, sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Thống chế Terauchi - Tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Nam Thái Bình Dương, đã mời đại diện của Thanh niên Tiền Phong đến để thương lượng một số vấn đề. Lúc này, hệ thống chính quyền và quân đội chiếm đóng của phát xít Nhật đã rệu rã, thực quyền ở Nam kỳ thực chất nằm trong tay Thanh niên Tiền Phong do Xứ uỷ Nam kỳ lãnh đạo.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đại diện cho Thanh niên Tiền Phong đã yêu cầu quân đội Nhật không can thiệp vào cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới và cung cấp vũ khí mà quân đội Nhật đã tịch thu của Pháp cho lực lượng cách mạng. Các yêu cầu nêu trên của đại diện Thanh niên Tiền Phong đã được Terauchi đồng ý.

Trong cuộc giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25.8.1945, dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, tất cả thành viên của tổ chức Thanh niên Tiền Phong đã ngã về phía cách mạng góp phần cho thành công nhanh chóng trong giành chính quyền ở Sài Gòn. Ngày 16.8.1945, Thanh niên Tiền Phong tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt Minh.

Đến ngày 25.8.1945, hàng chục vạn đoàn viên Thanh niên Tiền Phong đã tổ chức thành công giành lấy chính quyền từ tay quân Nhật về cho nhân dân Nam bộ. Sáng 25.8.1945, khi nhân dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận biểu tình, tuần hành quanh các đường phố.

Tại cuộc mít tinh trước dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh), bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuyên đọc danh sách Lâm uỷ Hành chính Nam bộ. Trong danh sách này có nhiều tên tuổi là thủ lĩnh của Thanh niên Tiền Phong như Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn, Huỳnh Văn Tiểng.

Ngày 23.9.1945, khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, Thanh niên Tiền Phong là đội quân chủ lực đã đi theo “tiếng kêu sơn hà nguy biến” với những trận đánh ở mặt trận Cầu Kiệu, Thị Nghè… bao vây, cô lập thực dân Pháp giúp cho các lực lượng cách mạng có đủ thời gian để xây dựng căn cứ.

Thanh niên Tiền Phong chuẩn bị diễu hành, ngày 21.8.1945

Đánh giá về phong trào đặc biệt này, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Với sự phát triển nhanh chóng, rộng rãi, Thanh niên Tiền Phong đã trở thành một phong trào, một hình thức mặt trận có tổ chức do Xứ uỷ Tiền Phong lãnh đạo, bắt rễ sâu rộng trong các tầng lớp xã hội, đủ giới, đủ lứa tuổi, đồng bào không có đạo, kể cả các vị chức sắc tôn giáo, nhất là Phật giáo, trong đồng bào người Hoa… (3)”.

Giáo sư Trần Văn Giàu đã đánh giá: “Thanh niên Tiền Phong là một sự sáng tạo của phong trào nhân dân Nam kỳ. Nhờ đó mà Đảng Cộng sản, trong một thời gian tương đối ngắn, đã có thể trở thành đoàn thể yêu nước có lực lượng tổ chức lớn nhất ở Sài Gòn và toàn Nam kỳ, nghĩa là Đảng Cộng sản có một đạo quân chính trị hùng hậu như mong muốn (4)”.

Tác phẩm Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từng là người chỉ huy cao nhất của Quân Giải phóng miền Nam (Bộ Tư lệnh Miền), xuất thân là cán bộ lãnh đạo Xứ uỷ Giải Phóng của Đảng bộ miền Nam đã giải thích cho thế hệ cán bộ, đảng viên và giới trẻ miền Nam cũng như cả nước: tại sao Đảng bộ miền Nam trước Cách mạng tháng Tám có tới hai cấp uỷ (Xứ uỷ Giải Phóng và Xứ uỷ Tiền Phong) cùng song hành lãnh đạo, đồng thời lý giải sự ra đời, ý nghĩa tên gọi và hoạt động công khai hợp pháp của lực lượng Thanh niên Tiền Phong vang bóng một thời ở miền Nam 79 năm trước.

Đó chính là bản lĩnh, trí tuệ cách mạng, phương thức lãnh đạo và nghệ thuật “biết thắng từng bước” của Đảng ta, cội nguồn, động lực thắng lợi của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong.      

Tấn Hùng - Vũ Trung Kiên

(Còn tiếp)

(1) Trần Văn Giàu, Tổng tập, tập 3, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.1.333

(2) Trần Văn Giàu,sđd, tr.1.333

(3) Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, sđd, tr.303

(4) Trần Văn Giàu, sđd, tr.1.347

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục