Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vạn Bửu tự thuật- một tư liệu quý về làng xã Tây Ninh (tiếp theo)
Thứ tư: 10:09 ngày 16/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong bài trước, chúng ta đã biết cụ Nguyễn Vạn Bửu được chọn bầu làm Phó tổng vào năm 1882, khi ấy là tổng Hàm Ninh Hạ.

Đình làng Gia Bình, tổng Hàm Ninh Hạ

Thời triều Nguyễn (Cựu trào), sau khi lập phủ Tây Ninh năm 1836 thì tổng còn mang tên Hàm Ninh, thuộc huyện Tân Ninh. Ðến triều Thiệu Trị (1840-1848), tổng Hàm Ninh mới được chia ra thành 2 tổng Hàm Ninh Thượng và Hàm Ninh Hạ. 12 thôn làng ở phía Nam tỉnh thuộc Hàm Ninh Hạ được nhập vào huyện Quang Hoá.

Ðến đầu Pháp thuộc (1862) thì giải thể 4 thôn, còn lại 8 thôn: An Tịnh, An Hoà, Gia Lộc, Gia Bình, Lộc Hưng, Phước Chỉ, Phước Mỹ và Long Bình (Từ điển Ðịa danh Hành chính Nam bộ- Nguyễn Ðình Tư- NXB chính trị Quốc gia năm 2008).

Như vậy, tổng Hàm Ninh Hạ về cơ bản thuộc đất huyện Trảng Bàng hiện nay. Chỉ trừ có 3 xã: Bình Thạnh và Phước Lưu thuộc tổng Mỹ Ninh huyện Quang Hoá và Ðôn Thuận thuộc tổng Hàm Ninh Thượng huyện Tân Ninh.

Lời tựa sách Việc làng tổng của cử nhân luật Phan Văn Thiết có đoạn: “Ở làng thì phải làm làng. Ðó là câu tục ngữ của người mình. Câu tục ngữ ấy chỉ phải, vì mọi người, tuỳ theo cảnh ngộ, nên đem tài trí mình ra mà giúp sức cho công- chúng- xã- hội…”. Sách này cũng là do ông “trích những lời nghị (nghị định) và các điều cần kíp về việc làng tổng góp thành quyển sách nhỏ này, dễ coi dễ hiểu bán giá rẻ để hầu ai ai cũng có thể mua…”.

Một trong những nghị định được luật sư Thiết trích ra, là nghị định của quan toàn quyền ngày 10 Fevrier 1926. Do vậy, tạm coi sách được in khoảng năm 1926 về sau. Trong sách, có kể đến những việc cụ thể của Cai tổng và Phó tổng. Ðáng chú ý là sách có giải thích cụ thể thêm về một số việc cụ thể. Như: “Mỗi khi phải làm tờ phúc bẩm (mỗi tháng 2 lần) về tình hình mùa màng, vị Cai tổng phải giữ thể lệ sau này:

1. Phải nói cho rõ mỗi tạ lúa hay gạo là mấy kí lô và giá trung bình là bao nhiêu.

2. Về sự sản xuất mỗi mẫu, phải chỉ coi mỗi giạ là mấy lít…

3. Và không được dùng những tiếng mơ hồ như: mùa màng khá, sự sản xuất trên số trung bình, mà phải kể ra số trung bình của các số sản xuất mỗi mẫu đất…”.

Cũng theo nghị định kể trong sách thì: “Cai tổng không có lương hướng chi, chỉ có một số tiền tốn phí viết mực và thay mặt cùng tiền lộ phí do công nho các làng xuất ra vậy thôi”.

Ðối chiếu Vạn Bửu tự thuật trong phần Việc làng tổng sẽ thấy công việc cai trị của các vị hàng tổng cũng rất phức tạp, gồm cả những việc tra án giải quyết tranh chấp trong nội bộ hương thôn… đồng thời phải “bẩm báo, tâu trình” lên cấp quan đầu tỉnh. Qua công việc của ông Vạn Bửu, từ Phó tổng lên Cai tổng, có thể thấy thêm những chuyện xưa của Trảng Bàng và Tây Ninh hồi những năm cuối thế kỷ 20.

Chùa Tịnh Thành, làng An Tịnh

Sách cũng cho ta biết xã hội hương thôn Trảng Bàng những năm ấy rất nhiều tệ nạn. Từ chuyện cờ bạc như: “Tại Trảng Bàng lúc này có nhiều sòng bạc lớn- Hương chức Gia Lộc đồng loã với tay con, chứa có cho hương chức nhỏ gác, nhơn dân phần nào có máu cờ bạc ăn chơi đều bỏ việc làm ăn. Họ tổ chức trí (bố trí) người gát (gác) ở xa sòng, làm lộng đến đỗi quan Chủ tỉnh biết…”.

Thôn làng thì mất an ninh do nạn cướp. Ðấy là: “Lúc nầy trong quận Trảng Bàng, bọn bất lương hợp lại để tổ chức làm ăn rất nhiều, nên ít đêm là có ăn cướp một đêm; nhất là trong tổng Hàm Ninh Hạ có nhà khá giả nhiều nên bị ăn cướp nhiều…”. Có lần: “nhằm ngày Cai, Phó tổng đều đi hầu lệ ở Tây Ninh, đêm đó ăn cướp tới đánh tại Gia Lộc một đám và nhà thày Cai ở An Tịnh một đám…”. Ðấy là thầy cai tổng Huỳnh Công Lãnh cũng quê An Tịnh.

Thậm chí, có lần cướp tấn công cả chuyến “xe tờ” của người Chà Và (Ấn Ðộ) chạy trên con đường bộ duy nhất xưa nối Tây Ninh với Trảng Bàng, nay là đường tỉnh lộ 782 và 784. Trong chuyến cướp xe tờ này, nạn nhân chính là ông Vạn Bửu. Khi ấy là: “Năm 1889, tôi đi một kỳ hội lệ trên Tây Ninh, có làng Gia Lộc và An Tịnh gởi tiền đăng thuế. Ngày ấy tôi quá giang xe tờ của Chà Và, đi đường Truông Mít…”.

Hiện còn chưa biết xe tờ là loại xe gì, bởi những năm ấy, lưu thông giữa Tây Ninh với Trảng Bàng chủ yếu bằng xe bò hoặc đi ghe theo sông Vàm Cỏ Ðông rồi vào rạch Tây Ninh và rạch Trảng Bàng. Ði xe bò thì: “Nếu ngày mai hầu, thời xế nay (chiều) sắm sửa xe đồng với vài người tuỳ hành lên xe bò trực chỉ đến sáng lối năm, sáu giờ là tới Tây Ninh…”.

Ngoài chuyện bị cướp, hay cờ bạc thì hương thôn Trảng Bàng cũng còn xảy ra các vụ án mạng. Bên các xã kề biên giới như Phước Chỉ có thêm nạn cướp phá của bọn cướp từ bên kia biên giới v.v… Quan chức hàng tổng huyện có nhiều người hút thuốc phiện do lúc này thuốc phiện bán tự do theo chính sách “ngu dân” của nhà cầm quyền Pháp. Vậy mà vẫn có những hương chức làng, tổng biết lo lắng cho dân như cụ Vạn Bửu thì quả thật đấy là chuyện hiếm.

Một ví dụ rõ nhất cho nhận định này thể hiện trong vụ “Cướp xe tờ” năm 1889. Ðây là trong chuyến đi quá giang “xe tờ” lên “hội lệ” ở Tây Ninh. Xe chạy tới “Suối Bà Tươi, ngang rừng thành sông Ðua” thì bị cướp. Sau vụ việc: “Quan Chánh bố Tây Ninh dạy quan phủ Kiên, chủ quận Trảng Bàng đi tìm bắt. Lối nửa tháng quan chủ quận bắt được trên bốn chục người, tra ra thế nào mà người nào cũng chịu có đi cướp xe tờ hết, đều bị giải toà Tây Ninh giam vào khám…”.

Là nhân chứng, vì giáp mặt và chống lại toán cướp nên Phó Cai tổng Bửu được quan Toà Tây Ninh triệu lên nhận mặt. Rút cục trong bốn chục người ấy, ông không nhận mặt được ai nên biết họ bị bắt oan. Quan toà hỏi, thì Phó tổng đáp: “Nếu tôi nhìn trúng thì tôi chỉ cho Quan toà bỏ tù, còn đây không có ai giống đám cướp hết nên tôi không chỉ để cho họ bị hàm oan, tội ấy tôi phải chịu…”. Tới khi bình phục, ông Vạn Bửu mới lo tìm manh mối đám cướp. Vì nếu không tìm ra thì bốn chục người kia vẫn bị giam ở khám đường. Cuối cùng, nhờ một người dân tên là Thủ ở làng An Ninh, tỉnh Chợ Lớn, (nay thuộc Ðức Hoà, tỉnh Long An) mà ông đã tìm ra. Báo lên tỉnh, quan Chủ tỉnh cho đi: “Bắt mấy người kia về đủ hết”. Và kết quả: “giải lên Tây Ninh, quan toà thả bốn mươi mấy người bị phủ Kiên bắt ra cho về. Giữa toà họ mừng quá đều đến xá tôi và nói nếu không có thầy thì chúng tôi ở tù đến rụt xương, chúng tôi: cầu cho thầy sống lâu làm quan ngay thẳng cho dân nhờ. Phủ Kiên ái ngại quá”.

Trong vụ cướp này còn một chi tiết nhỏ, nhưng lại rất có “tình người” khiến ông Phó Bửu không quên. Ðấy là khi chống cự lại, ông bị đánh cho: “lỗ đầu bầm mình mẩy hết, máu chảy lênh láng, nằm bất tỉnh…”. Bọn cướp khiêng ông ra mé rừng bỏ đó, lấy bạc rồi đi. Hai người Chà Và chạy bộ về Trảng Bàng báo, khách đi xe cũng bỏ trốn. Vậy mà: “Còn lại một thiếu phụ can tội điếm lậu, cũng bị giải về Tây Ninh trên xe đó, lại không trốn… lật đật lại đỡ tôi…”.

Tìm lá lẩu trong rừng, sơ cứu cho ông Phó Bửu xong rồi: “y kéo lết tôi vô dưới bóng cây để tôi nằm đó, y chạy vô xóm la làng rồi trở ra xin cho cổ trốn…”. Nhờ thế dân làng Phước Thạnh mới chạy ra tiếp cứu và chở ông Phó về lại Trảng Bàng. Hơn 2 tháng sau ông mới “thiệt lành mạnh trở lại”. Chẳng biết có phải hành động nghĩa hiệp của người phụ nữ “dưới đáy xã hội” kia đã tác động phần nào đến ông, để sau đó ông đã góp phần công sức giải oan cho những người vô tội. Ðể rồi mấy mươi năm sau, khi viết lại chuyện này, ông vẫn còn nhớ rõ.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục