BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vai trò của Tỉnh uỷ Tây Ninh trong Chiến thắng Tua Hai

Cập nhật ngày: 22/01/2015 - 05:46

Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước luôn ghi nhận chiến thắng Tua Hai là một trong những hiệu lệnh của phong trào đồng khởi vũ trang toàn miền Nam nói chung và miền Đông Nam bộ nói riêng, báo hiệu thời kỳ đấu tranh vũ trang thực sự bắt đầu trên quy mô lớn.

Năm 1959, lực lượng cách mạng miền Nam triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về con đường phát triển của cách mạng miền Nam, và chấp hành nhiệm vụ của Xứ uỷ giao là phải đánh một số trận thắng địch lớn để thúc đẩy phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam.

Trung tướng Lê Thanh- nguyên Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng trận đánh Tua Hai hồi tưởng: “… Ta có hai phương án tấn công địch: Đánh chiếm một số chi khu, quận lỵ và đồn bót cấp đại đội, tiểu đoàn phù hợp với khả năng và trình độ tác chiến của ta để giành thắng lợi; Đánh chiếm cứ điểm Tua Hai, dù đây là căn cứ lớn, quân đông, nhưng lại có nhiều yếu điểm, ta phải cố gắng lớn mới đảm bảo chắc thắng, nhất là khi ta chưa đánh cứ điểm trung đoàn tăng cường lần nào.

Sau khi nghe báo cáo, Xứ uỷ quyết định phải cố gắng tiêu diệt Tua Hai với hai lý do: Nếu thực hiện phương án một, tác dụng thúc đẩy phong trào đồng khởi chỉ trong phạm vi địa phương miền Đông; đánh thắng Tua Hai có tác động thúc đẩy phong trào cách mạng của toàn miền Nam và làm chấn động tinh thần quân địch mạnh mẽ hơn”.

Căn cứ Tua Hai là một cứ điểm quân sự cấp trung đoàn, biệt lập với khu dân cư, nằm trên quốc lộ 22, cách thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) khoảng 7km về phía Bắc. Căn cứ này thời Pháp mang tên Tua Hai. Đầu năm 1959, trước sự phát triển của phong trào cách mạng, nhất là sau khi phát hiện ta đã có căn cứ địa Dương Minh Châu, địch tăng cường xây dựng với quy mô lớn, có diện tích khoảng 1km2, xung quanh có bờ đê cao với hệ thống tháp canh, lô cốt.

Lúc đầu, địch gọi đây là thành Nguyễn Huệ, sau đổi là thành Lam Sơn, sau cùng đổi là thành Nguyễn Thái Học. Đây là căn cứ tiền phương của Sư đoàn 21 nguỵ (bị ta diệt một bộ phận ở Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, được củng cố lại), có một trung tá Mỹ làm cố vấn, có kho vũ khí, đạn dược lớn đủ để trang bị cho một sư đoàn bộ binh hoàn chỉnh, có câu lạc bộ sĩ quan, có sân bóng và một nhà tù giam giữ những người yêu nước.

Đây cũng là nơi huấn luyện biệt kích nguỵ, lực lượng của địch gồm Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 nguỵ, được tổ chức chỉ huy rất bài bản và chặt chẽ. Bảo vệ Tua Hai có một tiểu đoàn ứng chiến, thường trực 24/24 giờ, hai đại đội thám báo và một đơn bị thiết giáp.

Về phía ta, sau khu có quyết định của Xứ uỷ, ta đã tích cực tập hợp lực lượng, bố trí thành 5 đại đội (C59, C60, C70, C80 của Miền và C20 của lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh) và khoảng 300 dân công; vũ khí khui từ các hầm chôn lại sau Hiệp định Genève 1954 do không có điều kiện bảo quản nên bị gỉ sét và hư hỏng phải tiến hành sửa chữa nhiều, có không ít vũ khí tự tạo.

Xét về tương quan lực lượng thì địch nhiều hơn ta gấp bội, về vũ khí của địch cũng hoàn toàn chiếm ưu thế, vượt trội cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, Tua Hai cũng có những nhược điểm là căn cứ không tuần tra canh gác chặt chẽ và còn cho quân lính nghỉ phép tết đến một phần ba quân số, ngoài bờ đê cao 1m bằng đất, không có hàng rào kẽm gai, ban đêm chỉ có một tiểu đoàn trực chiến, các tiểu đoàn khác phải cất súng vào kho, khả năng chiến đấu suy giảm. Điều quan trọng là địch cho ta không có khả năng tấn công vào căn cứ Tua Hai nên chủ quan, sơ hở.

Trong bài viết “Tỉnh uỷ Tây Ninh lãnh đạo quân và dân địa phương tham gia trận tập kích Tua Hai và phong trào Đồng Khởi năm 1960”, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Văn Hải viết: “… Sau Hội nghị Bàu Rã, anh Tám Hoà (Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Võ Văn Truyện), Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh được chỉ thị của Thường vụ Xứ uỷ phối hợp cùng Ban Quân sự miền Đông chuẩn bị cho phương án đánh địch khi có thời cơ, có chủ trương chính thức của trên.

Việc chuẩn bị này được tuyệt đối giữ bí mật. Trong Tỉnh uỷ lúc bấy giờ chỉ có đồng chí Tám Hoà nắm được chủ trương này. Cho đến khi trận đánh nổ ra mới biết đó là cứ điểm Tua Hai… Có một vấn đề đặt ra là: Tại sao Thường vụ Xứ uỷ và Ban Quân sự miền Đông lại chọn Tây Ninh mà không chọn nơi nào khác để “nổ phát súng lệnh”, và tại sao lại chọn Tua Hai? 

Trước khi có chủ trương của Xứ uỷ, ngay từ những năm 1957 – 1958, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã chú ý đến vấn đề xây dựng cơ sở nội tuyến trong cứ điểm Tua Hai, đã dày công xây dựng ở đây một chi bộ (chi bộ này do ông Nguyễn Kúc, được Tỉnh uỷ Tây Ninh kết nạp Đảng vào ngày 10.8.1958, làm bí thư), một chi đoàn, tổ chức được mạng lưới cơ sở cài cắm trong dân chung quanh thành Tua Hai.

Qua đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh thường xuyên nắm được tình hình địch, kịp thời báo cáo với Thường vụ Xứ uỷ… Khi có dấu hiệu bị lộ, chi bộ mật trong thành Tua Hai xin cho đánh nhưng Tỉnh uỷ lúc bấy giờ không đồng ý vì chưa có lệnh của Xứ uỷ, thời cơ chưa cho phép và lúc ấy, anh Tám Hoà (Võ Văn Truyện), Bí thư Tỉnh uỷ đã có chỉ thị: “…

Trong khi chờ lệnh của Xứ uỷ, Tây Ninh phải khẩn trương chuẩn bị lực lượng… việc chuẩn bị phải giao cho chủ chốt, tuyệt đối giữ bí mật…” (sổ ghi nội dung làm việc của đồng chí Tám Hoà ngày 26.3.1959 – lưu trữ Ban lịch sử quân sự Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh). Sau khi hệ thống cơ sở của ta trong thành Tua Hai bị lộ, Tỉnh uỷ Tây Ninh lại đứng ra tổ chức lại cơ sở, gây dựng lại phong trào. Thời gian đó cũng là quá trình Tây Ninh âm thầm chuẩn bị lực lượng chờ chủ trương của Xứ uỷ.

Rõ ràng nếu không có bước chuẩn bị này thì Xứ uỷ không có điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để chọn địa điểm nổ phát súng lệnh tại Tua Hai. Nếu không có sự chuẩn bị từ trước đó thì khi có lệnh của Xứ uỷ, Tây Ninh làm sao có thể cùng một lúc huy động 300 dân công phục vụ trận đánh… hầu hết là đảng viên, đoàn viên, quần chúng cách mạng cốt cán nhưng chỉ biết mình được trên mời về dự tập huấn và ăn tết, hoàn toàn không một ai biết trên điều đi làm nhiệm vụ dân công hoả tuyến!”.

Một số tài liệu lịch sử về Chiến thắng Tua Hai ghi nhận, tháng 6.1959, sau khi chi bộ mật trong căn cứ Tua Hai bị lộ, bị địch bắt và đày đi Côn Đảo, Tỉnh uỷ Tây Ninh tiếp tục tổ chức binh vận và đã xây dựng được 7 cơ sở trong Trung đoàn 32 đóng tại căn cứ.

Cuối năm 1959, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ thị cho các cơ sở trong căn cứ vận động binh lính xin đi phép tết, nếu không được phép thì “xé rào”, bỏ về quê ăn tết với gia đình, càng đông càng tốt. Kết quả, Tết Kỷ Hợi, hơn 400 lính nghỉ phép, giảm đi đáng kể quân số thường trực tại căn cứ, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của trận tập kích Tua Hai.

 Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến- nguyên Trưởng ban quân sự miền Đông, Chỉ huy trưởng trận đánh Tua Hai cho biết: Ngay từ những năm 1957 – 1958, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã xây dựng được cơ sở nội tuyến rất mạnh ở Tua Hai, có cả sĩ quan và binh lính, có chi bộ đảng trong trung đoàn địch. Sau khi cơ sở bị lộ, “Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết không từ bỏ mục tiêu này (Tua Hai) nên đã dày công gây dựng trở lại. Sau một thời gian kiên trì đeo bám, một hệ thống cơ sở mới được gây dựng.

Do có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ Tây Ninh (do một đồng chí Tỉnh uỷ viên trực tiếp phụ trách), cơ sở nội tuyến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp cho ta chính xác tình hình bố phòng của địch trong căn cứ, dẫn đường, phục vụ cho lực lượng ta đánh chính xác, làm tê liệt ngay từ đầu trung tâm chỉ huy của địch, làm cho chúng như rắn không đầu và chính đây là một nguyên nhân quan trọng giúp ta làm nên chiến thắng”.

Một điểm đánh chú ý khác là trong lực lượng tham gia trận tập kích Tua Hai còn có lực lượng giáo phái là một trung đội Bình Xuyên và một trung đội Cao Đài ly khai. Trong thời điểm lúc bấy giờ, việc Xứ uỷ và Tỉnh uỷ Tây Ninh đã tập hợp và đưa lực lượng giáo phái vào cuộc đấu tranh chống Mỹ là một thắng lợi lớn, thể hiện sự đồng tâm, nhất trí của nhân dân.

Chiến thắng Tua Hai là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị lực lượng và đấu tranh quyết liệt của quân và dân miền Đông Nam bộ, trong đó có quân và dân tỉnh Tây Ninh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Xứ uỷ Nam bộ và Đảng bộ Tây Ninh. Không chỉ góp phần tạo nên bước ngoặt trọng đại đối với phong trào cách mạng địa phương, chiến thắng Tua Hai còn tác động tích cực đến sự phát triển mạnh mẽ của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên cả miền Đông Nam bộ và toàn Nam bộ nói chung.

Đặng Hoàng Thái

(Bài viết có sử dụng một số tài liệu lịch sử về Chiến thắng Tua Hai)