Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vạn Bửu tự thuật - một tư liệu quý về làng xã Tây Ninh (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ tư: 11:30 ngày 09/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khoảng sau năm 1926, cử nhân luật Phan Văn Thiết xuất bản cuốn sách Việc làng tổng. Mục tiểu tựa có lời bình luận: “Làng, tổng là cơ quan cai trị quan trọng nhất ở xứ Nam- kỳ, có thể gọi là nền tảng của sự cai trị vậy…”. Vì thế, bộ máy cầm quyền ở thôn (xã) được quy định khá chặt chẽ và cụ thể.

Sắc phong thần đình An Tịnh (Tự Đức năm thứ 5- 1853)

Vậy là chúng ta đã biết chuyện cụ Vạn Bửu biết chữ Quốc ngữ ngay từ năm 1874, sau khi cụ lấy vợ lúc mới 22 tuổi. Chàng thanh niên này xin cha về sống bên quê vợ, ở làng Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Cũng từ đó mà tại ấp Trùm Tranh có lập một ngôi trường chữ Nho, do Vạn Bửu làm thầy giáo. Cũng nhờ đấy ta được biết dưới chợ Trảng Bàng đã có lớp dạy chữ Quốc ngữ.

Có một học trò của thầy Vạn Bửu (tiếc là thầy không kể tên) đã học luôn cả hai lớp. Thầy Vạn Bửu biết được và nhờ người học trò này viết vào vở từng bài học quốc ngữ mỗi ngày, rồi đem vở về học mỗi tối và tập viết. Đến khi đọc thông, viết thạo thì thầy đem bài Quốc ngữ ấy đốt đi (giấu không cho ai biết).

 

Khoảng sau năm 1926, cử nhân luật Phan Văn Thiết xuất bản cuốn sách Việc làng tổng. Mục tiểu tựa có lời bình luận: “Làng, tổng là cơ quan cai trị quan trọng nhất ở xứ Nam- kỳ, có thể gọi là nền tảng của sự cai trị vậy…”. Vì thế, bộ máy cầm quyền ở thôn (xã) được quy định khá chặt chẽ và cụ thể. Theo đó: “Một Ban Hội tề phải gồm có những hương chức sau này: Hương cả hay Đại hương cả- Viện trưởng/ Hương chủ- Thứ trưởng/ Hương sư- Thứ trưởng/…”.

Tiếp theo là 9 vị hội viên gồm: Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ hay Thủ bộ, Hương thân, Xã trưởng hay Thôn trưởng, Hương hào và Chánh lục bộ”. Theo cách hiểu ngày nay thì một Ban Hội tề cũng có một cấp trưởng và hai cấp phó, cùng các vị uỷ viên. Mỗi một vị hương chức kể trên lại được quy định các chức phận (nhiệm vụ) của mỗi người. Ngoài ra, cũng còn các nha dịch dưới quyền, như: “Những viên Phó xã, Phó lý, Lý trưởng, Biện lại, Cai thôn, Trùm và Trưởng đều dưới quyền của vị xã trưởng cả”.

Trở lại với bước công danh của chàng trai Nguyễn Vạn Bửu. Đấy là: “Năm 1875, tôi được 23 tuổi, còn đứng dạy học trò chữ Nho. Trong làng An Tịnh có ông phó thôn Cao Văn Nguyên là người dốt nát, không biết tính toán mà ham làm chức thôn trưởng lắm, nên lo lót cầu cạnh với hương chức được cử làm thôn trưởng. Làng cử cho một tên biện- lại cũng không biết chữ.

Thầy trò dốt hết chẳng biết sao mà làm việc, nên ông thôn Nguyên mới qua nhà tôi, năn nỉ xin tôi ra giúp việc công văn, giữ sổ bộ thâu thuế vụ, tính toán vẹn tròn trọn năm cho Thôn- trưởng đặng tiếng tốt với xóm làng, thì ổng cho tôi một trăm quan tiền…Ông thôn Nguyên nầy là người tâm phúc của ông huyện Viên (cai tổng Viên vừa lên huyện và được ngồi quận Trảng Bàng)…Quan huyện đòi hương chức An Tịnh và tôi tới tại dinh, dạy phải cứ tôi làm biện- lại. Làng tuân lịnh, viết tờ cử tôi làm biện- lại, còn anh biện kia thì ra lễ xin thôi…”.

Thế là, nhiệm kỳ một năm làm thôn trưởng của ông Cao Văn Nguyên, với sự giúp sức của viên biện- lại Nguyễn Vạn Bửu đã hoàn thành, không có điều gì đáng chê trách. Y lời hứa hẹn, ông thôn Nguyên đem tặng 100 quan tiền. Qua một nhiệm kỳ nữa của Thôn trưởng An Tịnh Trương Văn Thi, thì đến nhiệm kỳ của ông Hồ Văn Chung.

Ông này lại đến nhờ anh Bửu tiếp tục giúp mình việc công văn và nhờ hương chức làng cử anh làm Thủ- bộ. Chức vụ này, theo quy định ghi trong sách Việc làng tổng, là: “Có chức vị bảo tồn bộ sổ, địa bộ và từ chương của làng; người giữ sổ thâu xuất (thu chi) của làng và giữ gìn bàn ghế và từ khí của làng”. Tuy vậy, những khái niệm như: “biết chữ, công văn, bộ sổ, từ chương…” trong các đoạn văn trên vẫn chỉ loại chữ Nho (Hán tự), do quốc ngữ chưa phải là phổ biến.

Vậy mới có câu chuyện tiếp sau đây trong Vạn Bửu tự thuật: “Tháng 9 năm Đinh- Sửu (1877) tôi được 25 tuổi, lãnh chức thủ- bộ giúp việc cho ông thôn Chung/ lúc đó trong làng có một mình thầy giáo Nghĩa với ông Trịnh- Văn- Rèn biết chữ quốc ngữ mà thôi, nên khi nào có tờ trát chữ quốc ngữ gởi đến thì phải chiều luỵ, năn nỉ họ đọc giùm/ Gần cuối năm có trát quan Chánh bố (quan đầu tỉnh) dạy làng tu bộ cho mau đặng đem nạp cho sớm.

Thôn Chung sai thường- xuyên đi mời ông giáo Nghĩa ba lần mà ông không tới… (giáo Nghĩa làm thầy giáo lại làm Biện cho Cai tổng nên hương chức kiên (kiêng nề) lắm/ Tôi thấy chuyện bất bình quá, giáo Nghĩa không phải ông Khổng Minh mà Lưu Bị phải đi cầu hoài, tôi nổi nóng mới nói với ông Thôn lấy trát đưa tôi đọc cho.

Ông Thôn cãi rằng:- Chữ quốc ngữ chứ không phải chữ Nho. Tôi nói: Ậy mà tôi đọc được cho ông thì thôi/ ông Thôn mới mở trấp lấy trát đưa cho tôi, tôi đọc hết cho ông nghe. Ông ngạc nhiên hỏi tôi:- Ủa mày biết đọc bao giờ vậy?- Tôi mới biết đọc bữa nay/ Từ đó ông thôn Chung đi nói cùng làng xóm cho hay rằng tôi biết chữ quốc ngữ, rồi ông thôn không thèm mướn giáo Nghĩa viết bộ đời, sanh tử hôn thú, giao lại cho tôi viết và ăn phần tiền viết bộ luôn…”.

Vậy là những bài học “mót chữ” Quốc ngữ ở xóm Trùm Tranh, làng Gia Lộc, mỗi bài giá một quan tiền của ông Vạn Bửu phải ba năm sau mới phát huy tác dụng (1874-1877). Và đấy mới chỉ là nấc thang đầu tiên trên “hoạn lộ” của người sau này sẽ là Đốc phủ sứ Nguyễn Vạn Bửu, quan phủ Tân An. Bước thang quan trọng tiếp theo của ông là chức Phó tổng Hàm Ninh Hạ, quận Trảng Bàng.

Sau đây là diễn biến cuộc bầu chức vụ ấy vào ngày 1.6.1882 diễn ra tại dinh quận Trảng Bàng. Chuyện này được ông Vạn Bửu chép trong mục 18. Thang mây (trang 58- 60): “Đến ngày, quan Chánh bố xuống tại nha môn quận Trảng Bàng, có hương chức tề tựu đặng bỏ thăm (nhằm 16 tháng 4 năm nhâm ngũ (ngọ). Trong tổng có 3 ông ứng cử viên là: ông Trịnh Văn Thiện, Võ Văn Lân và Phạm Văn Nhiên ra tranh cử.

Tôi cũng có đi bỏ thăm và bỏ cho ông Trịnh Văn Thiện ở An Hoà/ Đúng giờ, quan Chánh bố khui thăm- ông sấp thăm đâu đó có thứ tự hết rồi kêu ba ông vô đứng một hàng. Quan Chánh bố hỏi:- Ba ông có ông nào biết chữ quốc ngữ không?/ Ông Phạm Văn Nhiên bước ra rằng biết. Còn hai ông kia thì biết chữ Nho mà thôi/ Quan Chủ tỉnh nói:/- Ba người trông ra vẻ đáng làm Tổng hết, ngặc vì mỗi người có ba thăm mà thôi, nên không đủ phép làm. Xin cám ơn ba ông.

Ngoài nầy hương chức và tôi đầu xầm xì với nhau, chắc thế nào cũng phải cử trở lại/ Kế nghe kêu: “Hương thân Bửu”/ Tôi dạ, bước vô khoanh tay đứng trước bàn. Quan Chánh hỏi: “Biết chữ quốc ngữ không?”/ Bẩm quan lớn tôi biết/ Ngài rút trong túi áo ra một cái đơn xin khẩn ruộng đưa cho biểu tôi đọc/ Thú thật rằng: ngày giờ ấy là ngày giờ phước chí tâm linh, nên tôi không sợ sệt, đọc suôn sẻ hơn mọi khi.

Đọc được ba bốn hàng gì đó, quan chánh đứng dậy với tay lấy cái đơn lại rồi nói:/ - Đứng đó cho Quan lớn dạy: Phần hương- thân người ta bỏ cho được 18 thăm, nên Quan lớn cho làm Phó tổng/ Ngài với lấy giây băng mộc ký trao cho tôi dặn rằng: “Ráng làm cho hết bổn phận, ngày sau đặng làm lớn hơn”/ Việc thình lình như giấc chiêm bao, tôi đứng đó mà nhẹ mình nhẹ mẩy, mắc cỡ còn hơn đi lấy vợ, một lát tôi mới tỉnh hồn, mới nhớ xá quan Chánh bố rồi bước xê ra. Quan dặn: “Thầy bắt đầu đi coi chừng cho họ đắp đường đi Bùng Binh”. Bãi cuộc, quan Chánh bố về Tây Ninh”.

Đình An Tịnh

Như vậy, cuộc bầu chọn Phó tổng do đích thân quan Chủ tỉnh (là người Pháp) chủ trì. Kết quả này cũng là một ngoại lệ, do 3 ứng cử viên đạt số thăm quá thấp. Ta còn biết thêm, nhiệm vụ “Phó Tổng” đầu tiên của ông Vạn Bửu là: “trông coi việc đắp đường đi Bùng Binh”. Đường này là hương lộ 6 hiện nay. Như thế là nó được đắp trong khoảng năm 1882.

Điều đáng chú ý là trước khi có sự kiện này, gia đình ông Vạn Bửu có biến cố lớn, đến độ ông phải ly dị vợ, giao con cho vợ để: “Tôi đi ra không với hai bàn tay trắng cùng một chức thôn trưởng” (1.1881). Ông về bên ấp An Thành ở đậu. Sau có người thương, cho mượn miếng đất 0,7 ha để ở. Đấy là lúc: “Trong tay không tiền, không gạo… tôi đi xin cây đủng đỉnh làm cột, xin tre làm kèo, bện đỡ rơm lợp một cái nhà nho nhỏ để đỡ nắng che mưa…”.

Ông cũng thôi luôn thôn trưởng, để ít lâu sau, ngày 5.10.1881 làng An Tịnh lại “kêu ra cử làm Hương thân”. Con đường “hoạn lộ” của con người sớm biết chữ quốc ngữ này cũng còn lắm khúc gập ghềnh, sóng gió…

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục